Chùa Phổ Khánh (xã Đại An, Đại Lộc) là ngôi chùa làng cổ có tuổi vài trăm năm, là nét văn hóa, cội nguồn tâm linh trong đời sống của người dân bản địa. Cùng với đó, chùa Phước Định (xã Đại Đồng, Đại Lộc) vẫn bảo lưu những kiến trúc, giá trị văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng của một ngôi chùa làng cổ.
Hai ngôi cổ tự
Chùa Phổ Khánh, dân gian còn gọi là chùa Lá hay chùa Làng, có tuổi mấy trăm năm, nổi tiếng ở vùng Đại Lộc. Đây là một trong những ngôi chùa cổ được lập trong hành trình mở cõi về phương Nam, quy dân lập ấp của cha ông.
Theo TS.Đinh Thị Toan, văn bia chùa Phổ Khánh được khắc bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm vào năm Vĩnh Trị thứ 3 (1678), cho thấy chùa được xây dựng khá sớm so với những chùa được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí (phần tỉnh Quảng Nam).
Ngoài văn bia bằng đá cổ còn sót lại, cổ tự Phổ Khánh cũng mang đậm dấu ấn của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Chăm – Việt. Khuôn viên chùa còn một số di tích gồm giếng Chăm, bên trái chính điện có ngôi miếu thờ Bà thờ Ngũ Hành Tiên Nương – một vị thần nữ Chăm và kế đó có miếu âm linh. Ngôi miếu nhỏ thờ Bà có cấu trúc theo kiểu vòm cuốn, phổ biến ở thời Nguyễn vào khoảng thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong lòng ngôi miếu, có tượng thờ Bà. Có lẽ chùa vừa thờ Phật, vừa thờ thần thánh nên còn được dân làng gọi là chùa Thánh.
Còn chùa Phước Định trước kia vốn là ngôi chùa làng An Định. Chùa do Đại đức Thích Hạnh Quang, người địa phương trụ trì. Đại đức Thích Hạnh Quang năm nay 88 tuổi, có gần 50 năm tu tập. Ông đã tôn tạo ngôi chùa làng trở nên khang trang như ngày nay từ đóng góp của phật tử.
Chùa Phước Định vẫn còn bảo lưu nét đặc trưng, độc đáo của một ngôi chùa làng cổ với chính điện thờ Phật, gian trái thờ Quan Thánh gồm 3 vị: Quan Công, Lưu Bị và Trương Phi; phía ngoài đại điện, gian trái có miếu thờ Ngũ Hành Tiên Nương, thờ Thánh Mẫu Diêu Trì và Bà Chúa xứ mặc áo choàng đỏ. Theo văn bia được lập năm Duy Tân thứ 6 (1912) còn lưu giữ tại chùa thì ngôi cổ tự này được trùng tu, tôn tạo năm Tự Đức thứ 30 (1877), nhưng chưa được tráng quan, tới năm Duy Tân nguyên niên 1907, việc tôn tạo mới được hoàn chỉnh, còn ngôi chùa được xây dựng thời nào, vẫn chưa rõ.
Gìn giữ nét đẹp chùa làng
Những ngôi chùa mọc lên ở các vùng quê khắp xứ Quảng xưa kia. Đây là nơi sinh hoạt tâm linh của cả làng, ai cũng có thể đến chùa dâng hương, lễ Phật, cầu nguyện. Khác với đình, chỉ là nơi dành cho nam giới tới hội họp, chùa làng luôn rộng mở cửa đón nhận tất cả mọi người.
Mỗi người dân quê ai cũng nhớ “Cây đa, bến nước, mái đình”, thì hẳn nhiên chùa làng cũng in đậm trong ký ức. Nhiều chùa làng trước kia không có sư trụ trì, mà chỉ có người trông coi, hộ tự có nhiệm vụ chăm sóc, quét dọn, dâng hươnghoa thờ cúng. Nét văn hóa, sự hòa quyện giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ thần, thánh, thờ nữ thần Chăm, bà Mẹ xứ sở là đặc trưng của văn hóa chùa làng xứ Quảng. Chùa làng có kiến trúc thờ tự thể hiện sự giao thoa, tiếp biến giữa Phật giáo, tín ngưỡng dân gian kết hợp yếu tố Việt – Chăm đa sắc thái.
Chùa làng Phổ Khánh trải mấy trăm năm qua được dân làng Ái Nghĩa, sau đó là dân làng Nghĩa Nam, rồi hiện là dân làng Phú Nghĩa bảo tồn, gìn giữ, hương khói. Chùa Phổ Khánh hiện đã bị xuống cấp nặng nề, nhiều trụ biểu mục nát, tường rêu phong, có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào. Theo ông Đào Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Đại An, địa phương đã báo lên ngành chức năng để có hướng hỗ trợ trùng tu, tôn tạo chùa Phổ Khánh, giữ lại di tích cổ có giá trị trên đất này. Rất mong sự hỗ trợ của ngành chức năng, của người con xa quê chung tay, góp sức để bảo tồn di tích này.
Theo Báo Quảng Nam