Người ta biết về “vị vua ăn chơi nhất” Việt Nam – vua Bảo Đại – với nhiều dinh thự tọa lạc ở những vị trí đẹp nhất trên khắp vùng miền dọc chiều dài đất nước. Thế nhưng, ít ai biết tới cánh đồng voi với những thớt voi hùng dũng nhất của đại ngàn Tây Nguyên, cũng là một trong kỳ quan của “ông vua chơi ngông” bậc nhất này…
Cánh đồng voi giữa đại ngàn
Cánh đồng voi của Vua Bảo Đại được xây dựng ở chính trung tâm thủ phủ của huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), nay là thị trấn Lắk. Đó là một bình nguyên mênh mông rộng với cả ngàn mẫu đất, nằm liền kề hồ Lắk – vốn là hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 650ha.
Tất cả những gì còn lại về cánh đồng voi này là sự hiện hữu của những buôn làng như buôn Jun, buôn Liên. Những thớt voi thuộc sở hữu của Vua Bảo Đại, khi cách mạng thành công, đã được xung công và trở thành đoàn vận tải phục vụ cho cách mạng. Hơn tất cả, đấy là những huyền thoại nằm lại với đại ngàn, nằm trong ký ức của những già làng và hiếm hoi những nài voi ngày xưa làm nô bộc cho Vua Bảo Đại còn sống.
“Vua voi Tây Nguyên” – Đàn Năng Long, người hiện đang sở hữu nhiều voi nhất Việt Nam chính là hậu duệ của một trong những nài voi tài ba của Vua Bảo Đại. Trong câu chuyện của Đàn Năng Long, anh vẫn không quên những ký ức khi anh còn bé, anh thường được nghe cha kể về đàn voi đông đúc và cánh đồng voi trù phú. Ông vua ăn chơi này đã cho lập một cánh đồng voi rộng lớn ở giữa buôn Liên để làm nơi chăn thả đàn voi hàng trăm con của mình.
Những thớt voi đẹp nhất được Vua Bảo Đại tập hợp từ tất cả buôn làng trong Tây Nguyên, dưới hình thức cống tiến. Mỗi buôn trong vùng phải đóng góp cho vua và phải cắt cử những thợ voi giỏi nhất làm nài huấn luyện đàn voi của Vua Bảo Đại. Trong số đó, có một con voi trắng khổng lồ do chính vua voi A Ma Kông hiến tặng. Đó là một thớt voi trắng to lừng lững, đẹp như một bức tranh. Với người Tây Nguyên, voi trắng là vua của các loài voi, không chỉ bởi dáng vẻ oai phong, bệ vệ, mà còn bởi nó là một trong những linh vật trong đời sống tâm linh.
Thớt voi trắng này được Vua Bảo Đại cưỡi trong các cuộc săn voi. Mỗi năm, ông vua này tổ chức một cuộc săn voi rừng một lần, hay tổ chức đua voi vượt hồ Lắk. Người già trong buôn kể lại, đàn voi của Vua Bảo Đại đông đúc chưa từng có, và được neo giữ ngoài bìa rừng cạnh buôn Liên. Chính vì vậy, buôn này trở thành cánh đồng voi lớn nhất Tây Nguyên thuở ấy và cho đến tận bây giờ.
“Cha tôi kể rằng, cánh đồng voi vào mỗi chiều trở nên đông đúc chưa từng có bởi cảnh tượng cả trăm con voi sau mỗi cuộc đi săn, được tắm rửa sạch sẽ, sau đó Vua Bảo Đại mới cho các nài voi cột voi vào những gốc cây cổ thụ. Trước, buôn Liên còn những nghĩa địa voi. Mỗi một xác voi chết vì già yếu được chôn cất theo chiều dựng đứng, để chìa cặp ngà lên trên mặt đất, tựa như những bia mộ. Ngày nay, cánh đồng voi không còn nữa, bởi nạn săn ngà voi thu lợi đã khiến hàng trăm người, với những thủ đoạn, đã “khai quật” và tàn phá nghĩa địa ấy. Nếu không, đó sẽ là một nghĩa địa kỳ lạ nhất của Tây Nguyên đến tận bây giờ!”, Đàn Năng Long cho biết.
Để thỏa mãn thú ăn chơi ít ai sánh được, Bảo Đại cho người xây dựng khu dinh thự nghỉ dưỡng trên đỉnh núi nhìn ra hồ Lắk. Đây là vị trí đẹp nhất có thể quan sát buôn Jun, buôn Liên rộng lớn, hay thưởng lãm lễ diễu hành voi hoành tráng do những nài voi tài ba nhất Tây Nguyên thực hiện.
“Sau khi chính quyền của ông vua ăn chơi này bị xóa bỏ, đàn voi hùng mạnh của buôn Liên khi đó được chuyển giao cho chính quyền mới, phân nhỏ về các buôn làng và phần lớn được thả lại vào rừng. Đấy là thời kỳ mà rừng Lắk còn rộng mênh mông, môi sinh chưa bị tàn phá, những đàn voi rừng chiều chiều ra hồ Lắk uống nước, trông xa tựa như những hạt đỗ khổng lồ ai đó chụm lại một góc…”, Đàn Năng Long tiếc nuối.
Những dấu tích của cánh đồng voi còn lại không nhiều. Trong dinh thự nghỉ dưỡng của Vua Bảo Đại tọa lạc trên đỉnh đồi, bây giờ đã trở thành một điểm tham quan du lịch của huyện Lắk, vẫn còn lưu giữ những bức ảnh đen trắng chụp những buổi săn voi của Vua Bảo Đại, hay những cuộc diễu hành voi hoành tráng tưởng như rung chuyển cả đại ngàn.
Hẳn nhiên, khu dinh thự phải được các thầy địa lý của Vua Bảo Đại lựa chọn những vị trí đẹp nhất. Nó là điểm cao nhất của thủ phủ huyện Lắk. Đứng trên đỉnh đồi có thể quan sát bốn xung quanh. Bên dưới, hồ Lắk rộng mênh mông làm nối thêm những tầm nhìn.
Chính quyền sở tại đã chuyển đối nó thành một điểm du lịch. Ngôi biệt thự hai tầng xây dựng theo kiến trúc của Pháp, được làm bằng gỗ, nằm nép mình dưới những tán cây cổ thụ. Giữa một vùng không khí trong lành của núi rừng, nó là hiện thân của lối sống xa xỉ nhưng đầy tinh tế của những kẻ vương quyền.
Nước mắt voi rừng
Đàn Năng Long là người duy nhất ở Việt Nam hiện sở hữu bảy thớt voi đẹp đẽ nhất của buôn Jun, buôn Liên, đẹp nhất của huyện Lắk và cũng là đẹp nhất Tây Nguyên. Ước mơ của anh, đấy là bảo vệ những “người khổng lồ” của đại ngàn đang ngày càng giảm dần. Công việc Long đang làm cho người ta biết về anh, đó là người nặng lòng với những thớt voi rừng, nặng lòng với văn hóa truyền thống đang mai một, pha tạp dần, khi những cánh rừng nguyên sinh cứ bị đẩy lùi và biến mất, nhường chỗ cho những ngôi nhà, những công trình của cuộc sống hiện đại.
Điều khiến Đàn Năng Long lo lắng nhất bây giờ, đó là sự cạn kiệt về số lượng và chất lượng của đàn voi nhà. “Số lượng voi nhà giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và không có cơ hội tăng về số lượng. Chính sách của Nhà nước cấm săn bắt voi rừng trong những năm gần đây, và những đàn voi nhà không có khả năng sinh sản trong môi trường mất tự do như bây giờ khiến những thớt voi rừng hiện hữu trong đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên ngày càng giảm!”.
“Người ta nói tới văn hóa Tây Nguyên, thường chỉ nghĩ về văn hóa cồng chiêng… mà ít để ý rằng, đối với người Tây Nguyên, voi là một phần cuộc sống của họ. Từ voi, cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần của người dân tộc Tây Nguyên được hình thành, có cả những tín ngưỡng tâm linh gắn dấu với voi. Tây Nguyên sẽ hoang vắng hơn, nếu như một ngày nào đó không còn thấy bóng dáng những con vật khổng lồ, chậm rãi thủng thẳng dạo bước giữa những buôn làng….”, Đàn Năng Long xót xa.
Trong cuộc đời của một gru (thợ săn voi), Đàn Năng Long đã hai lần làm đám tang cho hai chú voi nhà. “Đấy không phải là đám tang một con vật, nó là lễ đưa tiễn một người thân về với đại ngàn của gia đình mình!”. Bởi một chú voi rừng tuổi thọ trung bình trên dưới 80 tuổi, tương đương với số năm sống của một con người. Một lý do khác, những người bạn khổng lồ ấy chung sống với con người ngần đấy năm trời, thân thiết như chính những thành viên trong gia đình.
Năm 2005, con voi Trút đầu đàn của gia đình Đàn Năng Long chết vì tuổi già. Khi đó, Trút vừa bước sang tuổi… 89. Một ngày mùa hè năm 2005, voi Trút vừa chở khách lội hồ Lắk sau một vòng đưa khách đi thăm buôn làng. Vừa lên tới bờ, con voi già đuối sức, bỗng rùng mình cảm lạnh, rồi hai chân trước khuỵu xuống. Trước khi đổ thân hình khổng lồ xuống mặt đất, nó chỉ biết rống lên thảm thiết.
Con voi già nằm im trên mặt đất. Dường như nó biết trước số mệnh của mình đã kiệt, nó chỉ nằm thở khó nhọc, nước mắt trào ra từ khóe mắt. Thuốc không cứu được Trút. Thầy cúng Gio Triêng (người Mơ-nông) được mời tới để cúng xin thần rừng ban sức khỏe và sự sống cho Trút. Lễ cúng đơn giản theo phong tục chỉ có cháo hoa ngay tại bãi đất trống của khu du lịch. Hơn một giờ đồng hồ sau, Trút ngừng thở.
Trong thời gian Trút nằm im bất động trên mặt đất, voi Bách Khăm (chú voi đực mới được làm lễ cưới với Trút hai năm trước đó) quỳ bên bạn tình cả tiếng đồng hồ. Tình yêu và bản năng mách bảo Bách Khăm, rằng bạn tình của nó không thể sống được, để tiếp tục cùng nó rong ruổi chở khách khắp buôn làng, hay cùng với nó lội hồ Lắk, vào rừng kéo gỗ như ngày xưa…
Hai năm sau, lại đến lượt con voi đực Bách Khăm bị động tình rơi xuống vực chết. Không phải nói cũng có thể hiểu được Đàn Năng Long buồn tới mức nào. Cả buôn Jun lại im lặng đưa xác voi Bách Khăm chôn cạnh mộ voi Trút. Đàn Năng Long buồn rầu: “Hai năm liền mất đi hai thớt voi đầu đàn, chưa nói tới sự thiệt hại cả một gia tài lớn, mà đấy là nỗi buồn của cả buôn. Người Tây Nguyên gắn bó với voi rừng từ thuở bé. Một thớt voi sống với người ngót một thế kỷ, chứng kiến bao nhiêu biến động trong cả gia đình. Nó không chỉ là con vật nuôi trong nhà, mà nó còn là một thành viên trong gia đình”.
Trong câu chuyện của anh, có cả sự thất vọng và bất lực về nạn săn bắt voi rừng vì mục đích kiếm tiền. Trước, một con voi chết, người ta để nguyên cả ngà đem chôn, và thường để cặp ngà voi nhô lên khỏi mặt đất, như là một cái bia mộ của chính con voi đó. Thế nhưng bây giờ, ngay đến bộ xương voi còn bị kẻ xấu tìm mọi cách để đào trộm, gia đình phải chặt giữ lại bộ ngà voi khi voi chết. Đấy cũng là biện pháp để kẻ xấu không đào trộm mộ voi.
Anh buồn rầu: “Voi Bách Khăm bị chết là do động đực. Rừng bị phá, những đàn voi rừng ngày càng bỏ chạy vào rừng sâu. Chính điều đó đã khiến những chú voi nhà mất bạn tình, làm tâm sinh lý của nó thay đổi. Bách Khăm chết trong một lần động tình. Nó lên cơn điên loạn, chạy bổ vào trong rừng sâu rồi ngã xuống vực chết. Ngày càng nhiều những con voi nhà hiếm hoi còn sót lại, phải chết vì những lý do không ai ngờ tới như thế”.
Để cứu đàn voi nhà hiếm hoi còn sót lại, Đàn Năng Long đã chủ động nhận chữa bệnh không công cho những chú voi ốm yếu. Dù voi ở bản xa cỡ nào, nếu gia đình biết tìm đến Long để nhờ anh chữa, anh cũng không nề hà. Tự tay Đàn Năng Long đã vực khỏe cho không dưới chục thớt voi nhà trong khắp buôn Jun, buôn Liên của vùng voi Lắk rộng lớn.
Chiều Tây Nguyên cũng hùng vĩ như chính tên gọi của đại ngàn. Mặt trời đỏ sẫm như một tảng than đượm lửa, chầm chậm rơi xuống lòng hồ Lắk rộng lớn. Ánh sáng rẻ quạt từ phía trời Tây hắt chéo khiến những ngôi nhà sàn gỗ, những nhà dài loang loáng như tráng bạc. Đại ngàn sắp sửa đi ngủ, để cất vào trong lòng những huyền thoại, về những cánh đồng voi rừng ngày nào. Có cả niềm trăn trở đau đáu của Đàn Năng Long, về những thớt voi rừng đang không bình yên, trong những “ngôi nhà” đang mỗi ngày một thu hẹp.
Theo Doanhnhansaigon