Sáng 19/1, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc đã tổng kết hoạt động năm 2020, xác định phương hướng công tác năm 2021. Tới dự có TS Bùi Thế Đức, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận – phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cùng đông đảo đại diện các đơn vị thành viên của Viện.
Năm 2020 là một năm có nhiều sự kiện chính trị, đặc biệt là sự thành công của Đại hội Đảng các cấp chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp diễn ra năm 2020 cũng là năm để lại những khó khăn lớn nhất, đó là đại dịch Covid 19. Thế giới vẫn đang chao đảo bởi những đợt bùng phát mới và những biến thể khôn lường của virus Corona. Đại dịch đã làm kinh tế thế giới và Việt nam bị tổn thất nặng nề. Lại một năm nghiệt ngã, khủng hoảng tinh thần và kinh tế, song nó chưa dừng lại mà còn tiếp tục trong năm 2021. Bên cạnh đó Việt Nam bị thiên tai bão, lũ, sạt lở đất kéo dài hơn 2 tháng ở các tỉnh miền Trung gây thiệt hại về người, tài sản.
Tất cả những điều đó có ảnh hưởng đến hoạt động của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc trong năm 2020. Nhiều dự án tổ chức Sự kiện, hội thảo bị dừng lại do không được tập trung đông người. Từ đó lãnh đạo Viện chủ trương chỉ đạo các đơn vị của Viện và các đơn vị ở địa phương chủ động tổ chức các hoạt động quảng bá, tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật ở địa phương và khu vực khi đại dịch Covid 19 tạm thời bị khống chế, không lây lan trong cộng đồng.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Nguyễn Thế Phiệt thay mặt lãnh đạo Viên báo cáo kiểm điểm hoạt động năm qua, đã xác định phương hướng công tác chủ yếu trong năm 2021.
Mặc dù gặp khó khăn như vậy nhưng Viện cũng đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện một cách trang trọng. Đã xuất bản quyển sách ‘Sắc phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt’ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Tình Biên soạn để tặng cho các đại biểu. Lần đầu tiên các đơn vị cơ sở từ Thành phố HCM, Đà Nẵng đến các tỉnh miền núi như Phú Thọ, Thái nguyên, Bắc Giang, Nam Định đã về dự v.v… GS Hoàng Chương, Viện trưởng bị ốm không tự đi lại được cũng đến dự và giao lưu với các đơn vị. Một không khí vui vẻ, đoàn kết, gắn bó giữa các đơn vị thành viên của Viện.
Viện phối hợp với NXB Mỹ thuật giới thiệu công trình nghiên cứu của PGS-TS-NSƯT Đoàn Thị Tình về Mỹ thuật sân khấu. Đây là công trình chị đã sưu tầm, nghiên cứu hơn chục năm qua. Một công trình có giá trị về bảo tồn, phát triển nghệ thuật bố cục, trang trí sân khấu biểu diễn qua các thời đại và nghệ thuật hóa trang, phục trang biểu diễn của các loại hình nghệ thuật Cải lương, Tuồng, Chèo, kịch nói, múa rối.
Tiếp đó Viện đã phối hợp với Ban liên lạc Hội quân tăng cường Thủ đô cho các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ giới thiệu 5 tâp “Ký sự chiến tranh” do các chiến sĩ Quân tăng cường Thủ đô viết kể lại sự thật mình đã sống, chiến đấu ở các chiến trường mà các anh đã trảỉ qua. Năm cuốn sách rất có gía trị về mặt nhân văn, lịch sử đã được các tướng lĩnh quân đội, các nhà lãnh đạo chính trị đọc và cho những ý kiến, nhận xét rất chân thực và sâu sắc. Ban liên lạc Hội quân tăng cường Thủ đô đã cảm ơn Viện đã hỗ trợ tổ chức thành công cuộc tọa đàm, mang lại ý nghĩa vinh danh cho 42 tiểu đoàn quân tăng cường Thủ đô.
Cuối tháng 12 năm 2020, Viện phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị tổ chức tọa đàm giới thiệu về con người, sự nghiệp của GS, TS Bùi Danh Lưu, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nguyên Phó Ban kinh tế Trung ương – một con người tâm huyết, đầy nhiệt tình trách nhiệm trong cương vị lãnh đạo một ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế. Ông là một nhà lãnh đạo có đạo đức và chuyên môn luôn sau sát cơ sở. Tọa đàm đã thu hút các nhà lãnh đạo ngành giao thông, các nhà báo, nhà văn đã từng biết và gắn bó với ông trong các công trình giao thông lớn.
Trong năm qua 2 tạp chí – cơ quan ngôn luận của Viện đã khắc phục nhiều khó khăn về tài chính, về dịch bệnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong tâm thế chưa ổn định do việc sắp xếp quy hoạch lại báo chí của Nhà nước, nhưng lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của 2 Tạp chí vẫn tích cực khai thác, giới thiệu các hoạt động văn hóa, nghệ thuật kịp thời.
Trong khó khăn Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc đã phối hợp với các đơn vị, các nghệ sĩ giới thiệu, quảng bá nghệ thuật Hát xẩm trên VTV1,VTV3, VTC, truyền hình quốc phòng, VOV, Truyền hình Hà Nội.
Đặc biệt nhóm Xẩm Hà thành đã sáng tác và biểu diễn thành công tác phẩm để tuyên truyền phòng chống dịch Covid 19, được nhân dân hưởng ứng, truyền thông đưa tin. Tác phẩm được giải nhì trong cuộc thi các tác phẩm âm nhạc Dân tộc tham gia phòng chống Covid. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long còn tham gia viết sách dạy hát dân ca Quan họ cho học sinh tiểu học ở Bắc Ninh, cùng với VTV Cab giới thiệu loạt âm nhạc dân tộc như: Hát Văn, Quan họ, Ca trù,, chèo, cải lương, Ca Huế được khán giả yêu âm nhạc dân tộc quan tâm. Một đơn vị khác cũng không kém phần sôi nổi trong tổ chức các hoạt động đó là Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khu vực đồng bằng Bắc bộ.
NSƯT, đạo diễn Đào Quang đã tổ chức cho anh em Hội viên dự trại sáng tác văn học, nghệ thuật 10 ngày ở thành phố Nha Trang. Sau trại sáng tác đã có nhiều tác phẩm thơ ca, sân khấu, mỹ thuật được xuất bản, dàn dựng giới thiệu với công chúng. Trong đợt dự trại đoàn đã phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân đi thực tế sáng tác về biển đảo. Trung tâm vẫn tiếp tục nghiên cứu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trung tâm đã tổ chức cho các văn nghệ sĩ đi thực tế, thu thập tài liệu ở di tích Lảnh Giang (Hà Nam), di tích phố Hiến (Hưng Yên), đền ông Bảy (Lào Cai), quần thể di tích Phủ Giày đền Trần (Nam Định). Trong năm qua Trung tâm đã xuất bản được 4 tập thơ; Dàn dựng 4 vở kịch cho các đoàn chuyên nghiệp tham dự hội diễn toàn quốc về biển đảo va hội diễn Công an tỉnh Nam Định.
Công ty CP hợp tác truyền thông toàn cầu được thay thế bởi Công ty CP tổ chức sự kiện và truyền thông Phúc Hưng cũng đã khắc phục khó khăn tổ chức 2 sự kiện có ý nghĩa đó là “Lễ dâng hương báo công các Vua Hùng” và chương trình “Hào khí Thăng Long- Lễ dâng hương báo công các Bậc tiên đế” tại Hoàng thành Thăng Long và Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc đã thu hút nhiều cán bộ công chức, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạt động xã hội tham gia.
Văn phòng đại diện Viện tại Phú Thọ mới thành lập, nhưng Ban lãnh đạo nỗ lực hết mình xin được trụ sở làm việc và con dấu pháp nhân. Lãnh đạo Văn phòng cũng gặp khó khăn, người thì bị tai biến phải điều trị lâu dài, người thì xin nghỉ vì không phát huy được sở trường của mình. Tuy vậy trong năm qua Văn phòng cũng đã xuất bản được tập san “Bình minh Văn Lang” để giới thiệu về cơ quan và hoạt động của Văn phòng ở Phú Thọ. Văn phòng đã tập hợp được 30 Câu lạc bộ văn nghệ dân gian ở các xã thuộc các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông. Trong năm lãnh đạo Văn phòng đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, tạo sự gắn kết giữa các Câu lạc bộ nhằm đưa các hoạt động văn hóa vào nề nếp đúng nghĩa với tiêu chí bảo tồn văn hóa dân tộc.
Cơ quan đại diện của Viện tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn vì dịch Covid 19 và Giám đốc cơ quan đại diện bị ốm phải điều trị lâu dài nên một số Chương trình bị dừng như tổ chức sự kiện Văn hóa giao thông đã được Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia ủng hộ, hoặc triển khai hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc ở thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Vừa qua Giám đốc cơ quan đại diện đã mất, lãnh đạo Viện đang củng cố tổ chức để cơ quan tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Tuy khó khăn nhưng cơ quan đại diện ở Thành phố HCM đã tổ chức các hoạt động đều và có ý thức trách nhiệm với Viện trong thời gian qua.
Hội thơ đường luật Việt Nam đã tổ chức thành công đại hội bầu Ban chấp hành mới sau nhiều khóa bị dừng không đại hội. Hội vẫn tiếp tục xuất bản đều kỳ các tập thơ Đường của Hội viên. Sau đại hội Ban chấp hành có nhiều cuộc họp củng cố lại tổ chức, xuất bản chuyên san 3 tháng một số, phát triển các chi hội đưa các hoạt động đi vào nề nếp.
Trung tâm văn hóa ẩm thực khu vực phía Bắc đã thực hiện các chuyến giao lưu khảo sát văn hóa ẩm thực một số vùng Phú Quốc, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, đảo Lý Sơn, Khánh Hòa v.v… Đã cùng sở nông nghiệp Hà nội thực hiện 3 Chương trình hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm Ocoop của đơn vị. Trung tâm Văn hóa ẩm thực TP HCM đã khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ dịch Covid bị kiểm soát đã mở lại các nhà hàng ẩm thực dân tộc, vẫn thu hút nhiều khách, kết hợp với tổ chức múa rối nước, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc. Đơn vị đã đi đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra.
Còn có 2 đơn vị mới gia nhập Viện là Trung tâm nghiên cứu, phát triển thơ ca đất Việt và Trung tâm nghệ thuật Sao Thủ đô. Tuy là thành viên mới nhưng cuối năm qua 2 đơn vị đã có những hoạt động rất có ý nghĩa. Trung tâm nghiên cứu phát triển Thơ ca đất Việt đã tổ chức tổng kết cuộc thi thơ viết về miền Trung ruột thịt vượt qua bão lũ. Cuộc thi đã thu hút hàng trăm nhà thơ chuyên nghiệp và nghiệp dư trong cả nước tham dự. Trung tâm Nghệ thuật Sao Thủ đô có 10 câu lạc bộ đã tổ chức , biểu diễn phục vụ các đơn vị, các sự kiện văn hóa trong thời gian qua.
Năm qua, tình hình dịch bệnh và thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đứng trước tình hình đó Viện chủ trương quyên góp, giúp đỡ đồng bào nơi có dịch và thiên tai. Các đơn vị của Viện đã tích cực hưởng ứng và có những đóng góp rất hiệu quả. Văn phòng Viện đã quyên góp cán bộ gần chục triệu đồng. Tạp chí Văn hiến phối hợp với doanh nghiệp tài trơ hơn 400 triệu đồng bao gồm vật chất và tiền mặt cho đồng bào Quảng Bình, Hà Tĩnh. Tạp chí điện tử Văn hiến đã tổ chức đoàn thiện nguyện phối hợp với hội doanh nghiệp máy may miền Nam đã đến vùng lũ Quảng Bình, Quảng trị, Thừa thiên-Huế, thành phố Đông Hà, xã Hải Thọ, Hải Lâm Huyện Hải Lăng, Quảng Trị 450 phần quà trị giá 400 triệu đồng.
Tạp chí còn tham gia Chương trình nghệ thuật Phật ca để lấy tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt trị giá 445 triệu đồng. Cơ quan đại diện của Viện ở Thành phố HCM đã phối hợp với Tạp chí Sức khỏe và Môi trường hỗ trợ bà con 2 xã Lương Hòa, Lương Phú huyện Giồng Trôm, Bến tre 300 xuất quà và hỗ trợ bà con nghèo ở xã Nguyễn Văn Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long 300 xuất quà. Trong đợt lũ lụt ở Miền Trung cơ quan đại diện cũng đã hỗ trợ 78 triệu tiền mặt và hơn 30 triệu tiền nhu yếu phẩm ủng hộ các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Chương, huyện Phong điền, tỉnh Thừa thiên-Huế và các địa phương khác ở Quảng Trị. Trung tâm văn hóa ẩm thực phía Bắc đã thực hiện chương trình “Tiếp sức tiền tuyến” ủng hộ hơn 3000 suất cháo, gần 200 suất cơm cùng nước ép và hoa quả cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai,, Bệnh viện đa khoa Hà đông.
Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông Quốc gia đơn vị đồng hành, phối hợp với Viện, trong thời gian qua cũng đã tổ chức đưa đoàn đại biểu cựu chiến binh, doanh nghiệp, doanh nhân đi Côn Đảo tri ân các bà mẹ VN anh hùng và gia đình chính sách. Tháng 10 Công ty tổ chức tặng quà cho các em học sinh nghèo Mù Cang Chải, Yên Bái và tỉnh Thái nguyên 500 triệu đồng. Ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai số tiền và hiện vật trị gia 2,5 tỷ đồng v.v…
Tất cả các hoạt động thiện nguyện ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, hỗ trợ chống đại dịch Covid cũng như ủng hộ đồng bào nghèo của các đơn vị đều được các địa phương, đơn vị đánh giá cao và có thư cảm ơn, giấy khen của chính quyền. Anh Đặng Đình Mạnh, Giám đốc Trung tâm ẩm thực phía Bắc được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân tiêu biểu người tốt việc tốt Thủ đô”.
Một năm trải qua những biến cố lớn, thuận lợi ít, khó khăn nhiều nhưng Viện và các đơn vị thành viên đã cùng gắng sức vượt qua, làm được một số việc chưa tương xứng với vai trò và vị trí của Viện nhưng cũng là bài học chúng ta rút ra: Phải biết khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ để thực hiện nhiệm vụ đề ra.
Đứng trước tình hình dịch bệnh hiện nay, việc sẵn sàng ứng phó, tranh thủ khi dịch bệnh chưa xảy ra là những bài học kinh nghiệm cho năm 2021, mỗi cá nhân, đơn vị cần phát huy trách nhiệm trong công việc, năng động trong tư duy sáng tạo để hoàn thành tốt hơn các chỉ tiêu đã đề ra. Trước thềm năm mới Tân Sửu, Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Thế Phiệt thay mặt lãnh đạo Viện Nghiên cứu Bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc kính chúc các vị đại biểu dự hội nghị và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.
PV