Vượt 822,000 ca nhiễm, vượt mốc 20,000 ca tử vong
Tính đến sáng 7/10, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 822,687 ca nhiễm, 757,086 ca đã khỏi bệnh, 5,743 ca nặng đang điều trị và 20,098 ca tử vong. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (kể từ 27/4) đến nay, số ca nhiễm là 818,091 ca.
Hôm qua 6/10, Bộ Y tế thông báo về 4,363 ca mắc mới gồm 7 ca nhập cảng và 4,356 ca tại 40 tỉnh/thành, trong đó có 2,223 ca cộng đồng.
Số mắc ngày 6/10 tại Việt Nam giảm 4 ca so với ngày 5/10, trong đó, Bình Dương giảm 255 ca, Đồng Nai giảm 119, Bình Thuận giảm 89, Tp HCM tăng 469 ca, Đắk Lắk tăng 50, Trà Vinh tăng 42.
Cũng trong ngày 6/10, Việt Nam có 10,033 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số ca tử vong là 119 ca tại 11 tỉnh/thành, chủ yếu tại Tp HCM (88) và Bình Dương (16).
Hà Nội có 2 ca dương tính mới tại Phú Xuyên và Hoàn Kiếm
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 6-10 đến 6h ngày 7-10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2 ca dương tính mới đã được cách ly. Hai bệnh nhân (BN) mới phân bố tại 2 quận, huyện: Phú Xuyên, Hoàn Kiếm và thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt và chùm liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh.
Đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào phác đồ điều trị COVID-19
Bộ Y tế vừa ra hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất, bổ sung thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, thuốc ức chế IL-6 nếu đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới, trong đó, thuốc kháng virus Molnupiravir chính thức được đưa vào phác đồ, chỉ định cho bệnh nhân nhẹ.
Thuốc này chống chỉ định với phụ nữ có thai, phụ nữ đang kế hoạch có thai, người dưới 18 tuổi, suy gan, suy thận nặng, phụ nữ cho con bú. Thời gian điều trị là 7-14 ngày.
Bộ Y tế cho biết, tại một số quốc gia đã công bố, thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đặc biệt, thuốc giúp giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Trước đó, đơn vị này cũng đã đưa thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị COVID-19 chỉ định cho bệnh nhân nội trú có triệu chứng trung bình, nặng, nên phối hợp với corticoid điều trị dự phòng sớm, chống đông máu.
Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận lao động Việt Nam sau hơn 8 tháng tạm dừng
Ngày 6/10, ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, từ tháng 10, Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 tại Tokyo và 18 tỉnh, đồng thời dỡ bỏ trình trạng bán khẩn cấp tại các vùng còn lại và từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới.
Bên cạnh đó, nước này cũng nới lỏng các quy định về cách ly với khách nhập cảng đã chích vaccine COVID-19. Các trường hợp đã chích vaccine, khi nhập cảng chỉ cần cách ly tại nhà 10 ngày, giảm 4 ngày so với quy định trước đó.
Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức xuất cảng cho hơn 200 ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản sau hơn 8 tháng nước này “đóng cửa”.
Theo nhận định của ông Hương, trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam theo diện thực tập sinh, thực tập kỹ năng đặc định, kỹ thuật viên, kỹ sư, kỹ thuật cao… Ông Hương cho biết thêm, phía Nhật Bản không bắt buộc người làm việc phải chích ngừa.
Quân đội bắt đầu rút khỏi Sài Gòn
Từ hôm nay ngày 7/10, nhiều đơn vị quân đội bắt đầu rút lực lượng tại Sài Gòn sau hơn 1 tháng đến thành phố chi viện.
Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính uỷ Bộ tư lệnh Tp HCM, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ rút quân trước, còn các đơn vị thuộc Quân khu 7 sẽ rút quân từ nay cho đến ngày 15/10. Riêng lực lượng quân y dự kiến duy trì đến hết tháng 11.
Hôm 5/10, khoảng 1/4 số quân nhân tại Gò Vấp trở về đơn vị. Tp Thủ Đức cũng đang dự kiến rút dần 1,600 quân nhân.
Trong đợt dịch thứ 4, từ 23/8, quân đội đã điều động hơn 132,000 quân nhân cùng 2,000 y bác sĩ và học viên quân y vào Sài Gòn.
Cảnh báo 2 cơn bão liên tiếp trên biển Đông, gây mưa lớn tại miền Trung, Tây Nguyên
Mới đây, Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo, từ nay đến 13/10 sẽ có 2 cơn bão liên tiếp trên Biển Đông gây mưa lớn ở miền Trung, Tây Nguyên.
Cụ thể, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về ứng phó thiên tai cho biết, hiện đang xuất hiện một chuỗi thiên tai rất nguy hiểm, có khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão trên Biển Đông và nguy cơ xảy ra mưa lũ rất lớn ở khu vực miền Trung.
Theo ông Hoài, một số nơi ở miền Trung sẽ mưa trên 500 mm trong 3 ngày, đây là một tổ hợp thiên tai kép vừa bão, vừa mưa lũ gây rủi ro trên biển, ven biển, đất liền và khu vực miền núi.
Ông Hoài đề nghị các địa phương bảo đảm an toàn, chú ý đến việc người dân từ Tp HCM và các tỉnh phía Nam trở về quê bằng xe máy.
Ông Hoài khuyến cáo, đây là tình huống rất nguy hiểm, người dân không di chuyển khi có mưa lũ lớn và bão đổ bộ, cần trú tránh và bảo đảm an toàn ứng phó dịch.
72 huyện miền Trung nguy cơ ngập lụt, dự kiến di tản hơn 290,000 người
Chiều 6/10, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho hay, tháng 10 và 11 là trọng điểm mưa lũ miền Trung, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Theo ông Khiêm, ước tính có 72 huyện thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Tp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai nguy ngập lụt; 54 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã lên phương án di tản 71,559 gia đình với 290,671 người trong tình huống dịch bệnh.
Dự báo đến ngày 8/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500 mm/đợt, có nơi trên 600 mm/đợt; từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến từ 100-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt.
Tổng hợp