Nửa thế kỷ là một chặng đường đáng để suy ngẫm về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tết đến, Xuân về, nhớ Bác, tác giả xin được cùng bạn đọc suy ngẫm về một vài hoạt động của Người trong năm 1968 mà tư tưởng soi sáng đến tận hôm nay.
Tháng 1-1968
Ngày 1-1, như lệ thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng năm mới tới đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sau khi điểm lại những thắng lợi của quân và dân hai miền trong năm 1967, Người chỉ rõ “sang năm nay, bọn Mỹ xâm lược càng bị động, càng lúng túng, quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa. Người chúc mừng năm mới đồng bào và chiến sĩ cả nước bằng bài thơ:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Bài thơ này thể hiện tinh thần đường lối chống Mỹ, cứu nước của Bộ Chính trị từ khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam và leo thang chiến tranh ra miền Bắc với những thắng lợi của quân và dân ta ở miền Nambẻ gãy hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967.Tháng 12- 1967, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân tích tình hình trong nước và thế giới, quyết định chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới – thời kỳ giành thắng lợi quyết định bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Đó là một quá trình tiến công liên tục kết hợp với nổi dậy liên tục của quần chúng nhằm đè bẹp sức kháng cự của địch. Yêu cầu trước mắt của tổng công kích, tổng khởi nghĩa là giáng cho địch những đòn tiến công quyết định, làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh. Nghị quyết đó của Bộ Chính trị đã được Hội nghị toàn thể lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tháng 1-1968.
16 giờ ngày 1-1-1968, Bác rời Hà Nội đi Trung Quốc chữa bệnh, Người phải tiêm kháng sinh, có ngày 4 lần, kết hợp châm cứu, chạy điện phổi. Hằng ngày Người vẫn nghe đọc báo và tin trong nước gửi sang.
Sáng ngày 29-1 (mùng 1 Tết Mậu Thân), Người nhận được điện báo cáo của Bộ Chính trị: “Đánh khắp miền Nam”. Vui mừng khi nghe tin quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Người viết thư gửi đồng chí Lê Duẩn. Sau khi khẳng định “thắng lợi này đem lại một chuyển biến mới có lợi cho ta”, Người cũng nhắc nhở “phải ngăn ngừa chủ quan khinh địch và lạc quan quá trớn”.
Tâm trạng của Bác những ngày đầu Xuân Mậu Thân trên “đất khách quê người”, tuy “bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao”, nhưngvẫn xen lẫn sự lo toan. Bằng sự trải nghiệm cả cuộc đời của một trí tuệ lớn, một bản lĩnh văn hóa, Người cảnh báo tư tưởng lạc quan tếu sau những thắng lợi bước đầu.
Tháng 2-1968
Trong Thư gửi Bộ Chính trị (khoảng 13-2-1968), Người nêu ý nghĩ: “Trong đợt thắng to đầu Xuân của ta, không có đơn vị (ngụy quân) nào đáng kể (như tiểu đoàn) khởi nghĩa đi theo ta, như các anh em đã báo cáo rằng nhiều đơn vị đã hứa hẹn. Ta cũng không lôi kéo được những người như Trần Văn Hữu, Dương Văn Minh… vào những Mặt trận mới tổ chức ra”. Từ đó, Người nhắc nhở báo chí “tuyên truyền về thắng lợi đồng thời phải làm cho quân và dân ta nâng cao cảnh giác và thấy những khó khăn cần phải vượt qua”.
Khoảng cuối tháng 2-1968, Người lại có thư gửi tiếp Bộ Chính trị. Nếu thư trước chỉ mới nêu “mấy ý nghĩ”, thì thư này, Người đặt ra một số câu hỏi cho Bộ Chính trị: Bộ Chính trị đánh giá cuộc thắng lợi đầu Xuân của miền Nam thế nào? Chính sách trước mắt của ta ở miền Nam thế nào? Kế hoạch tương lai gần đây của ta ở miền Nam thế nào?
Tháng 3-1968
Ngày 10-3-1968, trong Thư gửi đồng chí Lê Duẩn, Người nhắc lại kế hoạch đi thăm miền Nam, chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn. Người nhắc đồng chí Lê Duẩn chuẩn bị lịch trình cho khớp.
Miền Nam trong trái tim Người là một nỗi niềm lớn. Người luôn dành tình cảm thiêng liêng và cao quý cho đồng bào miền Nam: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Người tâm sự rằng, với miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ. Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”
Tháng 4-1968
Sáng ngày 21-4-1968, Bác Hồ rời Bắc Kinh về nước.
Từ 10-5 đến 19-5, đúng 9 giờ hằng ngày, Người dành khoảng một giờ viết, đọc lại, sửa chữa tài liệu “Tuyệt đối bí mật” các phần về việc riêng, công tác chỉnh đốn Đảng, công việc đối với con người”.
Nửa thế kỷ sau, đọc lại những phần Bác viết năm 1968, chúng ta cảm nhận được tầm nhìn xa trông rộng của Người về những vấn đề lớn của đất nước. Tiếp nối phần viết năm 1965 “Trước hết nói về Đảng” với ý nghĩa vấn đề Đảng đặt lên đầu tiên, lần này, vấn đề Đảng phải làm trước tiên, đó là chỉnh đốn lại Đảng.
Tư duy của Hồ Chí Minh về Đảng là tư duy về một Đảng cầm quyền, gắn với quyền là việc tu dưỡng đạo đức, vì quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Phần này năm 1965 Người nhắc nhở “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Sau 3 năm trăn trở, suy nghĩ, từ tầm nhìn hướng tới tương lai, “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn mười ngày nay” với những công việc cực kỳ to lớn, phức tạp, khó khăn, nặng nề-một cuộc chiến đấu khổng lồ-Người đặt vấn đề chỉnh đốn lại Đảng làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.
Suốt cả cuộc đời, Bác đã hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, Người không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Cả cuộc đời Người tiết kiệm từng hạt gạo, đồng tiền của nhân dân. Trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Người vẫn không quên dặn lại “sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Tất cả vì dân và tất cả do dân là hạt ngọc lung linh tỏa sáng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh, được khẳng định lại một cách rõ ràng trong “thư” viết bổ sung năm 1968. Vấn đề chỉnh đốn lại Đảng không phải vì Đảng mà nhằm phục vụ nhân dân. Người quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân bao gồm những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; các liệt sĩ; cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ; những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong; phụ nữ; đồng bào nông dân. Người cũng không quên dặn dò Nhà nước phải dùng vừa giáo dục vừa pháp luật để cải tạo những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.
Theo Bác, muốn chỉnh đốn Đảng thành công cũng như thực hiện các công việc đối với con người có hiệu quả “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
“Thư” viết bổ sung năm 1968 chứa đựng những nội dung rất quan trọng thể hiện tư duy đổi mới trong việc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Ngày nay Đảng ta bàn đến tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chính phủ nói nhiều đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, thực tế. Tất cả những điều đó, ở những mức độ khác nhau, chúng ta có thể tìm thấy trong những dòng viết của Bác năm 1968 với điều cốt tủy trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng và kế hoạch xây dựng lại đất nước. Người lại dặn “chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm”.
Kế hoạch đó được Bác dặn kỹ “Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc”. Những nội dung đó thể hiện tinh thần kiến tạo bậc nhất trong lịch sử dân tộc.
Những dòng ngắn gọn trong phần viết bổ sung năm 1968 chứa đựng một tầm tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về cả nội dung và biện pháp; cả mục tiêu và phương thức thực hiện xây dựng đất nước sau chiến tranh. Một vấn đề nổi lên là nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống, xây những cái mới mẻ, tốt tươi, chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng.
Tháng 6-1968
Những dòng bổ sung trong “Thư” năm 1968, chưa đầy 20 ngày sau, trong buổi làm việc với một số cán bộ về xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt” ngày 7-6-1968, Bác nhắc lại một lần nữa với những lời tâm huyết, trách nhiệm, bằng cách làm việc hết sức dân chủ.
Người nói rằng “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được”. Dân chủ là làm sao cho người dân dám mở mồm ra như Bác đã viết “làm cho người dân dám nói, dám làm”.
Người nói về chủ nghĩa Mác-Lênin, điều mà nhiều người học mà ít người hiểu. Từ năm 1950, trong bài nói chuyện về bản Tổng cương và Điều lệ Đảng, Hồ Chí Minh đã khẳng định “nói chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam là nói đến chủ trương, chính sách của Đảng. Ví dụ đại đoàn kết. Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải ở đâu người ta cũng làm cộng sản, cũng làm Xôviết”.
Lần này Người nói: “Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác”. Thực chất của vấn đề là phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
Cũng liên quan đến phục vụ nhân dân mà suốt đời Bác quan tâm, Người viết: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a,b,c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”.
Một cách tiếp cận khác, khẳng định dân tộc ta vĩ đại, Đảng ta vĩ đại, làm rõ đạo đức cao nhất là chí công vô tư và đi liền với nó là phải chống chủ nghĩa cá nhân, Người viết: “”Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Nửa thế kỷ trôi qua, điểm lại một số công việc của Bác, chúng ta càng thấu cảm và thấu hiểu sâu sắc thêm về tầm vóc trí tuệ Hồ Chí Minh, một con người mà tư tưởng, đạo đức, phong cách mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân giành thắng lợi.
Người viết: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a,b,c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Một cách tiếp cận khác, khẳng định dân tộc ta vĩ đại, Đảng ta vĩ đại, làm rõ đạo đức cao nhất là chí công vô tư và đi liền với nó là phải chống chủ nghĩa cá nhân, Người viết: “”Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong. |
Bùi Đình Phong/VHVN