Số ca F0 tăng nhanh, các tỉnh miền Tây lo bùng dịch trở lại
Liên tục những ngày qua, số F0 trong cộng đồng tại nhiều tỉnh miền Tây tăng mạnh. Một số tỉnh, thành như Cần Thơ, Sóc Trăng đã quyết định chuyển cấp độ dịch từ vùng xanh lên vùng vàng. Có thể thấy, nguy cơ dịch bùng phát trở lại tại miền Tây vẫn đang hiện hữu.
Một điểm đáng lo nữa là hiện tại miền Tây tỷ lệ người được tiêm đủ liều vắc xin còn thấp. Thậm chí có tỉnh chưa đạt tỉ lệ 70% người từ 18 tuổi được tiêm vắc xin mũi 1.
Tại Bạc Liêu, địa phương có số ca F0 cao nhất miền Tây trong những ngày qua. Chỉ tính từ 6h sáng ngày 26/10 đến 6h sáng 31/10, tỉnh đã ghi nhận hơn 1.400 F0; trong đó có hơn 650 ca ghi nhận tại cộng đồng.
Đáng nói, chỉ trong 24h từ 6h sáng ngày 30 đến 6h sáng 31/10, Bạc Liêu ghi nhận đến 441 ca F0, đây là số ca F0 kỷ lục của tỉnh được ghi nhận trong 1 ngày.
17 tỉnh thành mở lại xe khách với TP HCM
Hôm nay (1/11), tỉnh Tây Ninh mở lại vận tải hành khách tuyến cố định qua TP HCM. Các xe tạm thời được tỉnh sắp xếp qua bến xe ở huyện Hòa Thành, do Bến xe khách Tây Ninh đang bị phong tỏa phục vụ công tác truy vết, phòng chống Covid-19. Cùng với Tây Ninh, trước đó 16 tỉnh thành khác đã mở lại xe khách tuyến cố định qua 2 bến xe liên tỉnh lớn nhất TP HCM là Miền Đông (quận Bình Thạnh) và Miền Tây (quận Bình Tân).
Đại biểu Quốc hội đề xuất gói kích cầu hạ tầng 10% GDP
Ngày 30/10, góp ý về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ông Đinh Ngọc Minh (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), cho rằng kế hoạch lần này khác biệt lớn so với giai đoạn 2016-2020 là tái cơ cấu trong bối cảnh đại dịch; việc phục hồi nền kinh tế của Việt Nam cần triển khai nhanh và sớm bằng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Ông Minh đưa ra một số kiến nghị, trong đó có việc Quốc hội ban hành gói kích cầu khoảng 10% GDP để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế, bao gồm đường cao tốc, cảng biển, sân bay kết nối các đường sắt với hai cảng biển chính là cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép -Thị Vải. “Gói kích cầu này sẽ đạt được mục tiêu kép là xây dựng nền tảng hạ tầng kinh tế lớn và tạo việc làm”, ông nói.
Theo chương trình, ngày 12/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Tìm thấy thi thể giám đốc vụ tai nạn giữa đập thủy lợi
Khoảng 6h30 sáng 31/10, ở bờ sông Thạch Hãn, người dân phát hiện thi thể ông Hoàng Đức Việt (47 tuổi, giám đốc doanh nghiệp khai thác khoáng sản). Người thân của ông này đã đến nhận dạng.
Trước đó sáng 26/10, đoàn công tác 4 người của Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị, cùng với 4 người khác sử dụng tàu vỏ thép ra giữa sông Thạch Hãn để kiểm tra luồng nước, nhằm cấp phép bến thủy nội địa cho doanh nghiệp của ông Việt.
Thuyền xuất bến khoảng 2 phút thì gặp sự cố, tắt máy nên trôi dạt về đập tràn thủy lợi Nam Thạch Hãn. 8 người trên tàu nhảy vào ụ bê tông giữa đập để lánh nạn, không may ông Việt bị nước cuốn mất tích.
7 người còn lại mắc kẹt giữa ụ bê tông, được giải cứu sau 5 tiếng, trong đó có Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị Trần Ngọc Sơn.
Chuyên gia: Đề án thu phí xe vào nội đô thiếu tính khả thi
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND thành phố vào cuối tháng 10. Đề án do đơn vị tư vấn Đại học Giao thông Vận tải xây dựng, đề xuất lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3, hoạt động từ 5h đến 21h hàng ngày; dự kiến thu phí ôtô vào trung tâm thành phố từ năm 2025.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chủ trương thu phí ôtô, cấm xe máy nhằm giảm phương tiện cá nhân đã được Hà Nội dự kiến từ nhiều năm. Tuy nhiên, để triển khai chính quyền thủ đô sẽ phải đối mặt với hàng loạt “bài toán khó”.
Trước hết, để giảm được xe cá nhân thì thành phố phải có một tỷ lệ lớn phương tiện công cộng, giải quyết trên 50% nhu cầu đi lại của người dân. “Hiện nay, phương tiện công cộng mới đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại, do vậy việc thu phí xe vào nội đô rất khó nhận được sự ủng hộ”, ông Quyền nói.
Ông Quyền đồng tình với đề xuất xác định ranh giới thu phí từ vành đai 3 trở vào trung tâm, song không nên thu phí với xe chở hàng hóa, vận tải khách vì các phương tiện này đã không được vào nội đô giờ cao điểm, nếu phải trả phí lưu thông vào giờ thấp điểm thì sẽ “lạm thu”.
Tàu hàng 28.000 tấn được kéo khỏi bãi cạn
Chiều 30/10, tàu hàng Glory Future cùng 20 thuyền viên được kéo khỏi bờ biển phía nam cảng Cửa Việt sau 10 ngày mắc cạn. Con tàu kích thước 169×27 m, tải trọng 28.000 tấn, hiện neo đậu ở khu vực an toàn để đánh giá mức độ hư hỏng trước khi chuyển đến nơi sửa chữa.
Tàu hàng do ông Jwo Quojiang (50 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, mang cờ Hong Kong, đang chờ nhận 26.000 tấn cát tại cảng Cửa Việt để xuất đi Hàn Quốc. Trên tàu có 8 người Trung Quốc và 12 người Việt Nam.
4 ôtô tông nhau, đường trên cao tắc hơn 15 km
Khoảng 12h ngày 30/10, ôtô con lưu thông trên cầu Thanh Trì hướng quận Hoàng Mai đi Gia Lâm va chạm với xe bán tải cùng chiều. Cùng lúc này, xe tải chở nước ngọt đi đến phanh gấp, xe khách từ phía sau không kiểm soát được tốc độ đâm vào xe chở nước ngọt.
Sau tai nạn, xe tải chở nước ngọt lật nghiêng húc văng barie ngăn cách hai làn đường; xe khách quay chéo chắn gần hết mặt cầu Thanh Trì. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. Ban đầu lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì thấp, một số xe lách qua hiện trường, tuy nhiên càng về sau dòng xe ùn tắc càng dài.
Đến 15h cùng ngày, dòng xe ùn tắc hơn 15 km từ cầu Thanh Trì đến nút giao Trần Duy Hưng. Đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết địa bàn đội cách hiện trường vụ tai nạn hơn 10 km và đã phải huy động tối đa lực lượng để phân luồng.
Đến 16h30, hiện trường vụ tai nạn được giải phóng, tuy nhiên vào đúng giờ cao điểm buổi chiều nên lượng phương tiện ùn tắc vẫn rất lớn. Khoảng 19h, khi qua giờ cao điểm, lượng phương tiện mới thưa dần.
Tổng hợp