Xá lợi Phật rốt cuộc là gì? Tại sao chỉ những người tu hành Phật Pháp có thành tựu mới để lại xá lợi? Vì sao xá lợi lóng lánh như pha lê, với nhiều màu sắc, nung nóng hàng nghìn độ cũng không bị cháy?
Xá lợi Phật là gì?
Xá lợi là những hạt nhỏ, có dạng viên tròn, hình thành sau khi thân thể của người tu đắc đạo được đem hỏa táng. Xá lợi còn có nghĩa là những hạt nhỏ trông giống ngọc trai hay pha lê, được tìm thấy trong tro hỏa táng của một số vị cao tăng Phật giáo mà khoa học hiện đại chưa giải thích được nguyên lí hình thành của các hạt xá lợi này.
Theo truyền thuyết đạo Phật, khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn thi thể Phật Thích Ca được phật tử hỏa táng. Sau khi lửa tàn, người ta tìm thấy trong tro có rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau, cứng như thép, lóng lánh và tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý, tất cả được 84.000 viên, đựng đầy trong 8 hộc và 4 đấu.
Có một số trường hợp, xá lợi chính là một bộ phận nào đó của cơ thể không bị thiêu cháy, như “trái tim bất tử” của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Sau khi Ngài tự thiêu để phản đối chế độ Mỹ – Diệm, thi thể được đưa đi hỏa táng nhưng trái tim không hề bị thiêu cháy. Sau khi ngọn lửa tắt, trái tim vẫn còn mềm, nóng, rồi mới nguội dần và cứng lại, biến thành một viên xá lợi lớn, màu nâu thẫm. “Trái tim bất diệt” của Ngài hiện được thỉnh về chùa Việt Nam Quốc Tự để thờ tự, bảo tồn, thông tin trích trên báo Pháp Luật Việt Nam.
Buổi chiều ngày 13/2/1975, lão pháp sư Quang Âm cao tăng đã viên tịch tại Đài Loan, hưởng thọ 95 tuổi. Sau khi hoả táng, di thể ngài để lại hơn 1.000 viên xá lợi màu nâu lấp lánh, viên to nhất có đường kính tới 4cm, hơn 30 viên có đường kính 3cm, thông tin trên Pháp luật & Đời sống.
Năm 1992, một cao tăng tên là Pháp Nhân ở Tô Châu Trung Quốc viên tịch. Điều khiến người ta kinh ngạc là sau khi hỏa thiêu thì chiếc lưỡi của ông vẫn còn nguyên vẹn không tổn hại, có màu sắc vàng của đồ đồng cổ, rắn chắc như thép, gõ phát ra âm thanh trong trẻo vui tai.
Tất cả ghi chép, biên khảo, nghiên cứu đều không thể xác định được loại vật chất cụ thể của các tinh thể lóng lánh màu sắc kì lạ đó. Do vậy, cho đến nay, giới khoa học vẫn chấp nhận gọi đó là “xá lợi” – theo tên các tín đồ Phật giáo đã đặt ra.
Nung nghìn độ không tan chảy
“Ẩn số” mang tên xá lợi khiến các nhà y học nhiều lần đưa ra giả thuyết, có thể xá lợi là một hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật… Và khi hỏa táng các hạt sỏi này không tiêu hủy được nên còn lại trong đám tro tàn, nhưng nghiên cứu này cũng đi vào ngõ cụt khi không thuyết phục được tất cả mọi người.
Giả thuyết tiếp theo được đưa ra đó là các cao tăng với chế độ ăn chay thường xuyên sử dụng nhiều chất xơ và chất khoáng, nên quá trình tiêu hóa và hấp thu dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate. Những tinh thể muối đó tích lũy trong cơ thể và dần biến thành xá lợi. Tuy nhiên, giả thuyết này cũng bị phản đối bởi nhiều người ăn chay nhưng không hình thành xá lợi khi hỏa táng.
Cũng có người đưa ra giải thích, cho rằng nếu ngồi thiền nhiều như các nhà sư sẽ làm tăng khả năng hình thành tinh thể muối trong cơ thể. Người ăn chay không có xá lợi khi hỏa táng vì ngồi thiên chưa đủ lâu và thường xuyên.
Sự thật về ngọc xá lợi đã được hé lộ khi theo ba nhà vật lý tìm ra rằng trong quá trình tinh thể hóa xương do hỏa táng, các tinh thể hình dạng khác nhau sẽ được hình thành nếu quá trình hỏa táng ở nhiệt độ thích hợp. Nếu nhiệt độ hỏa táng ban đầu khoảng 600°C, sau đó tăng lên 1.000°C, nhiều khả năng các khối tinh thể sẽ xuất hiện, miễn là nhiệt độ không quá cao. Hiện các lò hỏa táng thường có giới hạn nhiệt độ khoảng 1.200°C, khá thích hợp để xương được tinh thể hóa.
Như vậy việc hình thành xá lợi có thể là sự kết hợp của cả ba giả thuyết trên: Ăn chay và ngồi thiền; sỏi bệnh lý; và sự tinh thể hóa xương khi điều kiện hỏa táng phù hợp. Tuy nhiên đó là một quá trình ngẫu nhiên mà sự xuất hiện tùy thuộc vào nhiều yếu tố đôi khi không kiểm soát được. Có lẽ vì thế mà không phải vị cao tăng nào cũng có xá lợi, theo báo Công an TP.HCM.
Tổng hợp