35 năm qua, tại thánh địa Cát Tiên (Lâm Đồng), giới khảo cổ phát hiện được số lượng hiện vật lớn, chế tác từ nhiều loại chất liệu có giá trị nhất so với các di chỉ khảo cổ học khác ở miền Nam; thế nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chủ nhân của di tích quốc gia đặc biệt này.
Ngày 11/3, Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết Bộ VHTTDL vừa ban hành quyết định cho phép Sở phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tiếp tục khai quật trên diện tích 4.050 m2 tại di tích Cát Tiên trong khoảng thời gian từ 12/3/2020 đến 12/3/2021; đồng thời phải có phương án bảo vệ địa tầng của di tích và phát huy giá trị các hiện vật.
Từ năm 1995 đến nay, các nhà khảo cổ đã tiến hành 8 đợt khai quật, phát hiện 20 ngôi đền, mộ tháp quy mô lớn và cổ kính bị vùi trong lòng đất phía nam dãy Trường Sơn, mang dấu ấn Đạo Bà la môn giáo với tục thờ phồn thực: coi âm lực và dương lực là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo.
Trong số hàng ngàn hiện vật được tìm thấy ở đây, đáng chú ý nhất là những bộ linga-yoni. Ngoài bộ bằng đá lớn nhất Đông Nam Á, còn có linga – yoni bằng vàng nhỏ nhất Đông Nam Á, linga đá bán quý (thạch anh-topas) lớn nhất nước, linga bằng đồng lần đầu tiên được phát hiện trong các di tích khảo cổ thời sơ sử Việt Nam.
Việc phát hiện 265 lá vàng yểm trong các đền tháp cũng khiến giới khảo cổ xôn xao. “Đó là pho sử viết trên vàng vô cùng thú vị và hấp dẫn”, cố GS Hà Văn Tấn từng nhận định. TS Nguyễn Tiến Đông cũng cho rằng “bộ hiện vật kim loại vàng này cực kỳ quý giá, không chỉ về mặt chất liệu mà lớn hơn là ý nghĩa văn hóa”.
Người xưa đã sử dụng kỹ thuật vẽ chìm và gò nổi để “vẽ”, tạc lên lá vàng hình ảnh các vị thần như Sihva, Vishnu, Brama, India; các linh vật như voi, sư tử, lợn rừng; các hoa văn, biểu tượng trang trí cung đình như sóng nước, hoa sen, cánh hoan kết dải, bánh xe luân hồi.
Nghệ thuật tạo hình khá trau chuốt, kỳ công, đúc và miết dập điêu luyện nên đường nét sắc sảo, phóng khoáng, đầy sức sống, hài hòa trong tỷ lệ… diễn tả những ma lực của thần linh, biểu tượng của sự sinh sôi và khát vọng vươn tới.
Hình vẽ trên hàng trăm lá vàng như mê cung của các thần linh nên nhiều nhà khảo cổ nhận định đây có thể là một trung tâm tôn giáo, “thủ đô” của một vương quốc cổ bị lãng quên. Tuy nhiên đến nay chủ nhân và niên đại của thánh địa Cát Tiên vẫn còn là điều bí ẩn, hy vọng sẽ được khai mở trong quá trình nghiên cứu thời gian tới.
Theo Tienphong