“Làm trang phục Việt cực lắm, tốn thời gian, công sức đủ thứ”, “Trang phục cổ Việt Nam đâu phải dễ, rồi sao biết nó đúng với lịch sử?”… Khi bắt đầu thực hiện dự án nghệ thuật Việt phục, nhà thiết kế (NTK) Lê Long Dũng nghe không ít những lời như thế. Anh vẫn kiên định: “Đây là dự án phi lợi nhuận, nếu bây giờ không bắt đầu thì khi nào nữa. Là nghệ sĩ, chúng tôi luôn mong muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho trang phục cổ Việt Nam”.
Bộ ảnh, video clip NSND – Tiến sĩ Bạch Tuyết, Hoa hậu Khánh Vân hóa thân thành Thái hậu Dương Vân Nga – nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam – trong dự án Việt phục của NTK Lê Long Dũng, sau khi được chia sẻ đến công chúng đã được nhiều người đón nhận. Điều này khiến anh có thêm động lực theo đuổi dự án. NTK Lê Long Dũng cho biết, dự án không chỉ là bộ ảnh, video clip thời trang nghệ thuật, mà nhiều hơn thế.
“Tôi đang chuẩn bị thêm trang phục mẹ Âu Cơ, Trưng Trắc – Trưng Nhị và tiếp sau đó dự kiến là trang phục cổ các triều đại từ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê… Tôi nghĩ rằng, trang phục các thời kỳ này có nhiều điều để mình tìm hiểu, khai thác. Chúng ta không nhìn vào hình mẫu bất cứ một nền văn hóa nào khác ngoài nước Việt, để phục dựng lại trang phục. Mong muốn góp một phần dựng lại cổ phục Việt là điều tôi và nhiều nghệ sĩ tâm huyết thực hiện”, anh nói.
Khoảng 2 năm gần đây, có thể thấy, sự trở lại ngoạn mục của cổ phục như những bộ trang phục Triều Nguyễn, áo Nhật Bình… Cổ phục không chỉ xuất hiện trong bảo tàng, các cuộc thi hoa hậu, biểu diễn nghệ thuật mà đã mở rộng, được nhiều bạn trẻ yêu thích. Theo NTK Lê Long Dũng, khi thực hiện dự án, anh tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều: xem kịch, xem cải lương, các điêu khắc cổ, phong tục, đời sống văn hóa các thời kỳ…
Tuy nhiên, khoảng lặng lịch sử, những biến đổi của thời cuộc làm mất đi quá nhiều tư liệu để có thể khảo cứu, dựng lại, đem một bức tranh đầy đủ về trang phục văn hóa cổ cho công chúng xem. Đến bây giờ, đã có những công trình nghiên cứu của các nhà sử học, nhiều bạn trẻ có niềm yêu mến lớn với cổ phục Việt Nam và anh cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để mở rộng hơn ý nghĩa hai từ Việt phục.
Anh chia sẻ: “Rất khó để làm đúng như lịch sử 100%, bởi sử liệu thiếu, những bộ quần áo cổ còn lại có thể xem trực tiếp rất ít, tỷ lệ hình thể người xưa – nay đã khác… Chúng tôi đang làm công việc phỏng dựng, phục dựng với tư cách một nhà thiết kế thời trang và cố gắng làm những gì tốt nhất có thể. Việc phỏng dựng nằm ở khoảng gần 80%. Chúng tôi, ê kíp mười mấy người, cảm thấy vui vì được làm điều này và sẵn sàng đón nhận góp ý. Chúng tôi không phải là nhà sử học, cũng không phải nhà nghiên cứu phục dựng trang phục cổ, mà là nhà thiết kế thời trang. Thành ra, qua các thiết kế dự án này, tôi muốn đưa tính chất của thời trang, hơi thở thời đại vào cổ phục sao cho gần gũi bây giờ nhưng vẫn truyền tải đúng tinh thần thời đại đó. Những trang phục cổ dần dần xuất hiện, và đó là một cầu nối văn hóa rất tuyệt vời”.
“Với dự án này, tôi thử thách bản thân nhiều hơn. Tôi đã nghĩ đến việc muốn có một buổi trình diễn, mang những Việt phục này đến công chúng, đưa họ ngược dòng thời gian, thưởng ngoạn, cảm nhận người Việt ta ngày xưa đã từng mặc đẹp ra sao. Việc này cần thời gian, nguồn nhân lực và sự ủng hộ của khán giả, chứ không phải dự án một sớm một chiều. May mắn là, đồng hành cùng tôi có nhiều nghệ sĩ tâm huyết như NSND Bạch Tuyết, Hoa hậu Khánh Vân, Thân Nguyễn An Kha, nghệ sĩ Sơn Mạch…”, NTK Lê Long Dũng tâm sự.
Trong 10 năm qua, NTK Lê Long Dũng từng thiết kế hơn 20 bộ quốc phục cho các người đẹp trong nước đi thi nhan sắc quốc tế. Giải thưởng Trang phục dân tộc đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia năm 2017 đã đem lại cho anh động lực hướng tới thực hiện dự án Việt phục.
Theo SGGP