(Nghĩ vụn về bài thơ QUAN HẢI – ĐÓNG CỬA BIỂN của Nguyễn Trãi)
QUAN HẢI
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ,
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.
Càn khôn kim cổ vô cùng ý,
Khước tại thương lang viễn thụ yên.
Dịch nghĩa:
ĐÓNG CỬA BIỂN
Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển
Xích sắt giăng ngầm dưới sông cũng uổng công thôi.
Thuyền bị lật mới tin câu nói “dân như nước”,
Cậy đất hiểm cũng khó dựa, mệnh là ở trời.
Hoạ phúc có manh mối, không phải chỉ trong một ngày,
Anh hùng để mối hận đến mấy nghìn năm sau.
Cái ý vô cùng của trời đất xưa và nay,
Lại nằm ở chỗ sắc nước trong xanh, làn khói trên chòm cây xa vời.
DỊCH THƠ
Cọc gỗ vững ken dày trước sóng,
Xích sắt ngầm giăng khắp sông sâu.
Lật thuyền mới biết bởi đâu,
Dân như nước, đất hiểm sâu giúp gì!
Họa phúc có mầm, đâu một buổi,
Hận anh hùng, để mấy ngàn năm!
Lẽ trời kim cổ xa xăm,
Vẫn xanh sắc nước, tím bầm khói mây.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Bãi cọc tại Khu di tích Bạch Đằng Giang mô phỏng trận địa cọc cha ông ta sử dụng đánh giặc ngoại xâm.
Bài thơ chữ Hán Quan Hải, (Đóng cửa biển), có lẽ Nguyễn Trãi viết sau chiến thắng chống quân Minh xâm lược. Tác giả quan sát và suy tư. Quan sát thiên nhiên nơi cửa biển “Sắc nước bát ngát”, mà suy tư về lẽ hưng vong của triều đại nhà Hồ ngắn ngủi, đồng thời cảm thán về nỗi đau uất hận của anh hùng thất thế.
Bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường. Hai câu mở đầu, khơi nguồn từ một hiện thực như vẫn còn đang hiển hiện trước mắt:
Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển,
Xích sắt giăng ngầm dưới sông cũng uổng công thôi!
Cọc gỗ và xích sắt, đấy là những thứ mà nhà Hồ cho làm để chống quân Minh xâm nhập vào cửa biển nước ta. Công bằng mà nói, đó là những việc làm cần thiết đối với việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lúc bấy giờ. Có việc hơi giống tiền nhân Ngô Quyền chống quân Nam Hán, đời tiền Lê (Lê Hoàn) chống quân Tống, và ở đời Trần ( Hưng Đạo Đại Vương) chống Nguyên Mông, đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng, cũng là để chống giặc phương Bắc. Nhưng tiền nhân thì thành công, còn cha con Hồ Quý Ly thì thất bại, cuối cùng bị bắt làm tù binh, rồi chết thảm ở đất giặc. Chỉ riêng Hồ Nguyên Trừng được tha, vì có tài, sau làm quan cho nhà Minh, có công chế tạo súng Thần cơ cho nhà Minh. Việc cũ đã qua, nhưng vật chứng vẫn đang còn đó, nhưng mà “Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển / Xích sắt ngầm dưới sông cũng uổng công thôi”!…như những chứng tích, rưng rưng hiển hiện trước mắt và trong tâm tưởng thi nhân, như thể một nỗi đau xót xa của lịch sử. Hai câu mở đầu, đã thấy rõ thái độ của tác giả.
Bốn câu thơ tiếp theo, luận về nguyên nhân của sự thành bại và anh hùng thất thế. Nguyễn Trãi viết:
Thuyền bị lật, mới tin rằng dân như nước,
Cậy đất hiểm cũng khó dựa, mệnh là ở trời.
Hoạ phúc có manh mối, không phải một ngày (mà sinh ra)
Anh hùng để hận mấy nghìn năm sau…
Sử sách chép rằng, khi giặc Minh chuẩn bị xua quân sang xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly họp bàn tìm kế chống giặc. Người con cả, Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nói rằng: “Đánh thì không sợ, chỉ sợ lòng dân không theo”! Quả đúng như sự thật đã diễn ra sau đó. Về quân sự, nhà Hồ không có tướng tài, đúng hơn là không thể tập hợp được nhân tài. Bản thân Hồ Quý Ly chỉ là một nhà quân sự kém cỏi. Mấy lần làm tướng đánh nhau với quân Chiêm Thành dưới triều Trần, Hồ Quý Ly đều thua trận, bỏ cả đại quân mà chạy tháo thân, lại còn gian manh đổ tội cho người khác, thu vén công lao về cho mình. Còn tướng lĩnh ở triều nhà Hồ, phần lớn “chỉ là đồ gan chuột” (Ý thơ Nguyễn Mộng Tuân). Vua tôi như vậy, làm sao thắng giặc? Huống nữa nhà Hồ mới đoạt vương quyền từ nhà Trần suy thoái, lòng dân chưa theo, làm sao có sức mạnh giữ cho con thuyền đất nước không bị lật? Dẫu có đóng cọc trước sóng biển, có giăng xích sắt ở cửa sông, có tìm đất hiểm xây thành đá vững bền, cũng chẳng thể nào ngăn được quân giặc dữ, khi mà “lòng dân không theo”! Trương Hán Siêu, trong bài “Phú sông Bạch Đằng” đã viết:
Giặc tan, muôn thủa thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao!
Không có “thiên thời”, không có “nhân hoà”, không có “đức cao”, chỉ mới có một chút “địa lợi”, làm sao mà có thể thắng giặc? Bởi thế nên Nguyễn Trãi viết rằng “Thuyền bị lật, mới tin rằng dân như nước” (Phúc chu thủy, tín dân do thuỷ)! Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân. Không có sự ủng hộ của nhân dân, sao có thể làm nên sự nghiệp lớn lao? Vua tôi cha con bị bắt làm tù binh, nước mất nhà tan (Thuyền bị lật), Hồ Quý Ly bấy giờ mới kịp nhận ra, “mới tin rằng sức dân như nước” (Tín dân do thuỷ). Bài học lịch sử ấy, đã có từ xa xưa, vậy mà cha con họ Hồ vẫn dẫm chân vào vết xe đổ, thật tiếc lắm thay! Tác giả dẫu rằng có quy các nguyên nhân thất bại của nhà Hồ vào một khái niệm mơ hồ là “mệnh trời”, thì cũng chỉ là trừu tượng hoá một sự thật lịch sử vào một khái niệm chung nhất, nhuốm màu sắc siêu hình mà thôi. Tuy nhiên, sau đó, tác giả lại quay về với một kết luận mang đậm màu sắc triết lý biện chứng:
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên!
Thế nghĩa là mọi hiện tượng và sự vật đều có nguồn gốc sinh diệt cả. Như cái “hoạ” hoặc cái “phúc” kia, chẳng phải tự dưng mà đến, chẳng phải một ngày mà sinh ra, bởi thực ra nó đã có “mầm mống” từ lâu cả rồi! Ví như cái này là “Nhân” (nguyên nhân) thì cái kia là “Quả” (kết quả) và ngược lại, như triết lý Nhân-Quả của Phật giáo vậy thôi! Để đất nước rơi vào thảm hoạ bị ngoại bang dày xéo, “người anh hùng còn ôm hận đến mấy ngàn năm sau”!…
Cha con Nguyễn Trãi từng làm quan cho nhà Hồ, nên Nguyễn Trãi có thể xem Hồ Quý Ly như một vị anh hùng chăng? Tôi cho rằng, ở đây không hẳn và chưa chắc đã là như vậy! Bàn chuyện thất bại của nhà Hồ, nhưng ở hai câu “luận” này, tác giả đã mở rộng phạm vi chủ đề, để gửi gắm tâm sự nói chung của những người anh hùng thất thế. Cũng không loại trừ đó là dự cảm về số phận của chính ông, chỉ ít năm sau đó, đã vướng hoạ “tru di tam tộc” vô cùng xót xa thương cảm, cho đến nay, vẫn còn “mưng mủ” trong lòng bao thế thệ hậu sinh…
Kết thúc bài thơ, tác giả lại tiếp tục luận bàn, nhưng là sự luận bàn ở khía cạnh rộng rãi hơn, khái quát hơn, qua đó mà nêu chân lý khách quan, lại cũng hơi có vẻ siêu hình:
Càn khôn kim cổ vô cùng ý,
Khước tại thương lang viễn thụ yên.
(Cái lẽ của trời đất xưa nay thật là vô cùng,
Vẫn là ở chỗ sắc nước bát ngát, cây khói xa vời)
“Cái lẽ của trời đất” ở đây là gì vậy? Nó vô hình vô ảnh thật đấy, bởi vì nó là “Vô cùng ý”, sâu xa và cũng vô cùng màu nhiệm. Thực ra thì bản chất cái lẽ của “Càn khôn kim cổ”, tác giả đã nói ở trên rồi, ở đây chỉ là mở rộng để gửi gắm một nỗi niềm man mác buồn thương của người trong cuộc, của người đương thời mà thôi! Và cái “ý vô cùng của trời đất”, vẫn còn biểu hiện ở ngay đây, ở chỗ “sắc nước xanh thẳm” và bát ngát ngoài biển kia, ở chỗ “Cây khói xa vời” kia, như thể những chứng nhân bất tử cho sự thăng trầm dâu bể của cõi người!
Một bài thơ đầy ắp tâm trạng và vô cùng sâu sắc. Những bài học mà Nguyễn Trãi nêu trong bài thơ chữ Hán (Đóng cửa biển) này, đến nay vẫn còn tươi mới, và sẽ mãi còn tươi mới. Để mất lòng dân thì còn gì? Câu trả lời duy nhất là sẽ mất tất cả! Nguy cơ an ninh đất nước bị đe doạ, đã thấy ở nhãn tiền. Dẫu có đóng cọc gỗ lim, giăng lưới sắt tất cả các cửa biển, dẫu có đội quân trăm vạn, vị tất đã có thể ngăn nổi quân xâm lược, nếu như để mất lòng dân, để những ai đó có quyền cao chức lớn, miệng nói “vì dân”, “thương dân”, nhưng thực chất chỉ nghĩ đến cái “mưu” cái “mẹo” vơ vét cho đầy túi tham. Một khi nước mất, nhà tan, có thể mặc nhiên mà ngồi an hưởng phú quý hay sao?
Hà Nội 19-8-2011
Vũ Bình Lục