Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 34 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) tại 12 tỉnh, thành phố.
Để chủ động đối phó, xử lý ổ dịch CGC xảy ra trong tỉnh, Chi cục Thú y tỉnh hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý với ổ dịch bệnh CGC như sau:
1. Xử lý gia cầm mắc bệnh
– Thực hiện tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm khi phát hiện mắc bệnh, chết và có dấu hiệu mắc bệnh CGC; đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh chưa được tiêm phòng vaccine cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh. Tiêu hủy gia cầm phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính virus cúm A/H5N1, A/H5N6 hoặc các chủng virus cúm nguy hiểm lây bệnh và gây tử vong.
2. Công bố ổ dịch và công bố hết dịch
– UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện thủ tục công bố dịch đối với bệnh CGC trên địa bàn khi có ổ dịch phát sinh theo quy định của Luật Thú y.
– Khi ổ dịch bệnh CGC xảy ra từ 2huyện trở lên, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét ban hành công bố dịch trong tỉnh khi có đề nghị của Chi cục Thú y tỉnh. Các địa phương và ngành liên quan cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hằng ngày trước 16 giờ về Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh.
3. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật
– Khi có ổ dịch bệnh CGC xảy ra, Chủ tịch UBND các cấp ban hành quyết định thành lập BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ nhằm phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lĩnh vực quản lý.
4. Tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra
– Khi có ổ dịch CGC xảy ra, tổ chức tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm khỏe mạnh tại các nơi xảy ra dịch; đồng thời tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm tại các nơi chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh xã có ổ dịch.
5. Lập chốt kiểm dịch, kiểm soát gia cầm và sản phẩm gia cầm
– Các địa phương thành lập các chốt kiểm soát tại các trục đường giao thông liên thôn, liên xã tại địa phương có ổ dịch CGC xảy ra. Nghiêm cấm việc giết mổ, sử dụng, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch các loại gia cầm là động vật mẫn cảm với dịch CGC và sản phẩm gia cầm.
6. Giám sát dịch bệnh
– Thường xuyên thực hiện giám sát tại địa phương có ổ dịch CGC và các xã tiếp giáp với xã có ổ dịch; giám sát đàn gia cầm trong vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao. Ngành thú y tổ chức lấy mẫu đối với gia cầm nghi mắc bệnh hoặc chết bất thường không rõ nguyên nhân trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát đi xét nghiệm.
7. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng
– Đối với địa phương có ổ dịch, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ; khử trùng người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Đối với địa phương tiếp giáp với xã có ổ dịch CGC, định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm của gia cầm.
– Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về tình hình dịch bệnh CGC trên địa bàn; nguy cơ lây nhiễm chủng virus cúm sang người… Hướng dẫn người chăn nuôi tiêm vaccine phòng bệnh cúm và định kỳ tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới…
Theo Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương