Khi đại dịch ập đến, làm thế nào để bảo toàn tính mệnh? Thời cổ đại khi nhân loại chưa biết đến y học hiện đại và vắc-xin phòng bệnh, vì sao con người có thể vượt qua đại nạn một cách thần kỳ?
Dịch bệnh là do ‘Tà loạn chi khí’
Người hiện đại cho rằng ôn dịch là loại bệnh có quy mô lớn do virus gây ra. Đây là nhận thức về ôn dịch trong phạm vi không gian thời gian mà khoa học hiện đại có thể phát hiện được. Nhưng vào thời cổ đại, nhận thức và hiểu biết của người xưa đối với dịch bệnh không chỉ giới hạn ở tầng diện vật lý và sinh học, mà còn có sự hiểu biết rộng lớn và sâu sắc hơn.
Thuyết Văn Giải Tự viết: Bệnh nào có thể lây ra nhiều người thì đều được gọi là ‘dịch’. Vào thời Tần Hán và các triều đại trước đây, có hai cách giải thích về dịch bệnh như sau:
Một là “Tà loạn chi khí’. Trong Xuân Thu phồn lộ – Nhân phó thiên sổ, Đổng Trọng Thư viết: Thiên khí thượng, địa khí hạ, nhân khí tại trong đó. Học thuyết về sự tác động qua lại giữa trời và đất của Đổng Trọng Thư chỉ ra rằng nếu như vua tôi quân thần xa rời đức, làm trái thiên lý, thì trời sẽ giáng thiên họa, nhắc nhở quân vương phải quy chính, nếu không quy chính thì đại nạn giáng xuống sẽ không thể vãn hồi.
Một học giả nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Nho giáo thời Hán là Ông Hà Hưu từng nói: “Một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh là khí tà loạn gây ra”. Vì vậy, khi ôn dịch phát sinh mang tính lây lan, hầu hết các vị vua sẽ tự xét lại việc cầm quyền trị nước của mình: Bậc quân vương đã đủ thanh liêm, làm đúng đạo trời chưa? Liệu có phải là vua gần tiểu nhân mà xa rời hiền thần? Liệu có phải vì vua ngang ngược, giết chóc bạo lực mà gây khổ nạn cho bách tính muôn dân?
Theo thống kê của một số học giả, từ thời Tây Hán và Đông Hán đến những năm triều Thanh, các quân vương cứ chưa tới mười năm lại ban bố “Tội kỷ chiếu” với thiên hạ. “Tội kỷ chiếu” trên thực chất chính là lời sám hối của người đứng đầu quốc gia về những lỗi lầm đã qua, và là bản tự kiểm điểm xin tạ lỗi với muôn dân, đồng thời còn là thệ ước với Thần Phật và bách tính rằng từ nay vua sẽ quyết tâm sửa chữa lỗi lầm.
Một cách giải thích khác cho rằng ôn dịch là loại bệnh do ma quỷ gây ra. Theo Hán Cựu Nghi, Chuyên Húc có ba người con trai, sau khi chết trở thành dịch quỷ. Người ta tin rằng ôn dịch có quy mô lớn là do lệ quỷ ở âm gian hoành hành. Để loại bỏ ôn dịch, có một nghi thức là xua đuổi dịch quỷ. Để thực hiện nghi thức này thì cần phải thỉnh mời các vị Thần hay những người tôn kính Thần Phật, hoặc những bậc có đạo đức cao thượng tham dự. Bởi vì “nhất chính áp bách tà”, chỉ những bậc Thánh giả, cao tăng, hoặc bậc đại đức đại hạnh mới có đủ uy đức để xua đuổi tà ma.
Thánh y Trương Trọng Cảnh
Cuối triều Đông Hán bệnh dịch hoành hành vô cùng dữ dội, nhưng may mắn có Đạo nhân và danh y xuất hiện cứu thế, trong đó có Trương Trọng Cảnh. Ông đã cứu chữa vô số người, được mệnh danh là Thánh y một thời. Trương Trọng Cảnh không chỉ có tài trị bệnh mà còn có công năng túc mệnh thông siêu thường.
Chuyện kể rằng Trương Trọng Cảnh từng đi đến rất nhiều kinh thành để trị bệnh cứu người. Bởi y thuật cao siêu nên ông được nhiều nhân sỹ kính trọng. Nhà văn nổi tiếng thời Đông Hán là Vương Xán cũng là một trong số đó, mỗi lần nghe tin Thánh y về kinh đô là ông lại tới chào hỏi chuyện trò.
Sau nhiều lần gặp mặt, Trương Trọng Cảnh biết rằng Vương Xán đang mắc một loại bệnh nan y, đó là bệnh phong. Trong tâm ông phân vân do dự: “Nói với Vương Xán liệu ông ấy có chấp nhận không? Nhưng không nói thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng”. Suy đi tính lại, cuối cùng ông quyết định sẽ nhẹ nhàng lựa lời nói với người bệnh.
Một ngày nọ, Vương Xán lại đến. Sau một hồi đàm đạo Trương Trọng Cảnh nói: “Trong người ông đang tiềm ẩn một loại bệnh, chữa trị sớm sẽ khỏi, nếu không thì sau này lông mày đều rụng hết, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mệnh nữa. Ông nên uống bài thuốc ‘ngũ thạch’ mới có hy vọng”.
Vương Xán là người rất thông minh, chỉ nói bệnh trạng ông cũng hiểu được đó là căn bệnh gì. Chỉ có điều là ông không tin mình lại mắc chứng bệnh này, cho rằng vị danh y quá lời nên ông chỉ hờ hững đáp và cũng không uống bài thuốc đó.
Một thời gian sau hai người lại có dịp gặp mặt. Trương Trọng Cảnh nhìn khí sắc của Vương Xán lập tức hỏi dồn: “Ông đã uống ngũ thạch thang chưa?”. Mặc dù rất khó chịu khi bị hỏi bất ngờ, nhưng vì phép lịch sự nên Vương Xán chỉ trả lời một cách qua quýt: “Uống rồi”. Trương Trọng Cảnh quan sát lại khí sắc của người bệnh rồi lắc đầu nói: “Hình như ông chưa uống thuốc. Hãy nghe lời tôi, uống nhanh lên nếu không thì có chuyện đấy”. Nhưng Vương Xán vẫn không tin và nói: “Sức khỏe tôi rất tốt, ông đừng quá lo”.
Mấy năm sau quả nhiên Vương Xán đổ bệnh, lông mày đều rụng hết và qua đời khi mới 40 tuổi. Trương Trọng Cảnh hay tin, trong lòng vô cùng đau xót và tiếc thương cho một nhân tài còn rất trẻ.
Đổng Phụng cứu người chết sống lại
Thời Tam Quốc có ba vị danh y tiếng tăm lừng lẫy, được gọi là “Kiến An tam thần y”. Người thứ nhất là Hoa Đà – ông tổ của ngành phẫu thuật ngoại khoa. Người thứ hai là Trương Trọng Cảnh – tác giả cuốn Thương hàn tạp bệnh luận, được hậu thế coi là cuốn sách kinh điển của Trung y. Người thứ ba cũng là một bậc danh y có biệt tài không kém, tên là Đổng Phụng.
Tương truyền, Đổng Phụng từ nhỏ đã tu Đạo, luyện thành thuật trường sinh bất lão, có người nhìn thấy ông trải qua hơn 50 năm mà dung nhan không hề thay đổi chút nào. Trong “Thần Tiên truyền” của Cát Hồng sống vào triều Tấn có ghi chép câu chuyện về y thuật cao siêu của ông.
Một năm nọ, một người bạn của Đổng Phụng là Thứ sử Giao Châu Đỗ Tiếp vì trúng độc mà qua đời. Ba ngày sau, ông mới hay tin và tới thăm viếng. Sau khi khám nghiệm tử thi, ông bèn lấy ba viên thuốc bỏ vào miệng người chết, sau đó bảo người nhà đỡ dậy, lắc lắc phần đầu để thuốc xuống bao tử. Không lâu sau Đỗ Tiếp mở mắt, tay chân bắt đầu cử động, da dẻ dần hồng hào trở lại, chưa đến nửa ngày đã có thể đi lại, ba bốn ngày sau hoàn toàn bình phục.
Đỗ Tiếp kể lại: “Lúc ấy tôi đang nằm ngủ thì thấy có mấy chục người mặc áo đen kéo tôi lên xe đưa đến một một nơi xa lạ, đi mãi rồi tiến vào đại hồng môn, sau đó đưa tôi đến ngục. Trong đó có nhiều phòng nhỏ khác nhau, mỗi người một phòng, chật đến nỗi chỉ chứa được một người. Căn phòng tôi ở, cửa lớn cửa sổ đều phong kín, nhìn không thấy bất cứ thứ gì bên ngoài. Sau đó bỗng có một người tự xưng là sứ giả được phái đến và bảo tôi đi theo. Tôi liền theo ông ta ra ngoài, được một lúc mới nhìn thấy một chiếc xe ngựa có lọng đỏ, có ba người ngồi trên xe. Một người tay cầm roi kêu tôi lên xe, khi đến cửa thì tôi tỉnh dậy”. Câu chuyện này khiến người đời sau ca tụng Đổng Phụng là người có thuật cải tử hoàn sinh.
Theo Tôn Gia Tú, Epochtimes
v