Ngay sau khi đánh chiếm Việt Nam cuối thế kỷ 19, việc tìm hiểu phong tục tập quán của người dân An Nam mà đặc biệt là dân Bắc kỳ được xem là một nhiệm vụ quan trọng của thực dân Pháp.
Từ đó, hàng loạt công trình nghiên cứu xã hội Việt Nam của các nhà khoa học Pháp lần lượt ra đời, tạo nên một nền học thuật Pháp ngữ để đến ngày nay, đó là một kho tư liệu đồ sộ và giá trị phục vụ việc tìm hiểu xã hội, dân tộc Việt cận hiện đại.
Tiếp nối những tác phẩm mang nhiều giá trị lịch sử như Xứ Đông Dương của Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương 1897 – 1902; Tâm lý dân tộc An Nam của Paul Giran; Hội kín xứ An Nam của Georges Coulet… Công ty sách Omega mang đến một điểm nhìn mới về người dân Bắc kỳ qua bản dịch tác phẩm Tiểu luận về dân Bắc kỳ của Gustave Dumoutier (1850 – 1904).
Tác giả là nhà Việt Nam học người Pháp thuộc thế hệ đầu tiên. Ông đến Việt Nam vào năm 1886 và từ đó tập trung nghiên cứu về khảo cổ, dân tộc học, tôn giáo, dân gian, văn hóa Việt Nam. Đầu thế kỷ 20, ông là học giả tiên phong thực hiện các nghiên cứu về văn hóa dân gian Việt Nam nhằm góp phần tìm hiểu sâu sắc và tường tận xứ thuộc địa mà người Pháp vừa bình định xong.
Khác với một số tác phẩm cùng thời muốn tạo nên một cái nhìn phổ quát mang tính lý luận về tâm tính dân tộc An Nam, Dumoutier qua Tiểu luận về dân Bắc kỳ bằng những điểm nhìn chi tiết, cụ thể nhưng sâu sắc đời sống người dân Bắc kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã mang đến cho độc giả những trang viết sinh động, thể hiện nhiều tình cảm dành cho mảnh đất nơi tác giả sống cho đến cuối đời.
Trong Tiểu luận về dân Bắc kỳ, người đọc ngày nay có thể nắm bắt được những nét sinh hoạt chân thực của người dân từ sự quan sát, ghi chép và diễn giải của tác giả, qua các chương như: Xã hội; Gia đình; Trò chơi, thói quen, nghề nghiệp; Thực phẩm; Thầy lang và cửa hàng thuốc nam; Mê tín. Từ đó, độc giả phần nào hình dung được những nét văn hóa, phong tục tập quán, lối sống của người dân Bắc kỳ cuối thế kỷ 19.
Theo Thanh Niên