“Truyền tích Cổ Loa xưa” xứng đáng đại diện cho cải lương TPHCM lần đầu đến với Liên hoan sân khấu thủ đô. Vở diễn của một đơn vị biểu diễn xã hội hóa nhưng chẳng khác một “đại bang” cải lương Sài Gòn xưa, được đầu tư nghiêm túc với một dàn nghệ sĩ đồng đều, xuất sắc, hát hay, vũ đạo điệu nghệ đã cho khán giả thủ đô được chiêm ngưỡng những đặc sắc cải lương tuồng cổ của trung tâm cải lương lớn nhất đất nước.
Tuy không có gì mới mẻ khi trở lại với chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy, (cái mới duy nhất là nhân vật đạo diễn dẫn chuyện lại tỏ ra rất thừa), “Truyền tích Cổ Loa xưa” của Hội nghệ sĩ sân khấu TPHCM rất đáng khen vì có chất lượng rất cao về nghệ thuật biểu diễn. Những tràng vỗ tay bùng nổ của người xem và đồng nghiệp đã cho thây điều đó.
Tuy vậy mình rất muốn đây là vở diễn cuối cùng khai thác đề tài Cổ Loa theo hướng coi Triệu Đà là xâm lược phương Bắc.Triệu Vũ đế được “Bình ngô đại cáo’ và chính sử VN coi là vị vua đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập, “hùng cứ một phương” ngang hàng với Trung Hoa, không thể mãi bị coi là kẻ thù xâm lược trong nghệ thuật được. Cuộc chiến Nam Việt – Âu Lạc dù sao cũng chỉ đơn thuần là một cuộc nội chiến và Triệu Đà tài năng mưu lược hơn đã thắng Thục Phán để thống nhất đất nước như Đinh Bộ Lĩnh sau này…
Nguyễn Thế Khoa