Cuối thời nhà Thanh đã xuất hiện một cuộc cải cách lớn, nếu không tham lam và chấp nhận buông bỏ ít nhiều, có lẽ hoàng tộc Thanh triều không phải giương mắt nhìn đế chế của mình sụp đổ.
Ngày 10/10/1911, khởi nghĩa bùng nổ ở Vũ Xương (Trung Quốc). Sau thành công ở Vũ Xương, khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra cả nước Trung Quốc, nhiều địa phương đã đứng lên tuyên bố độc lập.
Về sau, khi Viên Thế Khải nắm quyền nhà Thanh, đàm phán với Đảng Cách mạng, dưới sức ép của Viên Thế Khải, vị vua cuối cùng của Thanh triều là Phổ Nghi thoái vị, nhà Thanh bị diệt vong, chấm dứt chế độ phong kiến ở Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng khi cách mạng Tân Hợi diễn ra, triều đình nhà Thanh đã đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió, bất cứ lúc nào cũng có thể bị sụp đổ. Nhưng thực tế, tình hình khi ấy cũng không hẳn là như vậy.
Trước cách mạng Tân Hợi, nhà Thanh vốn có một cơ hội tự cứu mình. Nhưng kết quả là cơ hội ấy lại bị chính tay nhà Thanh hủy hoại.
Tình hình nhà Thanh trước cách mạng Tân Hợi
Sau cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, nhà Thanh ký với nước Anh bản “Hiệp ước Nam Kinh”, bắt đầu từ đó nhà Thanh trở thành xã hội phong kiến nửa thực dân.
Có thể nói nhà Thanh về sau loạn trong giặc ngoài liên miên không dứt, trong nước nhân dân đói khổ lầm than, bên ngoài thì không ngừng bị ngoại bang xâm chiếm.
Nhưng nhà Thanh cũng không hề để mặc cho người ta xâu xé, cũng đã cố gắng thay đổi nhiều như cuộc vận động Tây hóa, biến pháp Mậu Tuất (tức Bách nhật Duy Tân)…., đây đều là những phấn đầu của triều đình nhà Thanh.
Dĩ nhiên là những cố gắng cải cách này sau đều gặp thất bại, nhưng cũng không có nghĩa là nhà Thanh sẽ sụp đổ ngay lập tức và dù sao trước cách mạng Tân Hợi, nhà Thanh vẫn có thể cứu vãn được tình hình.
Về cách mạng Tân Hợi, nhiều người cho rằng mọi người khi ấy đều đồng tình với cuộc cách mạng, cho nên cuộc cách mạng mới có thể thành công. Nhưng trên thực tế, người nhà Thanh bấy giờ không hề nhiệt tình với cuộc cách mạng này.
Mặc dù từ năm 1895, Tôn Trung Sơn đã đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, song kết quả thực tế vẫn chưa nhiều. Bởi vì, đa số người khi ấy chọn đi theo con đường lập hiến, cũng tức là chế độ quân chủ lập hiến, chứ không muốn lựa chọn con đường cách mạng.
Ví dụ như, những người trong biến pháp Mậu Tuất cũng theo con đường lập hiến, họ là đại diện cho giai cấp tư sản dân tộc, có sức ảnh hưởng lớn. Kể cả sau này khi nhà Thanh sụp đổ thì giai cấp tư sản với Lương Khải Siêu, Trương Kiển dẫn đầu vẫn rất có sức ảnh hưởng trong Quốc hội.
Nếu nói như vậy, trước khi nhà Thanh sụp đổ, nếu như có thể tranh thủ được sự ủng hộ của những người này, thì nhiều khả năng Thanh triều sẽ không bị sụp đổ. Dĩ nhiên là trước khi sụp đổ, quả thực Thanh triều cũng đã làm một số việc để làm lung lay những phần tử này, hơn nữa cũng có bước khởi đầu thuận lợi. Việc mà họ đã làm chính là cuộc Cải cách cuối thời nhà Thanh.
Cuộc cải cách cuối thời nhà Thanh
Cải cách cuối nhà Thanh diễn ra sau cuộc xâm lược của Bát quốc liên quân, nhà Thanh quyết định cải tổ triều chính. Phải biết là, sau việc Bát quốc liên quân xâm lăng Trung Quốc, Từ Hi Thái hậu hoàn toàn hết hi vọng.
Bà dẫn theo vua Quang Tự chạy đến Tây An. Lúc này, Từ Hi Thái hậu đã biết cần phải làm một cuộc cải cách, mà cuộc cải cách này không thể giống với phong trào Tây hóa lúc trước.
Theo đó, Từ Hi Thái hậu đã tìm một con đường cải cách mới, sau này bà nhận thấy trong biến pháp Mậu Tuất có rất nhiều nội dung cải cách tốt, cho nên đã phỏng theo nội dung của biến pháp Mậu Tuất để tiến hành cải cách. Đó chính là cuộc cải cách cuối thời nhà Thanh nổi tiếng.
Điều quan trong nhất là, nhà Thanh còn làm một việc rất lớn, việc mà biến pháp Mậu Tuất không dám làm, đó là tiến hành xây dựng chế độ quân chủ lập hiến.
Để tiến hành xây dựng chế độ quân chủ lập hiến, năm 1905, Từ Hi Thái hậu đã đặc biệt cử Trấn quốc công Tái Trạch, Hộ bộ thị lang Đới Hồng Từ, Binh bộ thị lang Từ Thế Xương, Tuần phủ Hồ Nam Đoạn Phương, Tả thừa Thương bộ Thiệu Anh đi sứ phương Tây, chính là để học hỏi chế độ của phương Tây, trở về tiến hành cải cách. Những người này sau khi đi sứ trở về, hoàn toàn tán thành với chế độ quân chủ lập hiến, nhà Thanh bắt đầu chính thức bước sang chế độ này.
Đọc đến đây chúng ta có thể nhận ra rằng, lần cải cách này tiến hành rất quy mô, giai cấp tư sản chắc sẽ ủng hộ, như thế theo lí mà nói sẽ không có cách mạng diễn ra.
Quả thực sau khi tiến hành cải cách, nhà Thanh đã nhận được sự ủng hộ của giai cấp tư sản. Nhưng đến thời điểm quan trọng, nhà Thanh lại tự hủy hoại đi cơ hội tận dụng sức lực và chủ trương của giai cấp tư sản đương thời. Hay nói cách khác, trong thời gian thực hiện quân chủ lập hiến đã phát sinh vấn đề.
Ngày 1 tháng 9 năm 1906, nhà Thanh ban hành “Chỉ dụ thực hiện quân chủ lập hiến”, chuẩn bị tiến hành lập hiến.
Sau hai năm chuẩn bị, đến ngày 27 tháng 8 năm 1908, nhà Thanh ban hành “Khâm định hiến pháp đại cương”.
Bản đại cương này đã khiến cho giai cấp tư sản hoàn toàn mất niềm tin với nhà Thanh. Đại cương gồm 23 điều, trong đó có 14 điều quy định “Đại quyền quân thượng”, 9 điều quy định về “Nghĩa vụ và quyền lợi của thần tử”.
Trong bản đại cương không hề đề cập đến quyền lợi của nhân dân, cua giai cấp tư sản, hơn thế nữa nội các thiết lập theo đại cương không hề phù hợp chuẩn mực.
Năm 1911, Tái Phong bổ nhiệm Khánh Thân vương Dịch Khuông làm Nội các Tổng lí Đại thần, chủ trì nội các mới. Các bộ trưởng trong nội các mới bao gồm 13 thành viên, trong đó có 8 người là người Mãn Thanh, 4 người là người Hán, 1 người Mông Cổ; trong 8 vị người Mãn Thanh thì có đến 6 người thuộc hoàng thất, 1 người là Giác La, bị Đảng cách mạng cùng phái nội các châm biếm là “Nội các Hoàng tộc”. Trong bộ máy nội các mới không có đại diện của giai cấp tư sản, vì chuyện này, giai cấp tư sản đã thất vọng hoàn toàn với chính quyền nhà Thanh, chuyển sang ủng hộ cho phái cách mạng.
Đây cũng là lí do vì sao khi cách mạng Tân Hợi diễn ra , giai cấp tư sản đều không ủng hộ chính quyền nhà Thanh, ngược lại đi ủng hộ Tôn Trung Sơn và Viên Thế Khải. Vì suy cho cùng, trong hai người đó dù ai thắng đi nữa cũng đều có thể lật đổ nhà Thanh, sẽ xây dựng một chế độ mới. Trong chế độ mới ấy, giai cấp tư sản sẽ có quyền được lên tiếng, cho nên người thuộc giai cấp tư sản đã lựa chọn bỏ rơi nhà Thanh.
Nếu như nhà Thanh biết nắm bắt cơ hội khi tiến hành cuộc cải cách cuối quy mô lớn nói trên, có lẽ lịch sử đã có kết cục khác. Song do những người cầm quyền trong chính quyền nhà Thanh không chịu buông bỏ quyền lực trong tay, cho nên mới dẫn đến kết cục nhà Thanh bị sụp đổ sau cách mạng Tân Hợi như thế.
Theo Giadinh&xahoi