Tuy hâm mộ Thiên Long Bát Bộ nhưng ít ai biết rằng Kim Dung có nhiều dụng ý đằng sau tính cách và cuộc đời của các nhân vật.
Nhắc đến Kim Dung, người hâm mộ sẽ nhớ ngay đến một tiểu thuyết gia đình đám với loạt truyện kiếm hiệp được chuyển thể thành phim vô cùng thành công. 15 tác phẩm kiếm hiệp xuyên suốt sự nghiệp của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ. Đặc biệt là bộ truyện Thiên Long Bát Bộtừng được nhiều khán giả bình chọn là tác phẩm hay nhất của Kim Dung. Đây cũng là tác phẩm dài nhất trong 15 tiểu thuyết của Kim Dung. Thiên Long Bát Bộ dài hơn 2 triệu chữ, khắc họa rõ nét 8 cao thủ võ lâm trong giang hồ.
Tuy hâm mộ Thiên Long Bát Bộ nhưng ít ai biết rằng đằng sau tác phẩm này còn ẩn chứa điều ý nghĩa sâu xa. Khi viết Thiên Long Bát Bộ, Kim Dung đã lấy ý tưởng từ Kinh Phật, mượn tên của tám vị thần hộ pháp để ám chỉ các nhân vật trong tác phẩm. Tám vị thần đó là Thiên Chúng, Long Chúng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già. Trong đó, Thiên Chúng là người đứng đầu, có võ công lợi hại nhất.
Kiều Phong – Thiên Chúng
Kiều Phong là nhân vật chính trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ. Không ít khán giả cho rằng Kim Dung đã khắc họa rõ nét nhân vật Kiều Phong với khí chất ngút trời, vừa có tài, vừa có đức, ra dáng kẻ lãnh đạo. Từ thân hình, tướng mạo, khí chất cho tới võ công và nhân phẩm đều toát ra phong thái của vua Trời, giống với Thiên Chúng trong Kinh Phật vậy.
Tương truyền, Thiên Chúng sẽ phải trải qua 5 điều bi ai, và điều này cũng khá giống với Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ: cha mẹ bị hại, cái bang khai trừ, bằng hữu tuyệt giao, giết lầm A Châu cũng như phản lại Khiết Đan.
Bàn về võ công, Kiều Phong với Hàng Long Thập Bát Chưởng đủ để trấn áp quần hùng tại Tụ Hiền Trang, đánh cho Mộ Dung Phục, Du Thản Chi cùng Đinh Xuân Thu khiếp đảm. Thậm chí, võ công của anh được đánh giá là cao hơn cả Mộ Dung Bá, và là người duy nhất trong bộ truyện đả thương được Vô Danh Thần Tăng. Vậy nên, tạm bỏ qua vị thần tăng quét lá ở chùa Thiếu Lâm sang một bên thì Kiều Phong đích thị là võ lâm cao thủ số một trung nguyên trong bộ truyện.
Đoàn Dự – Long Chúng
Ngoài Kiều Phong, Đoàn Dự là nhân vật chính thứ hai của bộ tiểu thuyết này. Đoàn Dự xuất thân hoàng tộc, là hoàng đế tương lai của nước Đại Lý, thế nên, anh chàng chính là Long Chúng.
Dù bản tính đào hoa, đa tình nhưng bản chất của Đoàn Dự lương thiện từ nhỏ, rất giống với Long Chúng. Không những thế, các hoàng đế trong suốt chiều dài lịch sử của Đại Lý đều xuất thân ở Thiên Long Tự.
Hư Trúc – Ma Hầu La Già
Theo giải thích trong Kinh phật, Ma Hầu La Già là Đại Long (Thần Rắn), vì ngu si nên thường tự chuốc lấy rắc rối. Tuy vậy, cũng nhờ thế mà hắn cứu vãn được tiền căn, thoát khỏi kiếp luân hồi đồng thời thay da đổi thịt.
Xét trong các nhân vật của Thiên Long Bát Bộ thì Hư Trúc là phù hợp với Ma Hầu La Già nhất. Xuất thân từ một tiểu tăng bình phàm tại Thiếu Lâm Tự, thân phận thấp kém nhưng nhờ vào sự thật thà, chất phác của mình mà lại có phúc phận, thậm chí phá giải được Trân Long Kỳ Trận, sau này còn trở thành chưởng môn đời thứ 3 của Tiêu Dao Phái rồi hấp thụ nội lực của Tiêu Dao Tam Lão cùng vô số tuyệt kỹ.
Cưu Ma Trí – Ca Lâu La
Theo Kinh Phật, Ca Lâu La có mối thù không đội trời chung với Thần Long, vì rồng đã làm hại mẹ nó. Thế nên xét theo tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ thì Cưu Ma Trí luôn tìm cách đối đầu với Đoàn Dự. Chính ra Cưu Ma Trí chính là hiện thân của Ca Lâu La.
Số phận của Cưu Ma trí cũng khá may mắn, khi nội lực của hắn cuối cùng cũng bị khuất phục bởi Đoàn Dự. Cũng nhờ đó mà gã mới ngộ Đạo và có kết cục tốt đẹp sau này.
Mộ Dung Phục – A Tu La
Tính khí tàn bạo, cố chấp và đố kỵ của A Tu La không gì phù hợp hơn khi so sánh với Mộ Dung Phục. Quyền lực rất lớn, năng lực có thừa, nhưng A Tu La lại có bản tính đa nghi nên luôn thất bại trong các cuộc chiến. Cũng vì đa nghi nên không ít lần Mộ Dung Phục nổi máu ghen tuông dù Vương Ngữ Yên luôn một lòng hướng về.
Không những thế, Mộ Dung Phục luôn muốn trục lợi nhằm khôi phục đất nước Đại Yên, giống như A Tu La luôn tìm cách khiến thiên hạ đại loạn để trục lợi.
Tứ Đại Ác Nhân – Quỷ Dạ Xoa
Tương truyền Quỷ dạ xoa thường đi theo bầy đàn, mặt mũi dữ tợn, hung ác tàn bạo nhưng chúng không phải chỉ hoàn toàn có mặt xấu.
Đó cũng chính là ngụ ý của Kim Dung, khi tạo ra tứ đại ác nhân. Mỗi kẻ trong chúng đều nhìn có vẻ hung dữ, không điều ác nào không làm, nhưng ẩn sâu trong đó lại là những nỗi khổ, những câu chuyện riêng mà chỉ tới khi kết thúc phim chúng ta mới thấu hiểu.
A Châu – Càn Thát Bà
Trong Kinh Phật, Càn Thát Bà là vị thần hiền nhất, không ăn thịt uống rượu, chỉ lấy hương thơm làm thức ăn và luôn tỏa ra một mùi hương đặc biệt trên thân thể. Càn Thát Bà trong tiếng Phạn cũng có nghĩa là biến hóa khôn lường nữa.
Xét trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ thì Càn Thát Bà chính xác là A Châu, với khả năng dị dung biến ảo nhưng vì mùi thơm trên cơ thể nên dễ dàng bị Đoàn Dự nhận biết.
Hơn nữa, A Châu bản tính lương thiện, thật thà, không gì phù hợp hơn nhân vật này khi so sánh với Càn Thát Bà.
A Tử – Khẩn Na La
Khẩn Na La là vị thần biến hóa, có lúc nửa người nửa ngựa, nhưng có lúc lại nửa người nửa chim, hình dáng giống người mà không phải là người và khiến cho ai gặp phải cũng thấy nghi ngờ. Nhìn chung, rất khó nắm bắt được tâm lý của Khẩn Na La.
Và đó chính là A Tử trong Thiên Long Bát Bộ. A Tử là nhân vật có nội tâm vô cùng phức tạp, khó nắm bắt. Cô nàng khôn ngoan, thay đổi theo trường hoàn cảnh nên không ai hiểu rõ được cô. A Tử lúc thì độc ác điêu ngoa lợi dụng Du Thản Chi, khi lại si tình và hết mực yêu thương tỷ phu Kiều Phong khiến người xem không biết đường nào mà lần.
Tổng hợp