Từ một người hoàn toàn “mù tịt” về tiếng Anh, Nguyễn Mai Lâm (38 tuổi, quê Bắc Giang) đã trở thành người truyền cảm hứng và dạy tiếng Anh cho giới trẻ; là người “đưa đò” cho học trò của mình trở thành “công dân toàn cầu”. Chưa hết, Mai Lâm còn viết tiếp ước mơ cho trẻ em nghèo ở châu Phi có nơi ăn, chốn ở và tiếp tục đến trường…
Nguyên lý 300
Nhiều người sẽ “mắt chữ O, mồm chữ A” khi biết thầy giáo tiếng Anh Mai Lâm trước đây “một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết”. Nhấp ngụm cà phê, anh hóm hỉnh: “Không chỉ dốt tiếng Anh, mà hầu như các môn học tôi đều ở mức “thường thường bậc trung”. Thế nên thi đại học rớt ngay tắp lự. Ở nhà sợ cha mẹ bắt lấy vợ, đúng lúc đó có giấy báo nhập ngũ, tôi đăng ký luôn”.
Sau khi được chuyển vào TPHCM thực hiện nghĩa vụ, Lâm quyết chí thay đổi cuộc đời bằng việc ôn thi đại học. “Người ta giỏi học 10 nhớ 7, mình học dở, mất gốc, nhà nghèo … Học 10 nhớ 3, vậy phải học 30 để được nhớ 9 – Học bằng 300% sức lực so với người thường” – anh nhớ lại. Suốt 4 tháng “cày” ngày đêm, năm 2001, anh Lâm đậu thủ khoa ngành triết học của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.
Tốt nghiệp đại học và trở thành giảng viên, anh vẫn khao khát được tiếp tục học lên cao học. Trớ trêu thay, 4 lần đăng ký thi cao học đều rớt chỉ vì môn tiếng Anh. “Tôi ức lắm và tự hỏi, sao có người biết 3-4 ngoại ngữ, còn mình một ngoại ngữ cũng không xong?”- anh kể và quyết áp dụng lại “Nguyên lý 300” để chinh phục môn tiếng Anh khó nhằn.
Lâm bảo, anh bỏ tiền đi học tiếng Anh khắp các trung tâm ngoại ngữ, vậy mà kết quả thu lại vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Anh quyết định tìm thầy dạy riêng “1 kèm 1”. Thầy giao 1 thì làm 3, giao học 15 từ vựng thì học 45 từ. Kết thúc mỗi buổi học thì hỏi nội dung bài ngày mai, ngày kia để chuẩn bị xem trước. Chưa đầy 3 tháng, Lâm đã nắm lại tất cả kiến thức căn bản. Vẫn chưa tự tin trong giao tiếp, anh tiếp tục thuê riêng người nước ngoài kèm riêng cho mình.
Ngoài ra, anh lên kế hoạch “săn Tây” trau dồi thêm. Anh nhớ lại: “Tôi biết được khu Bùi Viện, Đề Thám (Q.1) có nhiều du khách Tây. Đây chính là thiên đường luyện tiếng Anh miễn phí. Tôi có một quyết định táo bạo là phải “túm” được một người sinh sống và làm việc tại Việt Nam để dạy chuyên sâu cho mình. Tình cờ, tôi quen anh chàng người Singapore đang thuê trọ ở Q. Gò Vấp.
Để kết thân, tôi liền đem chiếc xe máy mới mua đưa anh ta và bảo “Muốn đi đâu thì cứ lấy mà đi”, lại còn bao ăn uống khắp nơi. Người bạn khá “sốc” vì có một người Việt Nam “dám” chơi ngông đến vậy. Thế rồi người bạn này đem câu chuyện của tôi kể với nhiều bạn bè ngoại quốc khác, có cơ hội là họ đến tìm tôi để xem tôi có bị thần kinh không? Cũng từ đây, tôi “bỗng dưng” có quá trời bạn nước ngoài, tha hồ kết giao và thực hành tiếng Anh miễn phí. Tôi nhận ra, không có gì là không thể, nếu quyết tâm thì sẽ có được thành công”.
Giờ, không chỉ giỏi tiếng Anh, Mai Lâm còn trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh theo phương pháp và con đường mình đã từng đi đó là “xóa hết – làm lại từ đầu, yêu lại từ đầu với tiếng Anh”, và mở được trường ngoại ngữ mang tên mình.
Giấc mơ châu Phi
Câu chuyện gián đoạn khi ánh mắt thầy giáo trẻ bỗng trở nên xa xăm. Anh bảo: “Ngoại ngữ không chỉ là chìa khóa để tôi chinh phục ước mơ trên con đường kiến thức, mà đó còn là cánh cửa đưa tôi đến một phương trời xa hơn – nơi mà tôi chưa từng nghĩ tới là giúp đỡ trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi trên thế giới”.
Đó là câu chuyện về hoàn cảnh thiếu thốn của những trẻ em ở đất nước Kenya, đặc biệt tại ngôi làng Matere nơi anh vừa đi qua cách đây vài tháng. Nhà làm bằng đất tường mềm như bún, ăn trên đất, ngủ trên đất, thiếu nước sạch nên chúng bị bệnh ngoài da và mắt. Bữa cơm không có thịt, mì gói là thứ cao cấp và nước sạch thì quý như sữa – anh viết trên trang cá nhân.
Kể lại chuyến đi đến Kenya cùng tổ chức The Green Lion (một đơn vị chuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện viên quốc tế toàn cầu), Mai Lâm tâm sự, anh đã chọn châu Phi là nơi làm tình nguyện bởi nơi đây có nhiều vùng đất “tận cùng của đau khổ, chiến tranh, bệnh tật và đói nghèo”.
Hơn 1 tuần cùng sống, cùng ở với người dân, Lâm bảo, anh chưa thấy nơi nào trên thế giới mà anh đã đi qua gây ám ảnh nhiều như ở Kenya. Nhiều người lớn lẫn trẻ con đang khốn khổ vì đói, bệnh tật triền miên. Cuộc sống các em toàn là những chữ “không”: không y tế, không đến trường, không thức ăn đầy đủ, không điện, không nước sạch…
Cầm lòng không đặng trước hoàn cảnh của 11 đứa trẻ là anh chị em ruột không có cha, mẹ bị điên, đang sống bám vào căn nhà vách đất của ông bà ngoại, anh Lâm đã thao thức chia sẻ những hình ảnh và dòng chữ đầu tiên trên facebook về đất nước Kenya và các trẻ em nơi đó, với mong muốn kêu gọi bạn bè ở Việt Nam cùng giúp sức xây một ngôi nhà mới, đưa các em đi chữa bệnh.
Anh nhẩm tính một ngôi nhà hoàn chỉnh cần 45 triệu đồng, nếu được bạn bè hỗ trợ khoảng 50%, anh sẽ bù thêm tiền để xây nhà mới cho bọn trẻ. Bất ngờ sau 1 tuần, số tiền ủng hộ hơn 100 triệu đồng. Vậy là, ngôi nhà nhỏ cho các em đã nhanh chóng được hoàn thành.
“Các em bước vào căn nhà mới mà ánh mắt đứa nào cũng lạ lẫm, vui sướng. Tôi nhớ mãi hình ảnh các bé khi được một bữa ăn nhỏ có mì tôm trứng, dưa hấu, bánh kẹo. Tụi nhỏ ăn lấy ăn để, dường như tất cả điều đó là lần đầu tiên và xa xỉ với các em. Ông Kanyui Wainaina (61 tuổi, ông ngoại của các bé) nắm tay tôi khóc và cảm ơn, bảo rằng ông đã có thể yên tâm nhắm mắt” – anh bồi hồi. Ngoài xây nhà, anh Lâm còn đưa 8 đứa trẻ trong số 11 em đến bệnh viện chữa bệnh, mua đồng phục và giúp bé lớn nhất quay trở lại trường học.
Trong những ngày trên đất Kenya, anh Lâm còn giúp thêm 6 trẻ em ở những gia đình khác đã bỏ học được quay lại trường, tặng xe lăn cho người khuyết tật, thăm và tặng quà cho trại trẻ mồ côi…
Muốn học trò thành “Công dân toàn cầu”
Người bạn đồng hành cùng Mai Lâm trong những dự án giúp đỡ những nơi khó khăn trên thế giới là nhạc sĩ rocker người Mỹ Albert Andrews. Albert có mẹ là người Việt. Mới đây, Albert quyết định chọn Việt Nam làm nơi định cư: “Tôi đã đi và giúp đỡ nhiều nơi trên thế giới, nhưng khi đến Việt Nam du lịch, tôi đã muốn được ở lại đất nước này. Nếu ở Mỹ, kết thúc việc ở công ty thì không biết làm gì khác; nhưng ở Việt Nam, tôi có thể dạy tiếng Anh, giúp người cần giúp và còn làm được nhiều việc ý nghĩa khác”.
Năm 2018, Mai Lâm và Albert Andrews đã đưa 8 học trò tham gia chương trình tình nguyện viên quốc tế tại Singburi (Thái Lan). Trong hành trình một tuần, thầy trò đã xây nhà cho người dân nghèo, dạy học cho trẻ em, giao lưu văn hóa… Anh Lâm tâm sự, rất mong muốn sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội thực hành tiếng Anh, học hỏi văn hóa và chia sẻ yêu thương, đặc biệt cũng có thể trở thành tình nguyện viên, công dân toàn cầu.
“Có người hỏi tôi vì sao chọn đến những nơi nguy hiểm như châu Phi, không sợ chết hay sao? Nhưng tôi nghĩ, nếu mình không đi, thì những bài học của mình về “công dân toàn cầu” chỉ là lý thuyết. Tôi muốn học trò của mình phải trở thành “công dân toàn cầu”, và tôi phải là người “mở đường” trước tiên” – anh Lâm bộc bạch.
Theo Tienphong