Có một cái cực kỳ quan trọng ít được chú ý: Tâm thế con người trước vi rút corona.
Sợ hãi khi thấy nước Mỹ tiên tiến hàng ngàn người chết vì dịch mỗi ngày. Ở Ấn Độ truyền thông cho biết người chết không đủ củi để thiêu. Ngày nào trên Facebook cũng có lời chia buồn người chết vì COVID….
Thời gian cách ly, ở các bịnh viện dã chiến, tôi để ý: có người rất lo lắng (đa phần người lớn tuổi), có người “tỉnh bơ” (thanh niên), và thành phần “vô tư” nhất: trẻ em. Ba mẹ chúng bảo, một hai ngày đầu chúng hơi sốt, các ngày sau, chúng làm như chẳng có gì xảy ra dù xét nghiệm dương tính. Bố mẹ chúng sốt, nhức đầu, ho, sổ mũi…cũng vài hôm rồi hết. Cần được quan tâm y tế: người có bịnh nền (tiểu đường, ung thư, tim mạch…), người già gầy yếu, nhất là người quá béo phì. Vợ tôi vừa ra khỏi bịnh viện sau 23 ngày chữa trị COVID, bà chứng kiến có 5 người qua đời trong thời gian đó trong cùng một phòng. Tất cả họ đều có bịnh nền khi đưa vào đó đều thở dốc, hỗ trợ oxy tức thời. Hiểu cái nguy hiểm của COVID để đối phó nó hiệu quả. Hiểu biết sẽ bớt sợ hãi.
Lo sợ và bình tĩnh (hoặc không ý thức về bịnh như trẻ con) cái nào có ích lợi hơn? Tâm thế dân chúng đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó dịch bịnh. Nhìn nước Nhật trong đại nạn sóng thần, chúng ta hiểu vì sao họ chóng vượt qua thảm trạng. Với hệ thống hùng hậu truyền thông, việc củng cố tinh thần người dân trong đại dịch đối với nhà nước là…chuyện nhỏ như con thỏ. Xem phóng sự Ranh Giới trên VTV để rơi nước mắt, để sợ hãi COVID và xem một đoạn phim bày tỏ sự can cường của bịnh nhân vượt qua cơn bịnh, cái nào có tác dụng cho tinh thần người dân? Nếu xem Ranh Giới để hiểu khổ nhọc của đội ngũ y bác sĩ, vậy khi chưa có COVID, họ không khổ nhọc hay sao? Không cần tuyên truyền, người dân vẫn trân quý sự hy sinh thầm lặng của hàng chục ngàn các người áo trắng ngày đêm đối diện với hiểm nguy để giành lại sự sống cho đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Tôi có lần nói đến “dân khí” trong chống dịch. Tôi lặp lại: Dân khí mạnh, COVID yếu. Thế thôi. Làm thế nào để nuôi dưỡng dân khí đối phó với dịch bịnh? Công việc này không phải người dân tự làm mà được. Họ cần truyền thông. COVID không lạ lẫm với con người gần 2 năm nay. Những gói thuốc A, B, C cấp cho những F0 cách ly tại nhà quan trọng không kém những túi gạo, gói rau gửi tới những gia đình chịu tổn thất vì phong tỏa. Cho phép đi lại an toàn đối với người chích đủ 2 mũi, người chữa khỏi F0 để duy trì mạch sống xã hội và “ai ở đâu ở đó “ cái nào có ích lợi hơn trong chống dịch? Đi lại, lưu thông, không nguy hiểm. Đi lại, lưu thông không an toàn (tạo lây lan dịch) mới nguy hiểm. Đi lại bằng công nghệ có bất lợi hơn đi lại bằng giấy phép?
Trong chữa trị đông y, các vị thuốc luôn vừa “bổ” (nâng đỡ cơ thể) vừa “tả” ( đánh vào bịnh trong cơ thể).
Chống dịch” bình dân” chính là chống dịch theo nguyên tắc như chữa bịnh đông y: Vừa bổ vừa tả.
5K chính là tả. Vắc xin và “dân khí” là bổ. Chắc chắn hàng rào kẽm gai không ngăn chặn được dịch. Hiểu biết mới là thành trì vững chãi.
Dịch giả Nguyễn Long Chiến
(Người cao tuổi nền ung thư đã cùng vợ trải qua Trạm thu dung, Bệnh viện dã chiến tại TPHCM).
Theo FB nhà thơ Hoàng Hưng