Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể có lần ông đến phiên dịch cho Bác Hồ, trong khi chờ khách đến, Bác mở hộp thuốc lá ra, lấy một mảnh giấy, lẩm nhẩm đọc.
Thời trẻ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng là phiên dịch cho lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Trong một lần trải lòng về “nghề phiên dịch” mới đây, ông đã chia sẻ những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Bí quyết” luyện ngoại ngữ khi Bác ngoài 70 tuổi
Ai cũng biết Bác Hồ rất giỏi ngoại giữ, biết tới 9 thứ tiếng, chủ yếu là Bác tự học trong quá trình bôn ba hoạt động cách mạng. Vào những năm đầu 1960, khi đó Bác cũng đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ học ngoại ngữ. Ông Vũ Khoan nói cả đời ông chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác.
Nguyên Phó Thủ tướng kể có lần ông đến dịch cho Bác. Trong khi chờ khách đến, ông thấy Bác mở hộp thuốc lá ra, trong hộp có một mảnh giấy, Bác lẩm nhẩm đọc. Khi ấy ông không dám hỏi Bác đọc gì, nhưng nghe thì thấy Bác lẩm nhẩm tiếng Nga. Ông liền hỏi: “Bác muốn học tiếng Nga ạ?” Bác trả lời mình vốn biết tiếng Nga nhưng do lâu năm không sử dụng nên vốn từ vựng bị rơi rụng, thành ra giờ phải học lại.
Bác để một mảnh giấy trong hộp thuốc, trên có ghi 10 từ tiếng Nga. Mỗi ngày Bác hút khoảng 1 bao thuốc lá, tương đương 20 điếu. Cứ mỗi lần mở hộp thuốc lấy 1 điếu là Bác lại nhẩm đọc từ mới. Mỗi ngày 10 từ, cho rơi rụng đi thì cũng học được 5–7 từ.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bác Hồ hiểu tiếng Nga rất sâu, nhưng vẫn ôn luyện hàng ngày dù ít dùng. Cả đời ông gặp biết bao người nhưng chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác.
Ngoài thạo tiếng nước ngoài, nguyên Phó Thủ tướng cho biết Bác Hồ cũng biết nhiều tiếng dân tộc thiểu số, như Tày, Nùng, Mán… Tất cả Bác đều tự học. “Tôi thấy có 2 nhà lãnh đạo của ta nói tiếng dân tộc rất giỏi là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai Cụ quay sang bà con người Tày thì nói tiếng Tày, quay sang bà con người Nùng thì nói tiếng Nùng”- ông thán phục.
Dịch cho Bác không nên “chơi chữ”
Cũng theo nguyên Phó Thủ tướng, Bác Hồ rất giỏi tiếng Anh. “Mới đầu nghe nói Bác biết tiếng Anh, tôi nghĩ chắc Bác cũng biết chứ không thạo lắm. Nhưng lần lên dịch ở Phủ Chủ tịch, có nhiều đoàn nước ngoài đến, quay sang đoàn nào Bác nói tiếng nước đó. Khi nghe Bác nói tiếng Anh, tôi mới thấy Bác nói giỏi quá, hay quá”- ông kể.
Sau đó, ông có đọc lại những lá thư Bác Hồ viết cho Quốc tế cộng sản viết bằng tiếng Anh, ông Vũ Khoan thấy đúng là chữ Bác thật, viết rất chuẩn. Hóa ra tiếng Anh của Bác rất giỏi chứ không như người ta nghĩ Bác chỉ giỏi tiếng Pháp.
Nguyên Phó Thủ tướng cho biết Bác Hồ nói tiếng Trung Quốc không hay lắm, vì Bác nói giọng Quảng Đông (chứ không phải giọng Bắc Kinh). Nhưng bù lại, Bác lại rất am hiểu ngôn ngữ này do vốn chữ Nho, chữ Hán của Bác “rất thâm hậu”. “Bác nói giọng không hay thôi chứ Cụ hiểu lắm, có cần phiên dịch đâu”- ông Khoan kể.
Theo ông Vũ Khoan, tri thức của Bác rất rộng một phần là nhờ vốn ngoại ngữ. Bác biết nhiều ngoại ngữ, đến nước nào là học ngôn ngữ của nước đó: Đến Ý học tiếng Ý, đến Đức học tiếng Đức, đến Anh và Mỹ học tiếng Anh.
Ông Vũ Khoan kể trong một lần gặp các quan chức Liên Xô, thậm chí Bác Hồ còn nhắc nhẹ một người phiên dịch về sử dụng từ chưa phù hợp với hoàn cảnh. “Bản thân tôi cũng từng rút ra kinh nghiệm là dịch cho Bác không nên chơi chữ, vì chữ Nho Bác rất thông thạo. Cứ nói đơn giản thôi cho dễ”- ông kể.
Theo lời nguyên Phó Thủ tướng, có lần đến Đại sứ quán Liên Xô, trông thấy Bác, ông phiên dịch phía bạn cứng lưỡi, không dịch được… Đời tôi thấy hai người rồi, một ông Liên Xô, một ông Trung Quốc, trông thấy Bác Hồ là “xỉu”, không dịch được. Cho nên phiên dịch giỏi là phải có bản lĩnh, không được sợ, phải bình tĩnh ứng phó”- ông Vũ Khoan chia sẻ.
Theo ông Vũ Khoan, nghề phiên dịch mang lại cho ông những trải nghiệm đặc biệt, mỗi cuộc tiếp xúc giúp ông học hỏi được rất nhiều điều. Ở bên cạnh những con người tài giỏi như vậy, mình học được cách suy nghĩ và tư duy, đặc biệt là với tấm gương sáng, bậc thầy như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo D.Ngọc/NLĐ