Tháng 7 đọc lại nhật ký “Tây Tiến Viễn chinh”

14:42 | 28/07/2021

Tây Tiến viễn chinh là Nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, ngay sau đó, từng trở thành một sự kiện xuất bản và văn hóa của Đà Nẵng năm 2006, và là tác phẩm duy nhất viết về chiến trường Campuchia của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20”. Trần Duy Chiến cũng là tác giả vinh dự được góp mặt trong bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam cùng các tác giả nổi tiếng khác như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm…

Bìa sách Nhật ký Tây tiến viễn chinh.

Trần Duy Chiến sinh năm 1957, quê gốc tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Xuyên suốt cuốn nhật ký của Trần Duy Chiến, là nỗi nhớ quê hương da diết đến khắc khoải – cái tâm trạng của người đi xa… Sau mấy tháng ở đơn vị huấn luyện tân binh, từ Tây Nguyên, đến khi thật sự rời xa Tổ Quốc, sống trong những khu rừng biên giới của Campuchia, nỗi nhớ ấy càng nhân lên đến xót xa. Sáng sớm ngày 20-7-1980, trên đường đi truy quét tàn quân Pôn-pốt tại vùng biên giới phía tây Cam-pu-chia, tiểu đội của Trần Duy Chiến đã không may sa vào ổ phục kích của địch. Một quả mìn địch gài trên đường bất ngờ phát nổ đã khiến một đồng đội đi sau Chiến bị thương vào đầu, còn anh bị trọng thương, nát chân phải, không cứu chữa được. Đồng đội anh kể lại: Mấy ngày sau, khi chiếc xe chở thi hài Chiến và một số liệt sĩ khác về gần tới Pai-lin lại bị trúng mìn chống tăng lần nữa. Xe cháy và hỏng hết. Thêm một cán bộ của ta hy sinh. Như thế, có thể nói Trần Duy Chiến đã hy sinh tới hai lần!

 Nhà thơ Đặng Vương Hưng cho biết: “Như một cơ duyên, tháng 10/2005, anh Trần Duy Dũng (em ruột Trần Duy Chiến) tại TP. Đà Nẵng đã chủ động liên hệ với tôi, với nguyện vọng nhờ tổ chức bản thảo cuốn sổ tay di vật của Liệt sĩ Trần Duy Chiến thành một tác phẩm độc lập. Sau khi tiếp cận tư liệu gốc, tôi đã nhận lời biên soạn, viết giới thiệu và mời Nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941 – 2007) viết lời bạt. Tháng 4 năm 2007, tôi còn cùng thân nhân gia đình liệt sĩ trực tiếp vào Sông Bé bốc mộ, đưa hài cốt của Liệt sĩ Trần Duy chiến về quê…”. Ngày  1/5/2007, Quận ủy quận Sơn Trà đã phối hợp với gia đình, Sư đoàn Bộ binh 309 đã đưa hài cốt của liệt sỹ Trần Duy Chiến từ nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương về nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Nẵng, trở về với đất mẹ quê hương. Hiện nay, tại Đà Nẵng, có một con đường mang tên Trần Duy Chiến.

Là người lính thế hệ sau năm 1975, nghĩa là khi đất nước đã thống nhất, nhưng ý nghĩ Trần Duy Chiến không khác với thế hệ cha anh trong hai cuộc kháng chiến trước kia là mấy. Nhật ký chỉ ghi được trong vòng một năm tám tháng mười tám ngày và không phải ngày nào cũng có điều kiện ghi đối với cuộc sống và chiến đấu của một người lính ở mặt trận; thậm chí, có ngày anh chỉ ghi được có ba dòng như ngày 11.10.1978 (tr.28), có ngày anh ghi mười một trang như ngày 14.8.1979 (tr.158-169), anh ghi về cuộc sống gian khổ, thiếu thốn của người lính, từ cái ăn, cái mặc cho đến thuốc lá… nhưng vượt lên trên tất cả những điều ấy là một tình yêu vô bờ đối với quê hương, tuy có khi không nói ra thành câu chữ, nhưng thông qua sự kiện và ý nghĩ, ta có thể nhận ra mục đích lẽ sống, bản lĩnh và cả tư duy, giọng điệu đậm đặc chất Quảng Nam.

Nhận định về nhật ký Tây tiến viễn chinh, nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong  cho rằng : “Không bị lệ thuộc một cách khiên cưỡng vào một thể loại văn học và ý thức của một người sáng tạo nghệ thuật, tác giả không bị gò bó trong một khuôn khổ, một sự chi phối nào, mà tất cả được giãi bày một cách hồn nhiên, tự nhiên những cảm nghĩ thực của tâm trạng trước đời sống. Cũng chính vì thế, tác phẩm không chỉ là nhật ký mà có đoạn là hồi ký, là tản văn, là đoản văn, tạp văn hoặc những ghi chép báo chí. Nhật ký ghi ngày 12.10.1978 chỉ có hai mươi sáu dòng là một đoản văn súc tích, phóng túng và lãng mạn về một người tình nào đó: “Cho tôi xin một lần chờ em dưới ánh trăng mờ soi sáng con đường cát dẫn vào nhà em. Xin một lần hẹn em để rồi em không đến, để rồi em trễ hẹn và chỉ còn một mình tôi dưới trăng mờ soi mỗi hồn tôi với nỗi cô đơn chồng chất trong lòng” (tr.29); nhật ký các ngày 7.3.1979, 2.7.1979 dài hơn hai trang là những tản văn tiếc nuối về tuổi học trò; nhật ký các ngày 28.1.1979, 10.10.1979 viết về quê hương, về ngày sinh của mình anh lại chuyển thành hồi ký; nhật ký các ngày 24.10.1978, 03.06.1979 là những đoản văn mượt mà đầy ắp tình yêu thương về người mẹ, về quê hương… Những đoạn văn như thế có đầy đủ các yếu tố tạo nên chỉnh thể của một tác phẩm, thể hiện đúng những đặc trưng của một tiểu loại thuộc thể ký, hoàn toàn có thể lấy nguyên xi từ nhật ký in thành một tác phẩm độc lập (Sông Hương số 209 – 07 – 2006).

Chân dung liệt sĩ Trần Duy Chiến ( 1957-1980).

Một bạn đọc trẻ – Nguyễn Thế Toàn (12KC)  đã chia sẻ: Tây tiến viễn chinh, cuốn sách này thu hút sự chú ý của em ngay lập tức khi lần đầu nhìn thấy trên kệ sách thư viện trường. Học sinh chúng em luôn luôn chú ý những cuốn sách không quá dày vì chúng tốn quá nhiều thời gian để tìm hiểu nội dung, hay những cuốn sách quá ngắn vì nghĩ rằng nội dung của chúng có phần “hạn chế”, vì vậy nên những cuốn sách với độ dày trung bình tầm cuốn truyện sẽ là lựa chọn hấp dẫn nhất. Chính vì vậy mà “Tây tiến viễn chinh” sẽ là lựa chọn phù hợp cho học sinh chúng em. Chỉ vừa tầm cuốn truyện tranh quen thuộc, nội dung đầy thú vị không kém phần cuốn hút, cộng thêm trang bìa đầy vẻ khói lửa sa trường, học sinh thanh niên chắc chắn sẽ bị hấp dẫn bởi cuốn sách này từ cái nhìn đầu tiên”.

Có thể nói,  nội dung những trang nhật ký Trần Duy Chiến phần lớn viết về mẹ. Với anh, mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận – nơi anh muốn chia sẻ những cảm xúc thật của lòng mình nhiều nhất: “Mẹ ơi! Con bắt đầu sợ cái bộ chiến y màu lá thắm mà con đang mặc. Nó là cái gì làm ngăn cách giữa con và mẹ? Nó ôm kín và dìu con vào những nơi có tiếng súng nổ, có sự chết chóc. Con sợ nó lắm mẹ ơi! Con muốn cởi trả nó lại cho đất nước để được về gần bên mẹ. Lúc mẹ ốm đau có đứa con trai bên mình cơm cháo thuốc thang, để chiều mưa không làm con ướt, để chiếc ba lô và khẩu súng không đè nặng mãi hồn con và lẽo đẽo theo con suốt cả tháng trời hành quân. Để đêm đêm con được yên lành trong giấc ngủ, để cánh rừng rậm không phủ kín được ước mơ của con…”. Và bên cạnh đó, nỗi nhớ thiết tha  nhất tác giả muốn gởi gắm, luôn  mang đậm hình ảnh quê nhà. Đặc biệt, điều đó thể hiện ở hơn 70 bài thơ do anh sáng tác, như:

“Gió Thăng Bình ước mơ rộn rã

Liễu Nam Ô  buông xõa tóc thề

Chuông chùa chiều xuống lê thê

Gió đông thức dậy sóng về cù lao”

                                  (Nhớ quê hương)

Hoặc:

“Rằng kẻ ra đi dạo ấy rồi

Phương trời cách biệt sống trăm nơi

Vẫn còn thương lắm con đường nhỏ

Thương lắm quê hương một góc trời”

                           (Viết cho tôi)

 Với chúng tôi, những người lính từng có mặt tại Campuchia cùng  thời điểm với Trần Duy Chiến (1978-1980), nên đọc lại những trang viết của anh càng mang nhiều ý nghĩa xúc động sâu sắc. Tháng 7 này cũng là dịp ngày giỗ, sau hơn 30 năm ngày liệt sĩ Trần Duy Chiến hy sinh. Trần Duy Dũng em trai của anh, nói rằng, do tình hình dịch bệnh Covid, nên gia đình không tiện tổ chức gặp gỡ những người bạn, chiến hữu thân thương của anh. Tôi viết bài viết này, như một nến hương để tưởng nhớ đến Trần Duy Chiến cũng như những chiến hữu cùng thế hệ mãi mãi tuổi 20 vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc./.

 

Trần Trung Sáng

 

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào