Mưa to kết hợp với thủy điện xả lũ khiến hơn 16.000 ngôi nhà ở Quảng Nam, Quảng Ngãi chìm trong biển nước; đường sá bị sạt lở nặng. Riêng Quảng Ngãi có 1 người chết và 3 người mất tích.
Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Việt Nam vừa cho biết trong 3 ngày (từ 19h ngày 21/10 – 19h ngày 24/10), tại khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to tập trung chủ yếu vào ngày 23/10 và 24/10, lượng mưa phổ biến từ 200-500mm, riêng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến từ 400-600 mm, một số trạm mưa lớn hơn như: Tam Trà (Quảng Nam): 946 mm, hồ Phú Ninh (Quảng Nam): 695mm, Bình Khương (Quảng Ngãi): 859 mm, Trà Phú (Quảng Ngãi): 809 mm, Bình Tân (Quảng Ngãi): 802 mm.
Tính đến sáng 25/10, do mưa lớn kéo dài, tại Quảng Nam vẫn còn 5.373 nhà bị ngập trong nước từ 0,3-1m thuộc các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh; thành phố Tam Kỳ và Hội An. Tại Quảng Ngãi có 11.038 nhà bị ngập từ 0,5-0,7m thuộc huyện Bình Sơn.
Hiện 77 hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đang điều tiết qua tràn, trong đó ở Bắc Bộ 7 hồ, Bắc Trung Bộ 7 hồ, Nam Trung Bộ 17 hồ, Tây Nguyên 41 hồ, Đông Nam Bộ 5 hồ.
Một số hồ xả lớn như Sông Tranh 2 xả 197/899 m3/s; Sông Ba Hạ 300/669 m3/s; Ialy 1166/1650 m3/s; Sê San 4 là 1.605/2.295 m3/s; Sê San 4A 1.770/2.295 m3/s.
Ở khu vực Nam Trung Bộ hiện có 159/476 hồ đầy nước. Trong đó, có 66 hồ cần đặc biệt quan tâm mùa mưa lũ gồm 46 hồ xung yếu, 20 hồ đang thi công. Ở khu vực Tây Nguyên hiện có 87/194 hồ đầy nước.
Đáng chú ý, mưa lũ đã khiến tỉnh Quảng Ngãi thiệt hại nặng với 1 người chết và 3 người mất tích; 162,39 ha lúa, ngô và 346 ha rau màu bị thiệt hại; 11 tấn lương thực bị ướt. Đặc biệt, mưa lũ khiến 2.811 gia súc, gia cầm bị chết và 152,5 ha thủy sản bị thiệt hại.
Ngoài ra, Quảng Ngãi có khoảng 2.564m kênh mương bị sạt lở; 3 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp gây sạt lở 160m bờ sông.
Đến sáng nay, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ tại Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng với 34 vị trí, tổng khối lượng sạt lở 3.754m3 và 5.500m2 mặt đường bị hư hỏng. Ngoài ra, có 95 vị trí bị sạt lở trên các tuyến đường tỉnh, huyện, xã với tổng khối lượng sạt lở 6.123m3. Đặc biệt, có 21 cầu giao thông tại Quảng Ngãi bị hư hỏng.
Hiện tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 2.149 hộ/7.076 khẩu ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 110km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm cho biết dự kiến, sau khi mạnh thành bão, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và khu vực trọng tâm ảnh hưởng là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Thời điểm gió mạnh nhất, tâm bão vào bờ ngày 27/10, gió mạnh trên đất liền cấp 5-6, ven biển hoặc các đảo dự báo cấp 6-7.
Thời điểm mưa to nhất từ đêm 26 đến tối 27/10, nhiều nơi mưa xấp xỉ 200mm trong 24h. Trước khi bão vào có mưa nhỏ và sau đó còn mưa kéo dài, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm.
Khu vực chịu ảnh hưởng đợt mưa kéo dài vừa qua như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn sẽ là khu vực có mưa lớn.
Tổng hợp