Thấu suốt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin với truyền thống của dân tộc và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh bằng những lời lẽ, văn phong mộc mạc dễ hiểu nhưng lại có độ sâu cả về lý luận, thực tiễn và có thể quy tụ thành một số tư tưởng lớn của Người.
Từ mối quan hệ phát triển kinh tế với bảo vệ Tổ quốc…
Ngay từ năm 1946, trong bài viết: “Câu hỏi và trả lời” ngày 23 tháng Chạp năm 1946, bằng những lời lẽ giản dị dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng nhiệm vụ chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trực tiếp của các chiến sỹ ngoài chiến trường, còn đồng bào ở hậu phương tăng gia sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế cũng là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc(1). Đến năm 1952, trong bài “Thực hiện tiết kiệm và chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Người viết: “Trong các chiến dịch thu được nhiều chiến lợi phẩm (thuốc, đạn, lương thực, súng ống). Bộ đội biết quý trọng nó, tiết kiệm nó mà đánh lại giặc như thế cũng là tăng gia sản xuất”(2) .
Trong mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, Người coi việc xây dựng kinh tế có vai trò quyết định. Trong bài “Gửi các nhà nông” năm 1945, Người khẳng định: “Hiện nay chúng ta có 2 việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam. “Thực túc binh cường” cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi…” và Người đã kêu gọi “Tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa. Đó là khẩu hiệu của chúng ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững tự do độc lập”(3).
“Thực túc binh cường” tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên tầm quan trọng của xây dựng và phát triển kinh tế. Kinh tế có mạnh mới có điều kiện làm cho quốc phòng – an ninh mạnh. Người nói: “Thực hành kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuyển sang tổng phản công, đưa kháng chiến đến thắng lợi”(4). Kinh tế và quốc phòng tuy là hai lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực đều có những đặc điểm riêng, những quy luật hoạt động riêng, nhưng xét về bản chất, mục đích của nó Người chỉ ra “hai công việc” ấy đều có cái chung, cái thống nhất.
Cũng trong bài “Gửi các nhà nông” năm 1945, Người đã viết: “Vì cứu quốc, các chiến sỹ đấu tranh ở ngoài mặt trận, vì kiến quốc nhà nông phấn đấu ngoài đồng ruộng. Chiến sỹ ra sức giữ gìn đất nước. Nhà nông ra sức giúp đỡ chiến sỹ. Hai bên công việc khác nhau nhưng thật ra là hợp tác. Cho nên hai bên đều có công với dân tộc, đều là anh hùng”(5).
Đến thực hành gắn kết trên các lĩnh vực hoạt động…
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng công nghiệp không chỉ sản xuất ra sản phẩm để phục vụ dân sinh mà còn phải phục vụ cho cả quốc phòng và trong hoàn cảnh chiến tranh thì nhiệm vụ sản xuất phục vụ quốc phòng được đặt lên hàng đầu. Trong bài “Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới”, Người viết nhân dịp Ngày Lao động quốc tế 01-5-1954, trong đó yêu cầu công nghiệp phải “chế nhiều vũ khí, dụng cụ, sản phẩm để đánh giặc và cung cấp cho nhân dân”, Người nhấn mạnh phải “hợp tác với chuyên môn để cải thiện kỹ thuật và điều kiện sản xuất, bảo vệ nhà máy, phá kinh tế địch bằng mọi cách”(6).
Cùng với đó, Người cũng kêu gọi ngành nông nghiệp phải: “Trồng nhiều lúa, nhiều màu, nhiều bông, để quân và dân đủ ăn, đủ mặc, đủ dùng, bảo vệ mùa màng cất dấu thóc lúa, sẵn sàng tiếp tế lương thực cho quân đội… tổ chức làng kháng chiến; chủ ruộng phải giảm tô cho đúng, tá điền phải nộp tô cho đều, xây dựng tổ đổi công để tăng gia sản xuất”(7).
Ngày 19-6-1953, trong thư “Gửi Hội nghị cán bộ giao thông công chính”, Người nhấn mạnh: “Năm nay (tức năm 1953) công tác giao thông vận tải, nhất là công tác sửa chữa cầu đường, rất là quan trọng. Đường sá thông thì mọi việc đều dễ dàng. Vì vậy tôi mong toàn thể cán bộ ra sức thi đua phát triển sáng kiến, vượt mọi khó khăn để làm tròn nhiệm vụ. Tôi gửi 7 huy hiệu để hội nghị tặng cho cán bộ nào xuất sắc nhất”(8). Trong “Thư gửi cán bộ, đồng bào dân công làm đường” năm 1953, Người lại nhấn mạnh: “Công việc cầu đường là rất quan trọng. Nó cũng là một chiến dịch mà các cô, các chú là chiến sỹ”(9).
Trong “bài nói chuyện về nhiệm vụ sản xuất của đơn vị X” tháng 3-1958, Người nói: “Hiện nay quân đội ta có hai nhiệm vụ chính. Một là, xây dựng quân đội hùng mạnh sẵn sàng chiến đấu. Hai là, tăng gia sản xuất cùng toàn dân để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tham gia sản xuất là nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho quân đội. Thực hiện nhiệm vụ đó có khó khăn, nhưng khó khăn là tạm thời, thuận lợi là căn bản, phải phát triển thuận lợi và khắc phục khó khăn”(10). Ngay trong thời kỳ còn kháng chiến chống thực dân Pháp, trong “Thư gửi Hội nghị dân quân toàn quốc” tháng 4-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu lực lượng vũ trang “phải thực hành tự cấp tự túc bằng cách thiết thực tăng gia sản xuất”(11).
Có thế thấy, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tăng gia sản xuất của quân đội cũng rất thiết thực và cụ thể, không chỉ là những hoạt động làm ra sản phẩm như lúa, ngô, khoai, sắn, rau, đậu… mà còn bao gồm cả việc giúp dân, đánh chiếm chiến lợi phẩm của địch, bảo vệ của công, sử dụng tiết kiệm vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng, chống tham ô lãng phí… cũng là sản xuất.
Trong lời huấn thị tại “Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất” năm 1951, Người đã nhấn mạnh: “Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính, nhưng phải cố sức tăng gia. Bộ đội đánh thắng giặc thu nhiều chiến lợi phẩm đấy cũng là tăng gia” (12). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của tiền tuyến. Từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam Bác đi đến khẳng định rằng: “phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”(13). Và Người kết luận: “Căn cứ hậu phương vững chắc nhất là lòng dân”(14).
Trong lời phát biểu nhân dịp khai mạc Đại hội các chiến sỹ thi đua toàn quốc 01-5-1952, Người nói: “Thi đua là yêu nước. Thi đua là yêu nước một cách thiết thực và tích cực. Nếu tất cả những người lao động nước ta, bộ đội, công nông, lao động trí óc đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là lực lượng của ta đều tăng gấp đôi, ta sẽ giết giặc gấp đôi, thắng lợi gấp đôi. Kháng chiến sẽ kết quả gấp đôi, kết quả là dân giàu nước mạnh. Cho nên chúng ta nói: Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất (15).
Sự quán triệt và vận dụng trong thực tiễn…
Quán triệt tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết hợp kinh tế với quốc phòng tiếp tục được phát huy trong thời kỳ mới. Ngay sau khi nước ta bước vào thời kỳ thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh để thống nhất đất nước ở miền Nam, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Nghị quyết Trung ương 14 khoá II (tháng 11-1958) có đoạn viết: “Phải kết hợp củng cố quốc phòng xây dựng hậu phương vững chắc”(16). Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960 cũng chỉ rõ: “Phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng… đi đôi với phát triển kinh tế, văn hoá phải chú trọng củng cố quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang hùng mạnh…”(17). Đến Đại hội thứ IV, vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng được xác định là một bộ phận của đường lối xây dựng kinh tế của Đảng cũng được đưa vào Nghị quyết, trong đó Đảng ta khẳng định: “Phải kết hợp đúng đắn kinh tế với quốc phòng”(18).
Tại Đại hội lần thứ V, thứ VI, vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng lại được cụ thể hoá hơn cho phù hợp với chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó nêu rõ: “Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo phương hướng cơ bản lâu dài đồng thời có những dự kiến để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp khi xảy ra biến động, bảo đảm chiến thắng”.
Và Đại hội cũng chỉ ra những nội dung cụ thể của sự kết hợp là phải: “Kết hợp trong công tác quy hoạch phân vùng kinh tế, phân bố lại lao động, phân bố lực lượng sản xuất, xây dựng các ngành kinh tế kỹ thuật, phát triển kinh tế địa phương phải nhằm tạo ra thế bố trí chiến lược thống nhất để làm chủ cả kinh tế và quốc phòng trong cả nước và trong từng địa phương…”(19). Văn kiện Đại hội VII, Đảng ta cũng đã nhấn mạnh phải “kết hợp thành chiến lược thống nhất giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội bảo vệ an ninh, trật tự, kết hợp củng cố quốc phòng toàn dân với xây dựng thế trận an ninh nhân dân” (20).
Đến Đại hội VIII, nhận thức của Đảng về vấn đề kết hợp đã có sự đổi mới quan trọng. Không chỉ là kết hợp kinh tế với quốc phòng như trước đây mà đã là kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh, bởi vì trong thời kỳ mới quốc phòng-an ninh là hai mặt của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có quan hệ hữu cơ, đan xen, hoà nhập vào nhau và chuyển hoá cho nhau. Kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh đã được xác định là một trong những quan điểm cần quán triệt trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kết hợp quốc phòng – an ninh với kinh tế còn là tư tưởng chỉ đạo công tác quốc phòng – an ninh.
Vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng không chỉ thể hiện trong nhận thức, trong các Văn kiện nghị quyết của Đảng mà còn được cụ thể hóa trong các văn kiện chiến lược, được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật đã được thực hiện trong việc xây dựng các dự án quy hoạch và tổ chức triển khai các dự án xây dựng phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng – an ninh.
Trong Văn kiện Đại hội IX, Đảng ta khẳng định sự kết hợp kinh tế- xã hội với quốc phòng-an ninh là một nội dung của đường lối kinh tế, là một trong 5 quan điểm phát triển kinh tế – xã hội và là một nguồn lực của sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (21).
Trong Văn kiện Đại hội X, Đảng ta xác định 3 nhiệm vụ kết hợp rất quan trọng đó là: (1) “Kết hợp xây dựng phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng – an ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước”; (2) “Tiếp tục phát triển các khu kinh tế – quốc phòng, xây dựng các khu quốc phòng-kinh tế với mục tiêu tăng cường quốc phòng-an ninh là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo”; (3) “Xây dựng công nghiệp quốc phòng trong hệ thống công nghiệp quốc gia dưới sự chỉ đạo, quản lý điều hành trực tiếp của Chính phủ, đầu tư có chọn lọc theo hướng hiện đại, vừa phục vụ quốc phòng vừa phục vụ dân sinh”.
Đây là những định hướng rất cơ bản, toàn diện phù hợp với yêu cầu khách quan trong thời kỳ mới, thời kỳ “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với từng bước phát triển kinh tế tri thức” và cuộc cách mạng quân sự mới đang diễn ra trên thế giới. Định hướng nêu trên bao gồm hai nội dung rất cơ bản: Một là, “xây dựng công nghiệp quốc phòng trong hệ thống công nghiệp quốc gia dưới sự chỉ đạo, quản lý điều hành của Chính phủ…”. Hai là, “đầu tư có chọn lọc theo hướng hiện đại, vừa phục vụ quốc phòng vừa phục vụ dân sinh”(22).
Trong Văn kiện Đại hội XI, Đảng lại nhận định: “Việc gắn kế giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng – an ninh, đặc biệt là tại các vùng chiến lược, biển, đảo còn chưa chặt chẽ”. Và đã đưa ra những định hướng rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trong thời kỳ chiến lược đến năm 2020. Và cần phải “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta”(23).
Tại Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta nhận định: “Kết hợp có hiệu quả giữa nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa kinh tế với quốc phòng-an ninh, đối ngoại”. Tuy nhiên, Văn kiện cũng chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm như: “Kết hợp giữa phát triển kinh tế-quốc phòng với đảm bảo quốc phòng-an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.
Việc quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng-an ninh của một số cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc chưa kiên quyết, triệt để; còn thiếu những giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể”. Và nhằm khắc phục các nhược điểm trên Đảng ta đề ra phương hướng, nhiệm vụ là phải “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng-an ninh và quốc phòng-an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”; “kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng-an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng-an ninh”(24) …
Một số giải pháp chủ yếu cần quan tâm
Thứ nhất, trong những thành tựu đổi mới đáng ghi nhận, lần đầu tiên vấn đề kết hợp đã được Hiến định. “Kết hợp quốc phòng-an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng-an ninh” là một nội dung của Điều 68, Chương IV về Bảo vệ Tổ quốc, trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Kết hợp là một trong những đường lối, chủ trương, chính sách và cũng là giải pháp có tính tổng hợp để nâng cao hiệu quả trên nhiều lĩnh vực đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên, so với tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động của đất nước, thì đây là một trong những lĩnh vực quan trọng chưa xây dựng được chiến lược, nên cần phải quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ hai, vấn đề kết hợp, sau khi đã hiến định, chúng ta còn phải xây dựng và ban hành luật về kết hợp, để tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác quy hoạch, kế hoạch; vai trò của các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… thì càng cần thiết phải xây dựng một chiến lược tổng thể về kết hợp thì mới có cơ sở định hướng chung và triển khai nhiệm vụ có hiệu quả.
Thứ ba, để khắc phục tình trạng thiếu những giải pháp chiến lược như Văn kiện Đại hội XII đánh giá, chúng ta cần khảo sát một cách cơ bản toàn diện thực trạng kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh trong tình hình hiện nay. Tập trung đánh giá vào các khâu nhận thức, quan điểm và hành động kết hợp, trên cơ sở đó mà đưa ra dự báo yêu cầu kết hợp cho các thời kỳ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; qua đó mà điều chỉnh các chiến lược khác cho phù hợp với chiến lược kết hợp có tính tổng hợp hơn sau khi đã được xây dựng xong.
Thứ tư, định hướng xây dựng chiến lược kết hợp, cũng là cơ sở để tổ chức huy động, phối hợp công tác nghiên cứu của các viện nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chiến lược của các bộ, ngành kinh tế, quốc phòng, Công an vào nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, cơ cấu ngành, vùng, lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng-an ninh cho phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta, đồng thời phù hợp với những phát triển mới về nghệ thuật quân sự, quốc phòng-an ninh trong điều kiện mới, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Như vậy, trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi, nhưng tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết hợp kinh tế với quốc phòng là sự vận dụng quy luật phổ biến, là truyền thống của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Đảng và Nhà nước ta đã kế thừa những kinh nghiệm truyền thống, quán triệt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với các giai đoạn của cách mạng Việt Nam, nên đã góp phần giành được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tư duy Hồ Chí Minh mãi mãi vẫn là những giá trị tinh thần, những nguyên lý chỉ đạo hành động thực tiễn của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta trong thời kỳ mới./.
(1) Tài liệu lưu trữ của Viện Bảo tàng quân đội, số đăng ký HCT 136 – 4707
(2,3,4,5,6,7) Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr 221, 305, 306, 409, 410, 413
(8, 11, 12, 15) Hồ Chí Minh với lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962, tr 20, 33, 55, 56, 76, 77, 94, 114, 118, 204
(9,10) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr 2, 26, 206
(13, 14) Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình đào tạo bậc đại học trong quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr 195, 229
(16) Văn kiện Đại hội Đảng, Nxb Sách giáo khoa Mác – Lê-nin, Hà Nội, 1979, tr 3, 25
(17) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr 57
(18) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr 25
(19) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr 68
(20) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr 37, 87
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr 89, 117, 167
(22) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 109, 110
(23) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 121
(24) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 34
Theo Tạp chí cộng sản