Trong lịch sử hình thành và lưu thông tiền tệ trên thế giới, khi khan hiếm tiền lẻ, việc cắt nhỏ đồng tiền để sử dụng cũng khá phổ biến. Đó là đối với các loại tiền bằng kim loại quý như vàng hoặc bạc, còn đối với tiền giấy, việc xé tờ tiền có mệnh giá lớn dùng như tiền lẻ để giao dịch hầu như rất hiếm. Tuy nhiên, hình thức này lại xuất hiện tại Nam Bộ nước ta trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.
“Chừng nào lúa mọc trên chì
Voi đi trên giấy “thầy tăng” mới về!”
Ðó là lời ca dao dạng sấm truyền rất phổ biến trong dân gian Nam Bộ mà nhiều người tin rằng ứng với sự kiện thực dân Pháp tức “thầy tăng” – nói lái của “thằng Tây” phải chấm dứt sự đô hộ tại Việt Nam, rút quân về nước.
Sau khi nước Pháp bị quân phát xít chiếm đóng, tại Ðông Dương, Phủ toàn quyền Chánh phủ Ðông Pháp cho đúc các đồng 5 cents (5 xu), 10 cents (1 cắc), 20 cents (2 cắc) và 1 piastre (1 đồng) một mặt có in hình bụi lúa. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp. Mùa thu năm 1945, quân phát xít đầu hàng đồng minh, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Ở Nam Bộ, theo chân quân đồng minh Anh – Mỹ, quân Pháp tái chiếm Sài Gòn. Ngày 23-9-1945, ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, lãnh đạo nhân dân miền Nam kháng chiến chống lại sự trở lại của quân Pháp. Trong lúc chưa kịp phát hành tiền riêng của Ủy ban Kháng chiến hành chánh (KCHC) Nam Bộ, chính quyền cách mạng các tỉnh đã “sáng kiến” dùng tiền giấy của Ngân hàng Ðông Dương đóng đè lên con dấu thị thực của vùng cách mạng quản lý để sử dụng. Người dân gọi loại tiền này là tiền “đắp nền”. Khi các đô thị lớn như Sài Gòn bị Pháp tái chiếm, Ủy ban KCHC Nam Bộ phải dời căn cứ về vùng bưng biền Ðồng Tháp Mười. Trong vùng cách mạng nhưng mọi giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong vùng đều phải xài tiền “đắp nền”.
Tiền “đắp nền” ngoài việc đóng dấu của Ủy ban KCHC Nam Bộ của tỉnh như: Biên Hòa, Long Xuyên, Châu Ðốc, Tiền Giang, Sa Ðéc…, Sở Tài chánh các tỉnh còn đóng các khẩu hiệu tuyên truyền cách mạng như “Ủng hộ chánh phủ Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Ðả đảo thực dân Pháp”, “Ðả đảo Bảo Ðại”, “Chuẩn bị tổng phản công”… Loại tiền này có nhiều mệnh giá: thấp nhất là giấy 1 đồng vàng và cao nhứt là giấy 500 đồng vàng. Tiền sử dụng được ở nhiều tỉnh, khi qua xài ở tỉnh khác chỉ cần đóng thêm dấu. Vì vậy trên tờ tiền “đắp nền” có nhiều con dấu như dấu tròn, dấu hình chữ nhật của Ủy ban KCHC Nam Bộ; dấu hình tam giác là của Ban Kiểm soát Kinh tế tài chánh. Các con dấu này được đóng ở giữa, có khi bên trái, bên phải, cạnh phía trên, cạnh dưới tờ giấy bạc. Bên cạnh đó, một số nơi còn tự phát vẽ, in tiền Ðông Dương giả để tiêu dùng. Chẳng hạn như ở Sa Ðéc, bà Sáu Ngài (Trần Thị Nhượng) cho làm bạc giả do họa sĩ Thanh Nha vẽ, sau đó cho khắc bản kẽm để in. Ở Tân Thuận Tây (Cao Lãnh), bạc Ðông Dương giả cũng được làm tại chùa Tân Long…
Từ 31-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 18.SL cho phép Bộ Tài chánh phát hành giấy bạc Việt Nam. Tình hình chiến sự làm cho việc liên lạc giữa các địa phương và Trung ương gặp nhiều trở ngại. Ðến ngày 21-3-1948, Chính phủ ký sắc lệnh số 147.SL cho phép phát hành Giấy bạc Việt Nam ở Nam Bộ, loại giấy bạc này có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nên dân gọi là bạc Cụ Hồ. Cùng với tiền “đắp nền”, bạc Cụ Hồ được sử dụng trong vùng độc lập do cách mạng quản lý.
Tuy nhiên, do thực dân Pháp kiểm soát rất gắt gao và hạn chế lưu hành bạc Ðông Dương trong vùng cách mạng nên dẫn đến tình trạng thiếu tiền trong tiêu dùng và đặc biệt là tiền lẻ. Người dân Ðồng Tháp Mười đã nảy ra sáng kiến xé đôi tờ tiền có mệnh giá lớn để sử dụng khi không có tiền thối. Một tờ 5 đồng vàng xé đôi được hai tờ 2 đồng rưỡi, tờ 20 đồng xé đôi được 2 tờ 10 đồng… tương tự cho tất cả các mệnh giá khác. Tiền xé ra đời trong hoàn cảnh đó và ban đầu chỉ có giá trị giao dịch trong nội bộ vùng quản lý của cách mạng. Về sau, thực dân Pháp chấp nhận dùng cả tiền “đắp nền” lẫn tiền xé trong giao dịch cho đến sau Hiệp định Genève mới chấm dứt việc sử dụng loại tiền này.
Một số mẫu tiền xé thông dụng như tờ 1 Piastre (một đồng vàng), mặt trước có hình thuyền buồm tại Hòn Gai, mặt sau hình Ðức Phật Lào; tờ 5 Piastre (năm đồng vàng), loại này có 5 mẫu với 5 loại màu sắc: xanh và đen, xanh và nâu, hồng và nâu, cam và đen, tím hồng và đen, mặt trước hình số 5 trong vòng hoa, mặt sau vẽ một ngôi miếu thờ ở làng quê Việt Nam; tờ 20 Piastre (hai chục đồng vàng), mặt trước hình Kỳ đài và cửa chính Nam kinh thành Huế, mặt sau vẽ tượng vua cùi ở đền Angkor; tờ 100 Piastre (một trăm đồng vàng), mặt trước là hình ảnh một ngôi chợ làng ở Lào, mặt sau hình đền Trung Liệt ở vườn Bách thảo Sài Gòn.
Tiền xé là một dạng tiền đặc biệt mang giá trị lịch sử chỉ có ở Nam Bộ. Việc lưu hành tiền xé được người dân linh động trong giao dịch và dần dần được chính quyền công nhận. Loại hình tiền tệ này đã trở nên phổ biến khắp miền Nam và được sử dụng cho đến sau năm 1955. Về sau, khi loại tiền này ngưng sử dụng, nhiều người vẫn giữ gìn những tờ tiền xé để làm kỷ niệm.
Trở lại với bài ca dao dạng sấm truyền đã nêu ở đầu bài, sau sự kiện “lúa mọc trên chì” thành hiện thực trên đồng tiền vào năm 1941, năm 1952 chính phủ Pháp thành lập ra Viện Phát hành quốc gia Việt – Miên – Lào (Institut d’Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Vietnam) cho in các loại tiền giấy dùng chung cho 3 nước. Năm 1954, Viện Phát hành cho in giấy 200 đồng, mặt sau in hình con voi. Ngày 7-5-1954 Pháp đại bại ở Ðiện Biên Phủ, buộc phải ký Hiệp định Genève, rút quân về nước. Một sự trùng hợp thú vị lại xuất hiện khi “voi đi trên giấy” và đúng là “thằng Tây” phải trở về!l
Theo Báo Cần Thơ