Không hề ít hơn một lần mỗi chúng ta nghe được từ trộm vía. Vậy nó có nghĩa là gì và vì sao nó hay được các bà, các mẹ sử dụng?
Trộm vía là gì?
Ở miền Bắc, cụm từ trộm vía rất hay được sử dụng trong văn nói. Nó mang lối nói đậm màu sắc tâm linh cũng như đậm nét văn hóa Á Đông nói chung và hồn sắc văn hóa Việt nói riêng. Trộm vía được dùng cho mục đích để khen những đứa trẻ với hàm ý muốn nói những đứa bé đẹp đẽ, bụ bẫm, ngoan hiền là do các đấng thần linh, tổ tiên phù hộ.
Từ đâu mà có trộm vía?
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thì sở dĩ chúng ta dùng từ “trộm vía” chứ không phải “trộm hồn” vì chữ “hồn” và “vía” là một cách đọc từ “hồn phách” trong tiếng Hán cổ.
Bên cạnh đó, người xưa thường quan niệm con trai có ba hồn bảy vía còn con gái có ba hồn chín vía. Vía ở đây có thể hiểu là năng lượng tinh thần, mà nhờ năng lượng đó con người ta có thể sống được một cách khỏe mạnh. Khi một vía nào đó bị phạm, nó sẽ khiến cho cơ thể bị đau yếu, người Việt tin rằng những tác động bên ngoài vào mắt, mũi miệng lưỡi khiến cho vía bị lay động và có thể dẫn tới bệnh tật. Ví dụ như là: “Trộm vía cháu xinh quá”; “Trộm vía cháu khỏe quá”,… những câu khen này sẽ trở nên ngược lại nếu người nói quên mất việc sử dụng cụm từ trộm vía.
Trộm vía là một quan niệm dân gian.
Đối với trẻ em, vía trẻ con còn yếu, cần được bảo vệ, giữ gìn nên trước khi khen trẻ nhỏ, người lớn cần phải xin phép thần linh trước. Chính vì vậy, trước mỗi câu nói khen trẻ nhỏ đáng yêu, khỏe mạnh người ta thường thêm từ trộm vía như để xin phép thần linh là vậy.
Ngoài ra, cũng có cách giải thích khác như là ma quỷ hay ghen ghét với con người nên thỉnh thoảng lại đến quấy phá những đứa trẻ ngoan. Chính vì thế, ngày xưa mọi người thường đặt tên cho con thật xấu để ma quỷ đỡ nhòm ngó và dễ nuôi hơn. Họ cũng nói thêm từ trộm vía ở phía trước câu khen để như lén khen, tránh việc ma quỷ nghe thấy mà quấy phá.
Trong cuộc sống thường nhật, các bà các mẹ ta thường nói trộm vía như một thói quen. Với những yếu tố dân gian tuy chưa được khoa học chứng minh nhưng vẫn nên có kiêng thì có lành.
Tổng hợp