Trung tâm dữ liệu dưới nước của Microsoft ngoài khơi đảo Orkney Islands, Scotland cung cấp kết nối Internet và dịch vụ điện toán đám mây tốc độ cao cho người dân địa phương.
Microsoft vừa tuyên bố đã triển khai giai đoạn hai dự án Project Natick, biệt danh “bắn hạ mặt trăng”, nhằm kiểm tra tính bền bỉ và ổn định của trung tâm dữ liệu dưới nước.
Trong 12 tháng tới, Microsoft sẽ đánh giá hiệu quả dự án đã có trên giấy cách đây 4 năm. “Chúng tôi cần biết một trung tâm dữ liệu dưới nước như vậy có thể vận hành an toàn và hiệu quả hay không”, giám đốc dự án Ben Cutler nói.
Trung tâm dữ liệu giúp kết nối các máy chủ với nhau. Về cơ bản, đây là nơi lưu trữ toàn bộ thông tin trên Internet. Khi người dùng lướt web hoặc truy xuất thông tin tài khoản, dữ liệu sẽ được lấy từ trung tâm dữ liệu.
Dự án trung tâm dữ liệu Project Natick cũng có chức năng tương tự nhưng lại được xây dựng trong những chiếc ống dạng tàu ngầm có kích cỡ tương đương một chiếc côngtenơ, trái với cấu trúc trung tâm dữ liệu khổng lồ và tiêu tốn năng lượng trên mặt đất.
Bằng cách này, dự án có thể giải quyết khâu làm mát trung tâm dữ liệu, vốn tốn nhiều điện năng nếu đặt trên mặt đất. Dự án Project Natick sử dụng điện năng tạo ra từ sóng biển thông qua turbin thủy triều và bộ chuyển hóa năng lượng sóng biển, và đương nhiên nó không cần phải làm mát vì đã được đặt dưới đáy biển.
Microsoft không phải công ty đầu tiên tìm cách đặt trung tâm dữ liệu tại những nơi làm mát sẵn như đáy biển. Facebook, Google, Apple từng xây dựng trung tâm dữ liệu tại các núi băng hoặc Bắc Cực để tận dụng khả năng làm mát tự nhiên.
theo CNET