Chỉ 10 ngày gần đây, số ca Covid-19 mắc mới ghi nhận tại Hà Nội đã gần bằng 2 tháng trước đó cộng lại, trong khi tình hình cũng đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khác tại khu vực phía bắc.
Ca cộng đồng tăng vọt, nhiều ổ dịch phức tạp
Trong ngày 4.11 với kỷ lục 67 ca cộng đồng, có 7 ca dương tính trên địa bàn P.Phú La (Q.Hà Đông, Hà Nội) đang tạm trú tại quán mát xa ở Khu dịch vụ 4 Văn Phú. Theo lãnh đạo P.Phú La, trước đó, một nhóm 24 người đến Bệnh viện Hà Đông xin xét nghiệm Covid-19 do xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm, kết quả phát hiện 9 người dương tính, trong đó 7 ca tại P.Phú La. Đáng chú ý, những người này là công dân tỉnh khác về hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Từ thời điểm TP yêu cầu tạm dừng các cơ sở kinh doanh có điều kiện để phòng chống dịch, cơ sở mát xa trên đã tạm dừng hoạt động.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ thời điểm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 11.10 – 4.11, trên địa bàn TP đã ghi nhận 675 ca mắc (trung bình 29,4 ca/ngày), trong đó 195 ca tại cộng đồng (chiếm tỷ lệ 28,9%). Đặc biệt, số ca mắc tăng cao từ ngày 28.10 – 4.11, từ 33 lên đến 104 ca/ngày (4.11) và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Chỉ riêng ngày 4.11, TP đã ghi nhận thêm 3 chùm ca bệnh mới, trước đó TP cũng đã có 7 ổ dịch phức tạp.
Ngoài ra, Hà Nội đã ghi nhận 75 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch, trong đó có 32 ca lây nhiễm thứ phát. Không chỉ ca dương tính là người về từ các tỉnh phía nam, mà các F0 còn được phát hiện là người về Hà Nội từ các tỉnh phía bắc.
Số ca tăng vọt sau hơn nửa tháng mở cửa trở lại, khiến Hà Nội đang từ cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới theo đánh giá của Bộ Y tế hôm 19.10) lên cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) vào ngày 1.11. Trong đó, 2 ổ dịch lớn tại xã Tiến Thắng (H.Mê Linh) và TT.Quốc Oai thậm chí chuyển lên cấp độ 3, màu cam. TP cũng siết lại nhiều hoạt động như đám cưới, đám ma…, không tụ tập quá 30 người cùng thời điểm; nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa trước 21 giờ.
Tâm lý chủ quan
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Hà Nội chiều 3.11, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã nêu nguy cơ bùng phát dịch do số lượng người đến, về TP gia tăng cũng như tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Trả lời Thanh Niên, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, cho biết dịch bệnh không chỉ xâm nhập từ bên ngoài mà mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng thời gian qua, nhiều ca bệnh lẩn khuất chưa được phát hiện. Bên cạnh đó còn là sự đi lại của người dân được nới lỏng, sự chủ quan của một bộ phận người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin…
Theo ông Tuấn, một số chùm ca bệnh, ổ dịch như TT.Quốc Oai (H.Quốc Oai), xã Tiến Thắng (H.Mê Linh), chợ Ninh Hiệp (H.Gia Lâm)… dự báo còn phức tạp, nguy cơ lây lan cao do liên quan đến đám hiếu, đám cưới, giao lưu buôn bán và liên quan các cơ quan, công sở của nhà nước…, nên lượng người có tiếp xúc với F0 nhiều.
Cho biết số ca mắc mới trong ngày đã vượt 3 con số và vẫn còn tiếp tục tăng trong những ngày sắp tới, song ông Tuấn cũng cho rằng đây là điều đã được dự báo trước và phải chấp nhận khi mở cửa trở lại.
Khoanh chặt các ổ dịch
Tuy nhiên, về việc Hà Nội có nên thắt chặt lại một số hoạt động hay không, lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng tinh thần Nghị quyết 128 là thích ứng linh hoạt, chỗ nào có ổ dịch thì khoanh vùng hẹp, chứ không giãn cách xã hội diện rộng như trước đây. Việc dịch bùng trở lại sau khi mở cửa liên tỉnh không phải là câu chuyện riêng của Hà Nội mà của nhiều tỉnh phía bắc, khi các ổ dịch tại nhiều địa phương liên tục xuất hiện.
“Giải pháp là khoanh gọn, khoanh chặt các ổ dịch và ý thức cá nhân tự phòng hộ, tự bảo vệ, người về từ các địa phương khác phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu tự cách ly, tự theo dõi sức khỏe để tránh lây lan ra cộng đồng”, ông Tuấn khuyến nghị.
Diễn biến phức tạp nhiều nơi
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 cũng diễn ra căng thẳng tại nhiều địa phương khác ở phía bắc. Đến hôm qua, toàn tỉnh Bắc Ninh có 76 ổ dịch Covid-19; trong đó, H.Quế Võ nhiều nhất với 43 ổ dịch, tiếp đến là TP.Bắc Ninh 19 ổ dịch…
Ngày 4.11, thống kê trong vòng 24 giờ, Hà Giang có thêm 178 ca mắc mới, trong đó 109 ca cộng đồng. Trong đó, H.Vị Xuyên ghi nhận số ca mắc cao nhất là 78 ca, nâng tổng số ca mắc tại huyện này lên 134 ca. Từ 25.10 đến nay, Hà Giang đã ghi nhận 496 ca mắc cộng đồng.
Tại Phú Thọ, tính từ 18 giờ ngày 4.11 đến 18 giờ ngày 5.11, toàn tỉnh ghi nhận 39 ca mắc mới, trong đó 17 ca cộng đồng. Tính từ 14.10 tới nay, Phú Thọ đã ghi nhận 945 ca mắc Covid-19 tại 12 huyện, thị xã, TP; riêng TP.Việt Trì có 491 ca. Toàn tỉnh được đánh giá dịch ở cấp độ 2; trong đó, 1 huyện cấp độ 3, 11 huyện cấp độ 2, 1 huyện cấp độ 1; 5 xã cấp độ 4, 48 xã cấp độ 2 và 167 xã, phường, thị trấn cấp độ 1.
Còn ở Nghệ An, dịch tái diễn phức tạp với nhiều ca nhiễm cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Chỉ trong 2 ngày 4 – 5.11, tỉnh này ghi nhận thêm 56 ca, trong đó có 7 ca tại cộng đồng. Từ ngày 5.11, Bệnh viện đa khoa Nghệ An phải phong tỏa 8 khoa và bệnh viện chỉ được tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu vào điều trị khi tại đây xuất hiện ổ dịch mới, liên quan rất nhiều người. Sở Y tế Nghệ An và bệnh viện đã gửi thông báo truy tìm 1.466 người từng đến các khoa có người nhiễm Covid-19 để triển khai các biện pháp chống dịch.
Ngày 5.11, Nam Định ghi nhận thêm 28 ca mắc. Trong đó, có chùm 21 ca nhiễm ở xã Yên Cường (H.Ý Yên) liên quan ca F0 là người từ TP.HCM về Nam Định, đã hoàn thành cách ly tập trung 7 ngày và 2 lần xét nghiệm trước đó đều cho kết quả âm tính.
Cùng ngày 5.11, Quảng Ninh cũng ghi nhận thêm 20 ca mắc Covid-19, trong đó đều liên quan đến 2 ổ dịch ở TX.Đông Triều và TP.Uông Bí. Như vậy, từ 2 – 5.11, Quảng Ninh đã có gần 30 ca mắc mới và chưa rõ nguồn lây. Đáng chú ý, Quảng Ninh đã có địa phương đầu tiên ở cấp độ 4 (vùng đỏ) là xã Hồng Thái Tây (TX.Đông Triều). Ổ dịch tại Công ty TNHH Sao Vàng – Chi nhánh TP.Uông Bí (P.Yên Thanh, TP.Uông Bí) đang khá phức tạp.
Theo Thanhnien