UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc UBND huyện Trảng Bom giao đất nhưng lại không qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái quy định pháp luật.
Không chỉ giao hơn 4 ha đất rừng sai quy định mà UBND huyện Trảng Bom, Đồng Nai còn không xử lý những sai phạm của người sử dụng đất dù đã có chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai.
Phát hiện 12 năm nhưng không xử lý
Theo hồ sơ, năm 1994, ông VNC được Trạm trồng rừng Sông Mây (trực thuộc Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam) hợp đồng không thời hạn trồng rừng theo chương trình dự án 327 với diện tích 4,26 ha tại xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Đến năm 2003, UBND huyện Trảng Bom cho rằng ông VNC sử dụng đất không đúng mục đích, thiếu hiệu quả nên huyện kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi diện tích đất do ông VNC hợp đồng với Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam giao cho UBND huyện quản lý, sử dụng.
Sau khi nhận được tờ trình của UBND huyện, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định thu hồi đất Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam sử dụng đất không hiệu quả và giao UBND huyện Trảng Bom quản lý. Tuy nhiên, ông VNC không đồng ý với kiến nghị thu hồi đất của UBND huyện Trảng Bom.
Đến tháng 8-2004, UBND huyện Trảng Bom thực hiện cưỡng chế toàn bộ khu đất của ông VNC. Tuy nhiên, sau khi cưỡng chế xong khu đất 4 ha này thì ngay lập tức UBND huyện Trảng Bom lại giao cho ông ĐVĐ (ngụ huyện Trảng Bom) để ông này sản xuất mô hình nông lâm kết hợp tại xã Bắc Sơn với thời hạn thuê đất là 25 năm.
Sau đó, UBND huyện Trảng Bom cấp ba giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông ĐVĐ thời hạn sử dụng đến hết năm 2029, nguồn gốc Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm.
Tuy nhiên, sau khi thuê được đất, ông ĐVĐ không thực hiện sản xuất mô hình nông lâm kết hợp như đã cam kết với UBND huyện Trảng Bom mà xây dựng lò gạch “khủng”, lấy đất bán ra ngoài.
Biết được sự việc, người dân địa phương đã có đơn gửi cơ quan chức năng việc UBND huyện kiến nghị tỉnh Đồng Nai thu hồi đất của ông VNC rồi giao cho ông ĐVĐ làm lò gạch ngay trên đất rừng.
Ngày 9-4-2008, UBND xã Bắc Sơn đã có văn bản gửi UBND huyện Trảng Bom về việc ông ĐVĐ tự ý xây dựng lò gạch trên đất cho thuê để sản xuất theo mô hình nông lâm kết hợp. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 12 năm, UBND huyện Trảng Bom vẫn im lặng để cho ông ĐVĐ sử dụng đất làm lò gạch mà không hề đình chỉ, xử lý.
Sự việc trên khiến người dân hết sức bức xúc đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai, Thanh tra Bộ TN&MT và Tỉnh ủy Đồng Nai.
Năm 2019, sau khi nhận được đơn của người dân xã Bắc Sơn, Thanh tra Bộ TN&MT và Tỉnh ủy Đồng Nai có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ nội dung mà người dân phản ảnh. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai lập đoàn kiểm tra để xác minh.
Đầu năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai kết luận xác định việc ông ĐVĐ tự ý xây dựng lò gạch không đúng với mục đích được cho thuê đất. Việc này từ năm 2008 đã được UBND xã Bắc Sơn báo cáo lên UBND huyện Trảng Bom. Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa xử lý vi phạm trên của ông ĐVĐ. Trách nhiệm này thuộc về chủ tịch UBND huyện Trảng Bom.
Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng UBND huyện Trảng Bom giao đất cho ông ĐVĐ thuê đất sản xuất mô hình nông lâm kết hợp nhưng lại không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái với quy định của Luật Đất đai.
Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Trảng Bom giải quyết dứt điểm những sai phạm đã nêu. Tuy nhiên, đến nay hơn một năm sau chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, phía UBND huyện Trảng Bom vẫn chưa xử lý những sai phạm trên khiến người dân xã Bắc Sơn bức xúc.
Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lãnh đạo UBND huyện Trảng Bom xử lý nhưng không được trả lời.
Theo ghi nhận của PV, hiện trong khu đất 4 ha mà ông ĐVĐ đang sử dụng có nhà máy gạch vẫn hoạt động.
Huyện đang rà soát để có báo cáo
Để làm rõ thông tin vì sao đã hơn 12 năm sau khi UBND xã Bắc Sơn có báo cáo sai phạm của ông ĐVĐ trong khu đất rừng cho thuê và hơn một năm UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo xử lý sai phạm nhưng đến nay vẫn không xử lý, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với lãnh đạo huyện và người phát ngôn UBND huyện Trảng Bom để có câu trả lời.
Sau khi tiếp nhận thông tin, chủ tịch UBND huyện Trảng Bom có văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị nghiệp vụ rà soát các hồ sơ để có báo cáo cụ thể trả lời báo Pháp Luật TP.HCM sau.
Theo PLO