Với 270 ca nhiễm nCoV trong 100 triệu dân, Việt Nam thuộc nhóm hệ số lây nhiễm thấp nhất thế giới, cơ bản đã đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định như trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 chiều 28/4.
Ông bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây mới trong cộng đồng. Các vùng nguy cơ cao như một số huyện của Hà Nội, Hà Giang, Bắc Ninh đều không có ca lây nhiễm mới. Lãnh đạo Chính phủ cho rằng Việt Nam đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đúng đắn với chi phí thấp, được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn lưu ý các địa phương kiên quyết chống dịch, đảm bảo kỳ nghỉ an toàn sắp tới cho người dân, tránh tình trạng tập trung đông người. Hệ thống chống Covid-19 phải hoạt động 100%; kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài.
Chính phủ cho phép nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, khởi động và tăng tốc phát triển kinh tế ở những lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở có phương án phòng chống, dập dịch nhanh. Các khu công nghiệp, khu du lịch, đô thị đông dân cư, chợ, siêu thị, nơi có mật độ giao lưu, giao thương lớn cần được kiểm soát chặt.
Để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, các địa phương có thể chủ động nới lỏng một số ngành khác, nhất là du lịch, dịch vụ ăn uống, hàng không, nhưng cân nhắc “không áp dụng biện pháp phòng chống cao hơn yêu cầu của Thủ tướng”.
Thủ tướng đồng ý cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, vật tư y tế trên tinh thần đảm bảo chất lượng, giữ uy tín quốc gia.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, có 5 trường hợp khỏi bệnh nhưng dương tính trở lại đang được theo dõi tại cơ sở y tế. “Điều đó cho thấy tính phức tạp trong cơ chế lây nhiễm nCoV nên cần đánh giá và triển khai đúng các biện pháp phòng, chống nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt với các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng”, Ban chỉ đạo nhận định.
Ban chỉ đạo cũng thông báo, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Đại học Nagasaki (Nhật Bản) đã nghiên cứu, phát triển sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (thường dùng để xét nghiệm nhanh nCoV). Sinh phẩm của Việt Nam sử dụng máy xét nghiệm ELISA được trang bị từ cơ sở y tế tuyến Trung ương đến huyện. Sinh phẩm này có độ nhạy, độ đặc hiệu cao (khoảng 95% nếu người bị nhiễm sau 8 ngày), giá rẻ, khoảng 5 USD mỗi sinh phẩm.
Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt. Nếu thành công, Việt Nam là nước thứ năm trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể và thương mại hóa.
Với hai loại sinh phẩm (dùng cho xét nghiệm tìm gen virus bằng máy và tìm kháng thể), Việt Nam sẽ chủ động trong việc xét nghiệm, không cần mua thêm máy móc, thiết bị xét nghiệm, sinh phẩm, hóa chất khác.
Đến chiều 28/4, thế giới ghi nhận hơn 3 triệu người nhiễm nCoV tại 218 quốc gia và vùng lãnh thổ; 211.600 người tử vong. Trong 270 người mắc nCoV tại Việt Nam có 222 người đã khỏi bệnh, 48 người đang điều trị.
Theo VNE