Số ca nhiễm Covid-19 tại Singapore đã tăng từ 100 ca ban đầu lên đến hơn 1.100 ca hiện tại. Dù được xem là quốc gia có nhiều biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 quyết liệt, cục diện tại Singapore thay đổi nhanh chóng thế nào?
Đầu tháng 3.2020, Singapore được xem là nguồn cảm hứng đối phó dịch Covid-19 cho toàn thế giới, khi chỉ ghi nhận hơn 100 ca nhiễm Covid-19. Việc quyết liệt lần dấu tiếp xúc, thực hiện quy trình cách ly nghiêm ngặt và các biện pháp hạn chế đi lại của quốc gia này được ca ngợi.
Singapore là một trong những nước thực hiện nhiều xét nghiệm Covid-19 nhất, với khoảng 6.800 xét nghiệm/ 1 triệu người so với Hàn Quốc là 6.500 xét nghiệm/ 1 triệu người. Tuy nhiên, đến ngày 1.4, số ca nhiễm Covid-19 ở Singapore vượt qua con số 1.000.
Trong suốt tháng 2, số ca nhiễm Covid-19 mới trong 1 ngày ở Singapore tăng theo hàng đơn vị. Đến tháng 4, mỗi ngày Singapore ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới.
Tình hình không còn quá khả quan, và ngày 3.4 nước này đã phải thông báo đóng cửa trường học và các hoạt động kinh doanh, công sở không thiết yếu. Điều gì đã khiến tình hình tại Singapore thay đổi?
Làn sóng lây nhiễm thứ 2
Các chuyên gia cho rằng “làn sóng lây nhiễm thứ 2” chịu trách nhiệm cho sự gia tăng đột biến này.
Làn sóng lây nhiễm thứ 1 xảy ra khi người từ Trung Quốc đại lục lây virus corona cho người Singapore trong giai đoạn đầu bùng phát dịch. Vào thời điểm đó, Singapore vẫn chưa ban hành bất kì lệnh hạn chế đi lại nào. Khi số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, Singapore tăng cường siết chặt nhập cảnh, ban đầu nhắm vào người đến từ Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Ý và Iran.
Tuy nhiên, phần lớn ca nhiễm gây ra làn sóng thứ 2 là cư dân Singapore trở về từ nhiều nước như Mỹ và Anh – nơi có số ca nhiễm Covid-19 rất cao. Đáng lo ngại hơn, còn có nhiều ca Covid-19 lây nhiễm chéo trong cộng đồng và các ca nhiễm không tìm ra “bệnh nhân zero” (F0).
Để hạn chế lây nhiễm, Singapore đã ra lệnh cấm nhập cảnh toàn bộ từ ngày 23.3. Ngày 27.3, Singapore đóng cửa toàn bộ quán bar, địa điểm giải trí ban đêm, hạn chế tập trung trên 10 người, công bố các mức phạt cho những ai không giữ khoảng cách 1 m với người khác. Người dân được yêu cầu ở nhà và chỉ ra ngoài khi có nhu cầu thiết yếu.
Tuần này, Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc gia Lawrence Wong, đồng lãnh đạo đội đặc nhiệm ứng phó Covid-19, cho biết 2 tuần tiếp theo là “quan trọng” để các biện pháp này phát huy tác dụng. Ông mong mọi người dân Singapore hiểu rằng “thực tế là mỗi người đều đang ở tuyến đầu”.
Chưa đủ mạnh tay
Nhưng nhiều người dân Singapore có vẻ không quyết liệt tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội.
Theo Kitty Lee, chuyên gia đối tác mảng khoa học đời sống và sức khỏe của công ty tư vấn Oliver Wyman, chỉ có 40% nhân viên tại khu trung tâm chịu làm việc tại nhà. Chính phủ Singapore đã cảnh cáo sẽ phạt những người không chịu làm việc tại nhà dù có thể.
Straits Times dẫn lời Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng trường Y tế Công cộng Saw See Hock, cảnh báo nếu người dân Singapore không “làm theo những hướng dẫn đơn giản, thì dù chính phủ có làm gì đi nữa Singapore vẫn phải chứng kiến đợt bùng phát dịch không thể kiểm soát nổi”.
Có nên đeo khẩu trang không?
Ban đầu, chính phủ Singapore kêu gọi người dân không đeo khẩu trang, để dành cho các nhân viên y tế, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây có thể là nguyên nhân khiến Covid-19 lây lan trong cộng đồng ở Singapore.
Nhưng hiện nay, WHO và Mỹ đã xem xét lại các hướng dẫn trên. Nhiều chuyên gia Hồng Kông và Nhật Bản cho rằng văn hóa đeo khẩu trang ở 2 nước này giúp số ca nhiễm Covid-19 giảm.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho biết Singapore đối mặt với 2 thách thức: không đủ khẩu trang cho toàn bộ người dân, và sự cần thiết trong việc kêu gọi người dân tuân thủ các quy định hạn chế tiếp xúc xã hội.
Dù vậy, Singapore vẫn còn lý do để lạc quan. Công ty Razer tại đây cho biết sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang trong vòng 30 ngày và nhiều chuyên gia hy vọng lập trường cứng rắn của chính phủ về làm việc tại nhà sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Theo Thanh Niên