Tỷ phú kiêm nhà từ thiện Bill Gates cho biết con người có thể phải đối mặt với các thảm họa tương tự và kéo dài hơn cả Covid-19 trong tương lai, trừ khi bắt tay vào hành động ngay lập tức.
Bill Gates là người đã ủng hộ việc chuẩn bị cho những thứ như một đại dịch từ nhiều năm trước, đặc biệt tại sự kiện TED 2015 vì cảnh báo về số người chết đáng kinh ngạc mà một đại dịch trên toàn thế giới có thể tạo ra.
Giờ đây, Gates một lần nữa lại thúc giục toàn thế giới hãy chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp có khả năng tàn phá nghiêm trọng.
“Đại dịch này thật khủng khiếp, nhưng biến đổi khí hậu có thể còn tồi tệ hơn”, ông nói trong một blog được công bố hôm 4/8. “Nếu bạn muốn hiểu loại thiệt hại mà biến đổi khí hậu sẽ gây ra, hãy nhìn vào Covid-19 và tưởng tượng về một nỗi đau như vậy xảy ra trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều. Sự mất mát về cuộc sống và kinh tế do đại dịch này gây ra là ngang bằng với những gì sẽ xảy ra thường xuyên, nếu chúng ta không loại bỏ lượng khí thải carbon của thế giới.”
Gates so sánh tỷ lệ tử vong do coronavirus – khoảng 14 trường hợp tử vong trên 100.000 ca nhiễm – với tỷ lệ tử vong dự kiến sẽ tăng do nhiệt độ toàn cầu tăng lên.
Theo Bill Gates, thế giới nên chuẩn bị tâm lý đón nhận thảm họa tương tự Covid-19 “sau cứ mỗi 10 năm”.
“Trong vòng 40 năm tới, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được dự báo sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong toàn cầu với cùng một mức – 14 người chết trên 100.000”, ông nói. “Vào cuối thế kỷ, nếu tăng trưởng phát thải vẫn ở mức cao, biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân khiến 73 người chết trên 100.000 người. Trong một kịch bản phát thải thấp hơn, tỷ lệ tử vong sẽ giảm xuống còn 10 trên 100.000.”
Trong cả hai dự báo, Gates cho biết, tỷ lệ tử vong hoặc tương tự như tỷ lệ tử vong do coronavirus mới gây ra ở hiện tại, hoặc sẽ cao hơn nhiều.
Ông nói: “Vào năm 2060, biến đổi khí hậu có thể gây tử vong tương đương với Covid-19 thì đến năm 2100, nó có thể gây tử vong gấp 5 lần”.
Và tác động kinh tế cũng có thể khủng khiếp tương tự, Gates nói, với chi phí và nỗi đau tài chính tương đương một trận đại dịch xảy ra “cứ sau mười năm”, khiến các chính phủ buộc phải chi nhiều ngân sách GDP hơn để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Ông nói: “Và đến cuối thế kỷ này, sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu thế giới vẫn đi trên con đường phát thải như hiện nay.”
Tham khảo Business Insider