Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.
Theo Ngân hàng Nhà nước, qua quá trình theo dõi giám sát tình hình hoạt động thanh toán, NHNN nhận thấy trong thời gian gần đây nổi lên tình hình tội phạm công nghệ cao giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Branding Name) của các ngân hàng gửi đến điện thoại di động để lừa khách hàng truy cập, giao dịch tại trang web giả mạo ngân hàng do đối tượng phạm tội lập ra.
(Ảnh minh họa)
Mục đích, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng là sau khi đánh cắp thông tin đăng nhập (tên đăng nhập, mật khẩu) và mã xác thực giao dịch (OTP) sẽ dùng các thông tin bí mật này kết hợp với việc thay đổi phương thức, thiết bị nhận mã xác thực OTP để thực hiện các giao dịch giả mạo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cũng đã lên tiếng cảnh báo nạn giả mạo tin nhắn thương hiệu bằng các chiêu thức lừa đảo rất tinh vi.
Cụ thể theo Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, phương thức thủ đoạn lừa đảo phổ biến của các đối tượng là sử dụng số điện thoại bất kỳ (SIM rác) để phát tán nội dung lừa đảo. Hành vi lừa đảo này đã được cảnh báo, tuyên truyền đến người tiêu dùng bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo đã thay đổi phương thức, thủ đoạn là giả mạo tin nhắn, cuộc gọi thương hiệu – Brand Name của các ngân hàng, công ty điện lực… Nguy hiểm hơn là các tin nhắn, cuộc gọi giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu “thật” của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng.
Do đó, người dùng, khách hàng của các ngân hàng, công ty điện lực… sẽ rất dễ nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ các ngân hàng hay các cơ quan hữu quan. Đây là thủ đoạn rất tinh vi và nguy hiểm.
Bằng nhiều nguồn khác nhau, sau khi có được thông tin khách hàng của các ngân hàng, tổ chức… các đối tượng sẽ gửi các tin nhắn, cuộc gọi giả mạo Brand Name đến khách hàng đó.
(Ảnh minh họa)
Trong nội dung các tin nhắn giả mạo này luôn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do các đối tượng quản lý (các trang web này có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng, tổ chức…) nên người dùng dễ lầm tưởng, mất cảnh giác.
Khi người dùng truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng, tổ chức… và được yêu cầu điền các thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…
Khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi như: chuyển khoản, mở thấu chi, topup thẻ tín dụng, đăng ký vay online…
Bằng các phương thức, thủ đoạn trên, thời gian qua, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng với số tiền lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Với phương thức phát tán tin nhắn Brand Name giả mạo ngân hàng, tổ chức… khách hàng rất khó để phân biệt được thật giả.
Trên thực tế nhiều ngân hàng đã gửi khuyến cáo về các hình thức lừa đảo để cảnh báo khách hàng của mình nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng nhận được thông tin hay hiểu hết được mức độ tinh vi và nguy hiểm của những thủ đoạn trên.
Do đó giải pháp tốt nhất là khi nhận được những tin nhắn như trên, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ Ngân hàng, tổ chức… để phát hiện các tin nhắn giả mạo.
Người tiêu dùng không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn. Hoặc khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người tiêu dùng hãy gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng, tổ chức… để kiểm tra lại thông tin.