Sau 10 năm thực hiện 500 cuộc phỏng vấn những nhân chứng có liên quan thảm họa Chernobyl, Svetlana Alexievich đã nói ra những nỗi đau của đồng bào mình.
Svetlana Alexievich là nhà văn, nhà báo Belarus. Bà sinh ngày 31/5/1948 tại Ukraine. Bộ tác phẩm Những giọng nói không tưởng góp phần quan trọng giúp Svetlana đoạt giải Nobel Văn học năm 2015.
Bộ tác phẩm này gồm 5 cuốn: Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ (1983), Những nhân chứng cuối cùng (1985), Những cậu bé kẽm (1989), Lời nguyện cầu Chernobyl (1997), Thời second-hand (2013).
Những giọng nói không tưởng gây ấn tượng với độc giả bởi tinh thần chống chiến tranh phi nhân tính, trân trọng quyền sống của con người, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Bộ tác phẩm này khiến nhân loại “rúng động” với hàng nghìn bài phỏng vấn các nhân chứng, người trong cuộc của những sự kiện bi thảm như: Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh Nga – Afghanistan, thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Quyết tâm làm lại để có bản dịch tốt
5năm sau khi nữ tác giả Svetlane Alexievich nhận giải Nobel văn học, NXB Phụ nữ Việt Nam đã dịch và phát hành 3/5 cuốn trong loạt sách trên. Hai cuốn Những nhân chứng cuối cùng (xuất bản năm 2018, tái bản năm 2020) và cuốn Những cậu bé kẽm (xuất bản năm 2020) do dịch giả Phan Xuân Loan dịch.
Cuốn Lời nguyện cầu từ Chernobyl xuất bản năm 2016, do dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh mang tên Voices from Chernobyl của Keith Gessen, dựa trên nguyên tác phát hành năm 1997.
Năm 2020, NXB Phụ nữ Việt Nam đã in lại bản dịch mới do dịch giả Nguyễn Bích Lan phối hợp dịch giả Phạm Ngọc Thạch thực hiện từ bản năm 2013 của Svetlana Alexievich với tên gọi Lời nguyện cầu Chernobyl. Bản dịch này vừa nhận được giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020.
Để độc giả có những trải nghiệm đọc đáng nhớ với bản dịch mới và hiểu thêm các tác phẩm của Svetlana Alexievich, NXB Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với tên gọi Những giọng nói không tưởng. Buổi tọa đàm diễn ra chiều ngày 20/11 tại Hà Nội, với sự tham gia của dịch giả Nguyễn Bích Lan và Phạm Ngọc Thạch.
Với tinh thần cất lên tiếng nói xung quanh mình như diễn từ nobel của Svetlana Alexievich, dịch giả Nguyễn Bích Lan cho biết năm 2016, chị cho ra đời bản dịch với tên Lời nguyện cầu từ Chernobyl.
Khi NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành cuốn sách đó, nhiều độc giả đón nhận và đánh giá cuốn sách này làm cho họ choáng váng.
Tuy nhiên, vào một ngày đẹp trời, một người bạn nhắn tin cho chị thông báo anh Phạm Ngọc Thạch, một chuyên gia dầu khí, từng ở Nga trong khoảng thời gian xảy ra thảm họa Chernobyl đã phản hồi bản dịch cuốn sách này.
“Tôi đã dịch 38 cuốn sách và chưa bao giờ phải đối diện với phản hồi không tốt về sản phẩm của mình”, dịch giả Nguyễn Bích Lan kể lại.
Sau đó, chị đã liên lạc với anh Phạm Ngọc Thạch, qua trao đổi, được biết cuốn sách chị dịch dựa trên bản tiếng Anh xuất bản lần đầu năm 1997. Trên thực tế, tác giả Svetlana Alexievich đã cho tái bản cuốn sách này vào năm 2013 và có những chỉnh sửa đáng kể.
Bản dịch tiếng Việt từ bản tiếng Anh mà NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2016 không có phần chỉnh sửa, cập nhật này.
Ngoài yếu tố khách quan trên, dịch giả Nguyễn Bích Lan cũng “trung thực” thừa nhận có những chỗ chị dịch chưa tốt. Chị cũng chia sẻ rằng ở thời điểm đó, nếu chị đóng cửa hoặc phớt lờ chuyện này đi thì chắc chắn sẽ không có bản dịch mới.
Nhưng chị không làm thế mà mời anh Phạm Ngọc Thạch cùng chị dịch một bản mới hoàn toàn, tốt nhất, để “trả lại sự công bằng” cho độc giả.
Việc làm này xuất phát từ sự tôn trọng độc giả của chị. “Nhiều khi đúng sai không quan trọng bằng thái độ chúng ta tiếp nhận và thái độ chúng ta ứng xử, với tôi bạn đọc rất quan trọng và tôi tôn trọng họ”, Bích Lan nói.
“Lời nguyện cầu Chernobyl”
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, dịch giả Phạm Ngọc Thạch cho biết sau khi Svetlana Alexievich đoạt giải Nobel, anh đã tìm bản gốc tiếng Nga các tác phẩm của bà không mấy khó khăn. Tuy nhiên, khi xem bản tiếng Nga các tác phẩm này với bản dịch trong nước, anh thấy có những khác biệt rõ ràng.
Dịch giả Phạm Ngọc Thạch cho rằng vấn đề quan trọng nhất là “độc giả bao giờ cũng ủng hộ sự trung thực. Sự trung thực đó thì dịch giả Bích Lan có thừa và không bao giờ độc giả quay lưng lại với người dịch trung thực và tử tế”.
Về tác phẩm Phạm Ngọc Thạch tham gia dịch cùng Bích Lan, Lời nguyện cầu Chernoby, có nhiều chi tiết khiến người đọc rúng động. Đó là phần độc thoại của một người phụ nữ không phải từ Chernobyl mà đi từ Tajikistan – nơi bài xích người Nga và các dân tộc khác sau khi Liên Xô tan rã. Người phụ nữ đó không còn nơi nào để đi và buộc phải lựa chọn Chernobyl bị nhiễm phóng xạ là quê hương mới của mình.
Dịch giả Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết anh rất lo lắng vì “những sự kiện chấn động như thế không biết sẽ ảnh hưởng thế nào đối với tâm lý của người đọc”. Tuy nhiên, anh nghĩ sự thật vẫn là sự thật và chúng ta vẫn phải đối diện với nó, không nên né tránh.
Tại buổi tọa đàm, dịch giả Nguyễn Bích Lan nói thêm bản dịch năm 2020 nhiều hơn bản dịch 2016 tới 34.000 từ. Điều đó cho thấy lượng thông tin chất chứa trong đó rất đáng kể. Svetlana Alexievich viết riêng một chương tác giả phỏng vấn bản thân, còn nội dung của sách chủ yếu là phỏng vấn các nhân chứng.
Tuy nhiên, “điều quan trọng nhất là tinh thần và chất văn chương đầy ăm ắp của Svetlana Alexievich vẫn không thay đổi, dù bà có bổ sung hay không”.
Cũng tại buổi tọa đàm, dịch giả và khách mời còn chia sẻ quan điểm về tinh thần văn chương của Svetlana Alexievich, thể loại hư cấu và phi hư cấu, đồng thời lần lượt “giải phẫu” các tác phẩm trong Những giọng nói không tưởng.
Theo Zing