Mỗi người có một Hà Nội riêng mình

13:01 | 05/11/2021

Sáng 1-10-2000, tình cờ nghe dàn kèn đồng quân khu 7 tề chỉnh trong đồng phục quân nhạc màu trắng trước sảnh nhà hát thành phố chơi bài “Người Hà Nội” tuyệt hay, lòng chợt nhớ mùa thu Thăng Long đến lặng người, như chỉ cần phóng ra bến Bạch Đằng là có thể chạm tay vào hồn vía sông Hồng rừng rực đuốc phù sa. Một người tha phương xa đất Bắc, xa Hà Nội mới hơn ba mươi năm như tôi mà nỗi nhớ đã vần vũ, đã quằn quại bồn chồn thế, dẫu chỉ bởi một phảy gió, một gợn mây, một hơi lạnh vu vơ gời gợi, huống hồ là những người xa dải đất nghìn năm văn vật đã 300 năm, 500 năm từ độ tổ tiên họ xuôi phương Nam mở cõi.


Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước.

Nỗi nhớ đất tổ Thăng Long chừng như ở trong tiềm thức, trong vô thức tận xương cốt người Việt để ngủ là mơ, thức là nhớ, một nỗi nhớ mơ hồ không cụ thể bàng bạc cả đất trời quê mới phương Nam. Phải chăng linh hồn của vọng cổ, của cải lương u hoài, thê thiết chính là tiếng hát nhớ quê xưa, nhớ tổ tông phương Bắc tận sông Hồng của người Cửu Long giang xa xứ ?

Vâng, Hà Nội không chỉ là của chung dân tộc mà còn của riêng từng tâm hồn người Việt, kể cả những người chưa một lần đặt chân đến đất Thăng Long. Cổ Loa – La Thành – Long Biên – Đại La – Thăng Long – Đông Kinh -Trung Đô – Đông Đô – Tràng An – Kẻ Chợ chỉ là một mảnh đất trong sông, tọa lạc hai bên tả hữu sông Hồng mang tên Hà Nội bây giờ. Không chỉ 990 năm kể từ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về đặt vùng đất linh kiệt ấy là Thăng Long người Việt mới nhớ về cội nguồn ấy, đế đô ấy, mà đã nhớ từ độ cổ xưa thuở Cổ Loa thành trước công nguyên ít nhất là 200 năm.

Rồng đã được đặt tên cho đất ấy trước Lý Công Uẩn hàng nghìn năm : Long Biên. Ở chỗ này, tôi có một băn khoăn với các nhà sử học: rằng Thăng Long – Hà Nội đâu chỉ mới có 990 năm tuổi mà Cổ Loa – Long Biên đã có ít nhất 2.200 tuổi nếu chúng ta vẫn kể Thục Phán An Dương Vương là Giao Chỉ-Việt Nam. Dấu tích Cổ Loa thành vẫn còn sững sững hơn hai ngàn năm ở ngoại ô Hà Nội đó, sao nay chúng ta lại nỡ tước mất của Hà Nội hơn một nghìn năm tuổi ?

Ở chỗ này, chúng ta phải bái phục đức Ngô Quyền; vì khi giành lại độc lập dân tộc sau một nghìn năm mất nước, Ngài vẫn nhớ thủ đô của Âu Việt cũ là Cổ Loa nên vẫn chọn đất thiêng này làm đế đô. Chỉ vì sau đó loạn 12 xứ quân, đến Đinh Bộ Lĩnh tạm ẩn vào rừng thẳm núi cao, lấy Hoa Lư làm kinh đô mới, là đất quê ông mà thống nhất lại giang sơn. Việc Lý Công Uẩn dời đô về thánh địa cũ của dân tộc là một kỳ tích, một sáng suốt chiến lược. Nhưng Thăng Long không phải là khám phá mới của Lý Công Uẩn như trong dịp này báo chí vẫn tuyên truyền mà chính là khám phá của tổ phụ Thục Phán An Dương vương.

Ngay cả 1000 năm Bắc thuộc, thủ phủ của xứ Giáo Chỉ vẫn là Long Biên -Hà Nội. Rồi nước Vạn Xuân độc lập của Lý Nam  đế cũng lấy Long Biên làm thủ đô. Hà Nội sau tên gọi Thăng Long đã đổi tên thành Đông Đô, Đông Kinh, Trung Đô. Sau này, chính vua Minh Mạng đã đổi tên kinh đô Tràng An – Kẻ Chợ – Đông Đô thành tên Hà Nội. Theo logic 990 năm Thăng Long – Hà Nội này, có lẽ vài chục năm nữa chúng ta lại tổ chức lễ kỷ niệm Hà Nội 200 tuổi ư ? Nếu tính tuổi thủ đô tuỳ theo tên gọi kia, thì năm 2002 tới, chắc nước ta sẽ tổ chức kỷ niệm Việt Nam 200 tuổi ư ? ( Năm 1802, vua Gia Long xin với nhà Thanh đặt tên nước là Nam Việt, nhưng nhà Thanh chỉ thuận cho gọi tên nước là Việt Nam ).

Mùa thu này, với tôi, Cổ Loa – Long Biên – Thăng Long – Hà Nội đã 2221 tuổi. Hà Nội mang trên mình 22 thế kỷ, là một trong những thủ đô lâu đời nhất thế giới. Vậy mà mùa thu với sương sớm, trời xanh, với gió rươi, gió cốm, với chim ngói chở heo may về sao tinh khôi ban đầu là vậy. Không biết Ngô Quyền đi đánh quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo dời kinh thành đi đánh quân Nguyên, Huyền Trân công chúa đi làm dâu Chiêm Thành, Nguyễn Hoàng đi mở đất phương Nam…có nhớ Hà Nội quặn thắt như những lưu dân của cuộc chiến tranh như tôi đang nhớ, đang ngóng vọng về mùa thu gió heo may gieo vàng mười trên hè đường, với sương khói Hồ Tây ngút trời biêng biếc nắng.

Hà Nội khi vào thu.

Có nhiều người lính chưa từng đến Hà Nội mà trong chiến hào nghe bom B52 rải thảm thủ đô mùa đông 1972, như thể bom đang ném xuống trái tim mình. Chưa đến Hà Nội mà vẫn nhớ, vẫn tạo ra một Hà Nội của riêng mình để nhớ thương, vừa như một biểu tượng, lại vừa cụ thể đến cả trời mây. Nhiều người lính trước lúc hi sinh tiếc chưa một lần được viếng thủ đô; nhưng máu họ đổ ra là huyết thống của sông Hồng thấm vào đất mẹ tận rừng xanh núi thẳm. Người xa Hà Nội nhớ Hà Nội đã đành, mà người ở chính giữa lòng Hà Nội cũng vẫn thao thức nhớ Hà Nội mới lạ.

Tôi có một người bạn trên lục tuần, quê gốc Hà Nội mà ngày nào cũng ngồi nhớ Hà Nội đến vẩn vơ. Anh bảo : Hà Nội rộng lắm, làm sao một mình tôi có thể phân thân ra hàng trăm mảnh để mắt mình chỗ nào, lúc nào cũng được ngắm Hà Nội mới hả lòng yêu. Ngồi ngắm Hoàn Kiếm lại nhớ Hồ Tây, sang Gia Lâm, Đông Anh lại thẫn thờ tương tư Nghi Tàm, Quảng Bá… Cứ vậy, một đời anh nhìn ngắm, dấu yêu  Hà Nội đến mê man, đến có lúc mụ mị cả người, đến nỗi bà vợ phải ghen tuông. Hồi hai vợ chồng mới lấy nhau, anh hay bỏ nhà đi bất chợt, có khi khuya khoắt mới về. Vợ anh nghi anh có chuyện mèo chuột, bèn tìm cách theo dõi, rình mò. Đúng “nó” đợi con trời đánh nào rồi nên mới ra ghế đá bờ Hồ Tây ngồi một mình ngắm sóng. Chị vợ theo rình, đợi nhiều lần tới vài tiếng đồng hồ nhưng “nó” vẫn ngồi một mình, không thấy con  nào hò hẹn tới. Sau nhiều lần theo dõi, rình quyết bắt kẻ trăng hoa, chị mới kinh ngạc hiểu ra chồng mình yêu Hà Nội hơn cả vợ, rồi cũng khóc lóc ghen tuông, nhưng thực đã nhẹ lòng vì Hà Nội không phải là một người đàn bà cụ thể.

Anh bạn này một dịp vào Sài Gòn chơi, ghé hẹn tôi đưa anh đi miền Tây Nam Bộ. Nhưng đầu tháng mười, anh đột ngột bỏ dở chuyến du hành, vội đi tàu bay ra Hà Nội. Cứ ngỡ anh giận tôi, nhưng sau này viết thư vào, mới biết anh phải vội về sợ hết dịp thưởng thức gió heo may. Anh yêu gió heo may, yêu đám mây chim ngói, yêu sương thu đọng lại thành giọt giọt cốm mới như yêu những nỗi niềm thiêng liêng nhất giữa hồn anh nhưng lại nhờ đất trời cất giấu. Anh bảo đêm thu trở giấc vì một tiếng vạc kêu như tiếng kéo cắt trời, biết là sương đã níu cầu vồng khóm cúc, lòng tự nhiên hun hút tận hư không mà hiu hắt cùng nỗi tịch lặng mang mang thiên địa.

Tôi đã biết có những người yêu Hà Nội quá cả đời không chịu đi đâu, cứ quẩn quanh với chim sâm cầm Hồ Tây, với hoa đào Nhật Tân, Quảng Bá. Nhưng có bao nhiêu người yêu Hà Nội, muốn sống chết với Hà Nội mà phải chia xa Hà Nội mãi mãi để chết cho Hà Nội tận góc biển, chân trời. Hầu như như mọi tinh hoa dân tộc, anh hùng hào kiệt Việt Nam đều tụ về thánh địa cũ của An Dương vương Thục Phán. Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Mạc Đăng Dung, Trịnh Kiểm…đều từ nơi khác đến đây lập nghiệp, lập vương triều. Nguyễn Hoàng đi lập đất phương Nam cũng đi từ Hà Nội. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều… từ các quê khác đến đây tắm hồn trong văn hóa Long Biên – Thăng Long – Hà Nội  mà thành văn chương, thành bất tử…

Trước một cơn bão ngoài khơi, giữa Sài Gòn hai mùa mưa nắng, đôi khi tôi vẫn tìm ra một mảnh thu lưu lạc từ phương Bắc hiện về. Trời âm âm như được che bằng sương mù, không khí the the vị vỏ cam vỏ bưởi, thành phố chợt mát dịu niềm phiêu lãng muôn đời xưa cũ. Đúng hơi thu, khí thu giữa Sài Gòn thoáng chốc thật rồi. Lòng kẻ tha phương chùng xuống vì được trời an ủi cho một tí thu vợi nhớ thương. Nhưng lá vàng gieo ngơ ngác suốt các vỉa hè riu riu gió kiểu “Trải vách quế gió vàng hiu hắt “thì không thể tìm thấy trên các vỉa hè nhiệt đới lồng lộng nắng gió phương Nam xanh tươi miên viễn này. Tôi muốn nhắc lại câu thơ mình từng viết hai mươi năm trước :

” Có phải lá vàng rơi từ nghìn năm xưa bỗng sẽ sàng chạm đất

Những vỉa hè đỡ lấy cả mùa thu ”

Đi giữa Sài Gòn nắng nóng, lòng tôi chợt là những vỉa hè Hà Nội. Những vỉa hè từng hơn hai nghìn năm chìa đôi vai gầy ra đỡ lấy vàng thu như sứ mạng gánh vác, đỡ lấy những rơi rụng, những lưu lạc buồn thương cho cả một dân tộc sinh ra chưa kịp thưởng thức trọn một mùa thu đã phải ra chiến trường.

 

Trần Mạnh Hảo

Video hay

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Cần sớm trùng tu, tôn tạo Tượng đài nữ pháo binh Ngư Thuỷ

Quảng Bình: Cần sớm trùng tu, tôn tạo Tượng đài nữ pháo binh Ngư Thuỷ

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL