Ngữ văn là môn thi duy nhất không có điểm 10 trong mấy năm gần đây. Có ý kiến cho rằng, giám khảo chấm thi môn này có vẻ “run tay” khi cho điểm tuyệt đối. Năm nay, liệu tình trạng này có lặp lại?
Theo phân tích phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT công bố, tính từ 3 năm trở lại đây, chỉ năm 2017, cả nước có duy nhất thí sinh nam của Quảng Nam đạt điểm 10 môn ngữ văn.
Năm 2018, ngữ văn là môn duy nhất không có điểm 10 trong tất cả các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia.
Năm 2019, môn ngữ văn tiếp tục là môn duy nhất không có điểm 10, cũng không có thí sinh nào đạt 9,75 điểm. Cả nước có 17 bài được điểm 9,5; 55 bài được điểm 9,25 và 390 bài đạt điểm 9.
Việc chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay đang được tiến hành. Một số địa phương chấm xong sớm môn ngữ văn đều cho biết kết quả môn thi này năm nay khả quan hơn, nhiều điểm từ trung bình trở lên, số bài thi đạt điểm 9 tăng, số bài điểm liệt giảm hẳn. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là đề thi giảm độ khó so với năm trước.
Tuy nhiên, chưa ghi nhận điểm 10 môn ngữ văn ở những địa phương đã hoàn tất khâu chấm thi môn này. Điểm cao nhất là 9,75, được hội đồng chấm thi tỉnh Thừa Thiên – Huế chia sẻ với báo chí.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này, cho biết: “Bài thi môn ngữ văn đạt 9,75 điểm được sự đồng thuận cao của hội đồng chấm thi. Thường bài thi chấm chung, giám thị chấm khắt khe, nhưng khi có sự đồng thuận cao thì chứng tỏ bài làm rất xuất sắc”.
Hà Nam là địa phương sớm nhất cả nước chấm xong môn ngữ văn từ ngày 16.8. Kết quả, số bài có điểm từ 9 trở lên là 186 bài ( chiếm tỷ lệ 2,21%). Bài ngữ văn có điểm cao nhất của Hà Nam là 9,5 điểm.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Long, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, tỏ ra khá hài lòng với kết quả thi năm nay khi cho rằng so với kỳ thi năm 2019, kết quả chấm thi môn ngữ văn năm nay có ít điểm liệt hơn, điểm từ 9 trở lên nhiều hơn và điểm trung bình của thí sinh cao hơn.
Về việc không có điểm 10, ông Long chia sẻ: “Chúng tôi không ngại khi cho điểm 10, nhưng thực tế chưa có bài làm nào thật sự xuất sắc, đáp ứng tất cả yêu cầu theo đáp án của Bộ GD-ĐT để có thể chấm điểm tuyệt đối”.
Tại tỉnh Bắc Ninh và Bình Thuận, điểm cao nhất môn ngữ văn là 9,5. Hải Phòng có điểm ngữ văn cao nhất là 9…
Do đáp án khắt khe hay giám khảo “chấm chặt”?
Nhiều giám khảo tham gia chấm môn ngữ văn cũng như giáo viên dạy văn quan sát và nhận định trong hướng dẫn chấm, thang điểm của Bộ GD-ĐT yêu cầu rất cụ thể, chi tiết trên nhiều phương diện, từ chính tả, bố cục, trình bày, diễn đạt, lập luận, kiến thức đến khả năng, tư duy sáng tạo khi chấm, đánh giá đoạn văn, bài văn.
Thật khó có bài thi của thí sinh nào, với thời lượng 120 phút, đáp ứng đầy đủ, toàn diện được yêu cầu của đáp án và mong đợi sự toàn bích của các giám khảo chấm văn.
Tuy nhiên, một giáo viên dạy văn ở trường THPT có tiếng ở Hà Nội nhìn nhận ở khía cạnh vận dụng hướng dẫn chấm khác nhau ở các giám khảo và cho rằng: “Đọc hướng dẫn chấm và nhìn vào kết quả chấm môn ngữ văn một số năm gần đây có thể thấy hiện tượng chấm thi “không đều tay” đã xảy ra ở một số địa phương”.
Ví dụ, Hà Nội năm 2018 có 70 điểm 9 ở môn văn nhưng nếu tính ra hơn 100 trường THPT trên toàn thành phố thì nghĩa là trung bình mỗi trường chỉ đạt tỷ lệ 0,7 học sinh đạt điểm 9 ở môn thi này, kể cả các trường chuyên.
“Kết quả như vậy không thể phản ánh đúng thực tế tình hình học của Hà Nội so với các địa phương khác”, giáo viên này nói.
Khai mạc chấm thi môn tự luận năm nay, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, phát biểu với các giám khảo: “Các thầy cô phải vận dụng hướng dẫn chấm làm sao để đảm bảo quyền lợi của học sinh, miễn là không vi phạm quy chế, không xảy ra tình trạng chấm lỏng – chấm chặt”.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Hùng cho hay, dù Nam Định luôn có kết quả thi tốt nghiệp THPT đứng đầu cả nước nhưng với riêng môn ngữ văn thì chưa bao giờ có điểm 10.
“Năm nào tôi cũng nói với giám khảo, nếu học sinh làm quá tốt, sau khi thảo luận thấy rằng không có gì để chê thì thống nhất cho các em điểm 10, không có gì phải băn khoăn cả, nhưng giám khảo nhiều khi cứ dè dặt, “run tay”, không “dám” đặt bút cho điểm tuyệt đối”.
Tùy tình hình thực tế, trưởng môn chấm thi có thể tổ chức bốc thăm giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi. Mỗi bài thi tự luận được chấm 2 vòng độc lập.
Với các bài thi có điểm lệch giữa 2 lần chấm trên 1,5 điểm, thư ký hội đồng thi chuyển túi bài thi còn nguyên niêm phong có điểm lệch cho trưởng môn chấm thi để tổ chức chấm lần 3 theo quy định.
Bộ GD-ĐT cũng quy định chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm xong (lần thứ nhất hoặc lần thứ hai) theo tiến độ chấm bài thi tự luận để phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi.
Theo Thanh niên