Nghe thấy một người hỏi “bác sĩ Thành khỏi bệnh rồi phải không ạ?”, bác sĩ Mai bật khóc, vội đưa tay lau nước mắt.
Đứng tại sảnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giữa đông người vây quanh, chị trả lời giọng nghẹn ngào: “Bác sĩ Thành đã khỏi bệnh và được xuất viện. Chúng tôi thực sự rất mừng!”.
Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai là Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp. Bác sĩ Thành, 29 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu, là bác sĩ đầu tiên bị lây nhiễm nCoV trong khi điều trị bệnh nhân.
“Những ngày điều trị cho Thành, tôi chưa thấy bạn ấy than thở một lời hay lo sợ bệnh tình sẽ trở nặng”, bác sĩ Mai chia sẻ. “Ngược lại, lúc nào Thành cũng áy náy vì đã không thể tự bảo vệ bản thân, để nhiễm bệnh. Bạn ấy còn thường xuyên lo lắng, hỏi han xem đồng nghiệp có ai bị lây bệnh không”.
Tháo cặp kính mờ hơi nước, mắt đỏ hoe, bác sĩ nói: “Tôi rất lo và thương cho Thành. Mong rằng sẽ không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh”.
Lúc biết tin bác sĩ Thành nhiễm virus, tất cả mọi người trong khoa đều lo lắng. Bác sĩ Mai thường xuyên động viên nhân viên lo lắng nhưng không được sợ hãi. Chị phổ biến đến nhân viên trong khoa, rà soát lại quy trình chống nhiễm khuẩn, mọi thủ tục được thực hiện chặt chẽ hơn, quyết tâm hơn..
“Khó khăn nhất là vừa điều trị bệnh nhân, vừa phải đảm bảo an toàn chống dịch, tránh lây chéo”,bác sĩ chia sẻ.
Mọi kỹ năng chống lây nhiễm được chi đặt yêu cầu nghiêm ngặt. Chẳng hạn, mặc đồ bảo hộ phải cẩn thận từng ly một, bởi chỉ sai trong việc tưởng như đơn giản này thôi, nguy cơ sẽ bị đẩy lên rất cao.
“Tôi có điều kiện tốt hơn là có phòng riêng, khi nghỉ ngơi có thể bỏ khẩu trang ra được. Các nhân viên không dám rời, dù giường nghỉ của các bạn đảm bảo khoảng cách 2 mét”, chị kể.
Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp điều trị các bệnh nhân Covid-19 sức khỏe ổn định, chưa cần hỗ trợ cấp cứu. Hiện có 39 bệnh nhân dương tính. Những người cùng yếu tố dịch tễ, cùng tình trạng bệnh ở chung một phòng. Khi bệnh nhân có kết quả âm tính sẽ được chuyển sang một phòng khác.
Bệnh nhân không có tổn thương phổi sẽ phân loại thành một nhóm, 6 ngày chụp cắt lớp vi tính (CT) một lần, 3 ngày chụp X-quang một lần để đánh giá xem bắt đầu có tổn thương phổi hay chưa. Khi bắt đầu có tổn thương thì sẽ dùng thuốc kháng virus.
Nhân viên y tế trong khoa chia ra 2 nhóm, mỗi nhóm gồm 3 bác sĩ và 8 điều dưỡng, làm việc trong 14 ngày, sau đó nghỉ, thay cho nhóm kia. Ngoài ra còn có một nhóm nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1, được huy động chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, nếu hai nhóm mệt quá sẽ vào thay.
Ở khoa chị, bệnh nhân sức khỏe ổn định nên tự phục vụ được, các bác sĩ đỡ vất vả hơn. Song, cái khó là có những bệnh nhân lúc mới nhập viện không hợp tác, y bác sĩ phải “đả thông tư tưởng”. Phòng bệnh không có camera theo dõi, bác sĩ phải thường xuyên vào nhắc nhở bệnh nhân đeo khẩu trang, thời gian tiếp xúc nguồn bệnh cũng theo đó tăng lên.
“Chúng tôi luôn luôn cố gắng để bệnh nhân không bị tác dụng phụ đẩy xuống tình trạng nặng, làm nặng gánh thêm cho khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực”, bác sĩ bộc bạch.
Một tháng chưa về, chị nói rất nhớ nhà. “Nhưng bây giờ thuận lợi là có phương tiện truyền thông nên cũng đỡ, tôi có thể nhìn thấy mặt các con”.
Ở viện suốt ngày đêm kể từ khi dịch trở lại, nhịp sinh hoạt thay đổi, lúc đầu chị mất ngủ, căng thẳng, nhưng vẫn kiên định và động viên đồng đội lạc quan làm việc. “Mặc đồ bảo hộ cả ngày, nóng bức, mọi người đùa nhau ‘mặc thế này vã nhiều mồ hôi quá, thôi khỏi đi vệ sinh'”, chị kể.
Là chiến binh dày kinh nghiệm chống dịch, từ tả, sốt xuất huyết tới sởi, nhưng khi chứng kiến ngày một nhiều bệnh nhân Covid-19 khỏe lại và xuất viện, bác sĩ Mai không giấu nổi niềm vui.
Ngày 7/4, trong lễ xuất viện cho 11 bệnh nhân, bác sĩ Thành anh không xuất hiện. “Nhưng tôi biết, bạn ấy đang theo dõi và âm thầm chúc mừng vì thành quả chúng tôi”, bác sĩ Mai nói.
Theo VNE