Vừa qua, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 đã kết thúc sau 10 ngày diễn ra tại Nhà hát Lam Sơn (TP. Thanh Hóa). Với sự tham gia của 11 đơn vị nghệ thuật và 16 vở diễn, cuối cùng Ban tổ chức đã chọn ra 2 vở để trao Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc cùng với 27 Huy chương Vàng và 49 Huy chương Bạc dành cho các cá nhân nghệ sĩ. Tuy vẫn “rộn ràng, náo nức” như bao lần, nhưng Liên hoan lần này cũng đọng lại nhiều trăn trở, ưu tư…
Buồn như… sân khấu Tuồng
2 vở xuất sắc nhất được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan là: “Chói rạng Sơn Hà” (Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định), “Nhân huệ vương Trần Khánh Dư” (Nhà hát Tuồng Việt Nam); 4 vở được trao Huy chương Bạc là: “Quan khiêng võng” (Nhà hát Tuồng Đào Tấn), “Trung thần” (Nhà hát Tuồng Việt Nam), “Hoạn lộ” (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) và “Cái Mẻ kho” (Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế).
Có thể thấy, những thành tích tốt nhất hầu hết vẫn thuộc về những tên tuổi “đàn anh đàn chị” trong nghề và cũng chủ yếu là những vở diễn nằm trong kế hoạch dàn dựng, biểu diễn hằng năm của các đơn vị nghệ thuật chứ cũng thật hiếm hoi mới có vở mới được dàn dựng để đi thi thố. Bởi với các bộ môn kịch hát truyền thống hiện nay, kinh phí là vấn đề nan giải vô cùng, bởi lẽ các vở được dựng xong hiếm khi bán được vé để “lấy thu bù chi”.
Khán giả gần như đều là khách mời, vậy mà vẫn còn thưa vắng chứ không như bộ môn chèo với cải lương, nhận được vé mời là nhiều người hào hứng muốn đi xem. “Buồn như sân khấu Tuồng” là một câu nói đầy ngậm ngùi xót xa của chính những người từng gắn bó cả đời với bộ môn này. Quả thực, nó chẳng khác nào một tiếng thở dài!
Có lẽ, với người làm nghề, những ngày diễn ra liên hoan chính là những ngày hội của họ, bởi lẽ, họ được gặp gỡ trao đổi với bạn nghề, gặp lại các thầy cô từng nâng niu rèn giũa mình, gặp các nhà nghiên cứu – phê bình, biên kịch, đạo diễn… Nhưng quả thật, những ngày vui ấy “ngắn chẳng tày gang”, họ sẽ phải nhanh chóng quay lại với thực tại, với chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền.
Bởi lẽ, có lẽ đã từ rất lâu rồi, hiếm hoi lắm mới có một vài nghệ sĩ, diễn viên tuồng sống được bằng nghề. Đa số họ phải có những nghề tay trái để nuôi nghề tay phải vì với đồng lương và phụ cấp còm cõi chỉ vài triệu đồng, việc nuôi sống bản thân còn phải tiết kiệm, huống hồ còn phải chăm lo cho con cái, gia đình. Và khi rời các cuộc liên hoan về, có thể không nói ra, nhưng nhiều người đều như thấm thía sự cô đơn, sự tủi thân trong tâm trạng làm nghề, bởi lẽ ở chính các cuộc liên hoan cũng chủ yếu là anh chị em nghệ sĩ các đoàn tự xem với nhau, còn khán giả thì rất thưa vắng…
Tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 lần này, đã có một số ý kiến của các thành viên Ban giám khảo như PGS. TS Trần Trí Trắc – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan, nhà văn Nguyễn Quang Vinh – thành viên Hội đồng nghệ thuật đã rất thẳng thắn khi chỉ ra rằng, sân khấu Tuồng và ca kịch đang rất cũ kỹ, tụt hậu ở mức… chạm đáy. Dường như 30 năm nay, sân khấu tuồng và ca kịch không có sự đổi mới nào đáng kể mà quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có những “bổn cũ soạn lại”, các trò, tích mới rất ít.
Đó còn chưa kể đến việc, ở một liên hoan quy mô chỉ có 16 vở diễn tham gia, thì có tới 6 vở của một tác giả và có tới 4 vở do một NSND dàn dựng, thì quả là điều khiến nhiều người vừa ngạc nhiên lại vừa thất vọng. Cứ nói là phải đi tìm, gây dựng những tên tuổi mới, xây dựng – truyền nghề – tin tưởng vào đội ngũ kế cận, nhưng trên thực tế, quanh đi quẩn lại giới làm nghệ thuật tuồng cũng chỉ có những tên tuổi quen thuộc ấy, thì không cũ kỹ, không nhàm chán mới là… chuyện lạ.
Cú hích nào để đổi mới?
NSND Hương Thơm (Nhà hát Tuồng Việt Nam) từng tâm sự với phóng viên rằng, từ nhiều năm nay, chị và gia đình sống được chủ yếu là nhờ vào nghề may và đính kim sa vào các bộ trang phục dành cho các giá hầu đồng. Còn NSND Ánh Dương cũng từng tâm sự anh đã đi hát hầu đồng từ mấy chục năm nay để chèo chống nuôi gia đình, dùng “nghề tay trái nuôi nghề tay phải”.
Đó là những nghệ sĩ có thâm niên, có tên tuổi và có chỗ đứng trong đoàn, còn với các bạn trẻ chân ướt chân ráo vào nghề hoặc mới ra trường, cuộc sống còn khó khăn hơn gấp bội, nhiều bạn có tài năng hẳn hoi, lại yêu nghề nhưng cũng phải từ bỏ, vì không thể trụ được trong bối cảnh lương thấp mà chi phí sinh hoạt ở Thủ đô lại đắt đỏ.
Vợ chồng nghệ sĩ Lộc Huyền – Mạnh Linh cùng làm việc ở một nhà hát với đồng lương eo hẹp, nhưng họ sống rất đầm ấm, hạnh phúc và yêu nghề, nhưng khi gặng hỏi chuyện mới biết, Huyền cũng là người đảm đang, lại căn cơ, khéo léo lắm mới duy trì được một gia đình như thế. Những lần trò chuyện với các nghệ sĩ sân khấu Tuồng, tôi vừa khâm phục lại vừa cảm thương họ.
Có những người đã dành cả đời mình gắn bó với Tuồng, có người đã bỏ nghề để kiếm nghề khác mưu sinh có thu nhập tốt hơn, nhưng vì nhớ nghề, yêu nghề mà lại quay về. Có lẽ, trong số các nghệ sĩ sân khấu kịch hát, thì nghệ sĩ Tuồng là nghèo nhất, kiếm tiền bằng nghề qua các hoạt động xã hội hóa, làm thêm cũng khó nhất.
Bởi vì, với chèo và cải lương, dù sao cũng có sự gần gũi hơn với đời sống nhân dân, công chúng vì thế vào các mùa lễ hội, nhiều nghệ sĩ cũng bận túi bụi. Họ cũng “đắt sô” hơn khi tham gia vào các chương trình lễ kỷ niệm “ngành này, tỉnh nọ, công ty kia” nên thu nhập cũng có phần tốt hơn nhiều so với nghệ sĩ ở bộ môn Tuồng. Đây chính là lý do từ vài năm trước, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có sự báo động về đội ngũ kế cận.
Theo đề án đào tạo đội ngũ kế cận của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, nhà hát đã mất rất nhiều thời gian, công sức đi chiêu mộ học viên từ các địa phương và đưa về nhà hát đào tạo kết hợp với Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, nhưng sau khi ra nghề, nhiều học viên đã phải bỏ nghề, không trụ lại được “thành danh” như các thầy cô, các bậc tiền bối của mình.
Thực trạng đáng buồn này của sân khấu Tuồng nói chung và ở Nhà hát Tuồng Việt Nam nói riêng tồn tại đến nay đã gần 20 năm mà chưa có biện pháp tháo gỡ. Gần đây, khi đề án sáp nhập các đơn vị nghệ thuật ở địa phương đang được các tỉnh “rục rịch”, thì tình hình còn bi quan hơn. Nhiều người nói rằng, có lẽ đây chính là thời điểm khiến các đơn vị kịch hát truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, bài chòi, ví giặm… sẽ bị xóa sổ. Và thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, thì nhiều đơn vị nghệ thuật ở địa phương chỉ còn lại cái tên, chứ từ lâu không có hoạt động dàn dựng, ra mắt và biểu diễn vở mới nữa, trừ những “kỳ cuộc” liên hoan, hội diễn đến “điểm danh”.
Câu hỏi đặt ra là, phải chăng khi sân khấu Tuồng và ca kịch đã “tụt hậu chạm đáy” theo như ý kiến của một chuyên gia, thì cũng cần có một “cú hích đổi mới”? Và “cú hích” mà một số người đang nghĩ tới, đó là nếu đơn vị nào hoạt động không hiệu quả, thì phải…”khai tử”. Nhưng còn giữ lại những đơn vị nào thì phải có chiến lược bài bản, có sự đầu tư kinh phí, chính sách, chiến lược đào tạo con người, đào tạo nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, biên kịch, đạo diễn… theo kiểu “tuy ít nhưng mà tinh” thì có lẽ bộ môn này mới có tương lai. Còn nếu để tình trạng như hiện nay, tất cả đều “sống dở chết dở”, khiến những người làm nghề cảm thấy bi quan và xót xa hơn bao giờ hết.
Người viết bài này vốn là người rất yêu sân khấu, trân trọng những cống hiến và hi sinh của người nghệ sĩ cho nghệ thuật sân khấu nước nhà. Chính vì thế mới cảm thấy xót xa bởi vì họ là những người cũng tha thiết muốn đổi mới, muốn làm mới chính mình lắm nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Và họ cứ mãi ở trong cái vòng luẩn quẩn ấy.
Có lẽ, đã đến lúc (nếu không muốn nói là đã hơi muộn), Nhà nước, các cơ quan chủ quản cần có những quy hoạch, chiến lược sách lược rõ ràng để bảo tồn được bộ môn nghệ thuật Tuồng truyền thống của dân tộc chứ không thể để nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật “sống dở chết dở” như bao nhiêu năm qua. Khi lấy mục đích “bảo tồn” làm chủ đạo, chắc hẳn sẽ có cách thức khác, biện pháp khác để bảo vệ mục đích ấy!
Theo VNCA