Nhọc nhằn nghề gác rừng chốn ‘thâm sơn cùng cốc’

10:49 | 07/04/2021

Bất kể mùa nắng, hay mùa mưa đối với những người bảo vệ rừng, họ luôn canh cánh trách nhiệm, thầm lặng ngày đêm bảo vệ lá phổi xanh cho đại ngàn. Dù đôi lúc, với họ cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả.


Cách trung tâm huyện Như Xuân chừng 27km, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, men theo con đường nhỏ như sợi chỉ, đường vào quanh co, khúc khuỷu, leo núi rồi xuống dốc, vạch lá, vượt qua những cánh rừng bạt ngàn, sâu hun hút, nếu như không có người dẫn đường, chắc không ai dám một mình đi vào cung đường này. Phải mất vài giờ chúng tôi mới có mặt tại Trạm bảo vệ rừng Khe Tòng, xã Xuân Hòa (Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân). Đây được xem là trạm bảo vệ rừng xa, khó khăn bậc nhất của Ban quản lý.

Gần 7 giờ tối, khi mặt trời lặn sau những vạt rừng, những ánh sáng cuối cùng vụt tắt nhường chỗ cho màn đêm tĩnh mịch bao trùm khắp rừng già, trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp, không gian yên tĩnh lạ thường.

Anh Tùng, trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Khe Tòng, có quãng thời gian gần 15 năm gắn bó với nơi này, cho biết đơn vị hiện có 3 người, được phân công trông coi, bảo vệ 2.321 ha rừng, gồm 3 tiểu khu (646, 641,638) căn nhà anh em sinh sống, làm việc đã xây dựng nhiều năm nay. Mùa này, vào đến trạm còn dễ, những hôm mưa gió, đường nhỏ, lại trơn trượt, rất khó đi.

Đối với những người bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, khó khăn, vất vả, hiểm nguy luôn đồng hành với họ sau mỗi chuyến đi rừng.

Với những người bảo vệ rừng, không chỉ đối mặt với hiểm nguy rình rập, mà cuộc sống sinh hoạt cũng hết sức vất vả. Ở nơi rừng thiêng nước độc, không điện sáng, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại… là thử thách “cực đại” cho những tâm hồn thơ mộng.

Anh Nguyễn Sỹ Thượng, cán bộ trẻ nhất Trạm Khe Tòng, chia sẻ lần đầu lên nhận nhiệm vụ, anh không nghĩ cuộc sống nó lại thiếu thốn, khó khăn đến vậy, những ngày đầu trên này tối nào anh cũng trằn trọc khó ngủ. Buồn vì nhớ nhà, vì điều kiện kết sức kham khổ khiến chàng trai tuổi đôi mươi có đôi lần nhụt chí.

Trước giờ cơm tối, trong căn nhà cũ thấp gần như chạm mái hiên, thứ ánh sáng duy nhất là những chiếc đèn pin, công cụ đi rừng được các anh tại đây sạc bằng năng lượng mặt trời. Để có nước sinh hoạt, ạnh em ở đây xây dựng một bể chứa nước mưa dùng nấu nướng, thời điểm khô hạn, nguồn nước duy nhất để duy trì là nước suối, nước khe. Trong khi những nhu cầu khác như tắm, giặt đều phải ra khe suối… Vào mùa đông, mưa thâm gió bấc, cái lạnh thấu xương trong rừng già, tiếng gió rít qua khe hở hiên nhà, khiến nỗi nhớ nhà, nhớ quê của người giữ rừng càng thêm da diết.

Đều đặn, mỗi ngày các anh phải lặn lội 18 cây số băng rừng tuần tra, vượt qua núi cao, đèo dốc

Bữa cơm tối nay, ngoài mớ rau anh em trồng xung quanh nhà, lại có thêm mớ thịt kho, trứng, cá khô, để chúng tôi không ngại, anh em trong trạm khấy động rôm rả, khiến bữa cơm thêm đầm ấm. Cuộc sống rừng núi khó khăn, để có thực phẩm, anh em tại đây phải lặn lội hàng chục km đường rừng ra thị trấn, hoặc nơi gần nhất để mua, dự trữ ăn dần cho những ngày thời tiết bất lợi. Trạm đóng biệt lập trong rừng sâu, xa trung tâm hàng chục cây số, nên ngoài nhiệm vụ giữ rừng, cánh đàn ông các anh kiêm luôn nội trợ, giặt giũ… Để chủ động thực phẩm, các anh còn trồng thêm rau xanh, nuôi gà, vịt, để cải thiện bữa ăn hàng ngày…

Anh em trong trạm đều là những người dưới xuôi lên, họ đều có gia đình, con nhỏ, những hôm nhớ nhà, muốn gọi điện hỏi thăm vợ con nhưng do không có sóng, các anh đành gói gém nỗi nhớ, chờ khi nghỉ phép sẽ về…

Đối với những người giữ rừng, vốn quen với lối sống sinh hoạt với những cuộc hành quân chớp nhoáng, họ rất nguyên tắc. 4 – 5 giờ sáng, khi gà rừng bắt đầu cất tiếng gáy, màn đêm vẫn đang bao phủ cánh rừng, các anh đã thức giấc. Mỗi người một việc, họ nhanh chóng chuẩn bị tư trang, đồ dùng để tuần rừng. Những gói lương khô, cơm nắm chuẩn bị từ trước được các anh gói gém cẩn thận trong balo dành cho chuyến đi xa.

Anh Vũ, trạm phó Khe Tòng cho biết, trung bình mỗi ngày cán bộ ở đây vượt qua gần hai chục cây số tuần rừng. Mỗi tháng ít nhất 20 ngày tuần tra, kiểm soát. Anh em giữ rừng đã làm nghề này phải chấp nhận khó khăn, đặc biệt những ngày lễ tết, anh em phải căng mình canh gác bảo vệ từng khu rừng. Nhìn những cánh rừng lớn lên xanh tươi, đối với họ đó là niềm vui khó đong đếm…

Cuộc sống không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại, không đường xá tuy vất vả, song đối với những người bảo vệ rừng, rừng luôn xanh tốt là niềm vui, động lực để họ cống hiến.

May mắn theo bước chân họ, cùng ăn, cùng ở với họ mới thấm thía được sự vất vả, khó nhọc, hiểm nguy, với những bữa cơm rừng ăn vội, sống trong bóng tối, trắng đêm phục kích lâm tặc. Có khi để vào những đoạn rừng bắt gỗ, cánh tay họ đã bao lần đổ máu bởi vắt, muỗi rừng… Chiếc xe máy cũ kỹ phải thay mấy bận lốp khi băng qua những lẻn đá sắc lẹm.

Không chỉ lo giữ rừng, cán bộ trạm bảo vệ rừng Khe Tòng nói riêng, đội ngũ Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng nói chung còn tích cực trồng rừng, phát triển rừng. Họ vẫn ngày đêm duy trì công việc, nhiệm vụ của mình để màu xanh của rừng mãi tươi tốt.

Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân hiện được giao 8.250,3 ha rừng (bao gồm đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất). Gồm 10 tiểu khu, chia đều 4 trạm bảo vệ rừng, điều kiện tại các trạm hết sức thiếu thốn, trạm xa nhất cách trung tâm 27 km, nằm biệt lập, sâu trong rừng không có điện, không có nước sinh hoạt, không sóng điện thoại…

 

Theo Báo Thanh Hóa

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth