Không chỉ con cháu lãnh đạo và gia đình giàu có, mà theo tìm hiểu của phóng viên còn có cả thí sinh thuộc gia đình hoàn cảnh khó khăn cũng được nâng điểm.
Theo báo Lao Động, khi xác minh thông tin từ một số phụ huynh có con nằm trong danh sách được nâng điểm ở Sơn La thì có người lên tiếng khẳng định gia đình chỉ là nông dân bình thường, không thể quen biết ai để “nhờ cậy”.
Trong đó có phụ huynh của thí sinh L.T.T (ở Mai Sơn). Sau chấm thẩm định, T có hai môn Toán và Ngoại ngữ bị giảm điểm (Toán từ 9,6 xuống còn 6,4; Ngoại ngữ từ 9,6 giảm xuống còn 5,2). Thí sinh này được nâng 7,6 điểm.
‘Ngày thi xong hỏi cháu cháu bảo làm được bài. Rồi sau này có thông báo điểm, giấy báo đỗ đại học thì tôi cho cháu đi học thôi”, ông K – bố của thí sinh này nói và cho biết gia đình chưa nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc con mình bị giảm điểm sau chấm thẩm định.
“Nhà tôi đều là nông dân bình thường, hằng ngày buôn bán thêm gà, lợn ngoài chợ, thu nhập chỉ đủ sống, làm gì quen biết ai”, ông K. nói. “Cháu T nhà tôi học giỏi từ nhỏ. Từ cấp 1 đến cấp 2 đều được học sinh giỏi. Lên cấp 3, chỉ thiếu một tí là được học sinh giỏi rồi”.
Cũng theo tìm hiểu của Lao Động, thí sinh được nâng tới 18,7 điểm hoàn cảnh gia đình bình thường, mẹ của thí sinh này làm nghề trồng rừng, bố là lái xe ở địa phương. Nhiều người cho rằng, mẹ của thí sinh này là chị em ruột với một chuyên viên ở Sở GD&ĐT Sơn La (người đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ án nâng sửa điểm thi). Nhưng phụ huynh này đã từ chối trả lời về thông tin này.
3 Phó Chủ tịch huyện, thành phố Sơn La có con được nâng điểm
Theo VOV, trong danh sách 44 thí sinh gian lận có con của Phó chủ tịch UBND huyện và hai Phó chủ tịch UBND thành phố của tỉnh Sơn La.
Trong đó thí sinh nam được nâng điểm và đã trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân. Thí sinh này dùng tổ hợp C03 (Toán, Văn, Sử) để xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân với tổng điểm 27,6 điểm. Tuy nhiên, khi trả về điểm thực, thì tổng điểm của thí sinh này chỉ còn 15,45 điểm. Số điểm được nâng là 12,15 điểm.
Thí sinh thứ hai cũng là con gái của một Phó chủ tịch UBND thành phố. Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, thí sinh này được nâng 4,45 điểm.
Thí sinh thứ 3 là con gái của Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai. Thí sinh này có điểm thi Toán và Ngoại ngữ lần lượt là 9,8 và 9,8. Tuy nhiên, sau khi qua chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, điểm thực bài thi giảm xuống còn 5,8 điểm ở môn Toán và 2,8 điểm ở môn Ngoại ngữ. Thí sinh này đang theo học tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Nhiều thí sinh là con em cán bộ công tác ngành giáo dục
Trong danh sách 44 thí sinh “dính” gian lận điểm thi cũng có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La.
Đáng chú ý, trong số này có con một phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo đương nhiệm, con chánh thanh tra sở, con trưởng phòng giáo dục trung học, con một số chuyên viên của Sở GD&ĐT, con hiệu trưởng, con giáo viên một số trường THPT trên địa bàn.
Nhiều thí sinh là con em cán bộ ngành thuế, kinh doanh, công an
Theo kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT sau khi có yêu cầu của cơ quan điều tra, N.D.A được sửa nâng lên tới 12 điểm. Được biết, bố nam sinh này làm ở ngành thuế của tỉnh Sơn La. Học sinh này đã rời trường thuộc khối ngành an ninh để về địa phương.
Theo thông tin của Tiền phong, một thí sinh khác của Sơn La cũng được nâng điểm trong số 44 thí sinh là N.T.H. Thí sinh này đã được sửa nâng điểm tổng cộng tới 17,75 điểm. Bố mẹ của H được biết là đều làm trong ngành công an.
Tuổi trẻ cho biết, thí sinh được sửa điểm nhiều nhất trong danh sách giạn lận ở Sơn La là N.A.T., vốn là con một gia đình buôn bán lớn tại TP Sơn La. Em này có điểm thi THPT quốc gia 2018 ba môn Toán, Lý, Ngoại ngữ lần lượt là 9 – 9 – 9. Nhưng kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cho thấy điểm số thực ba môn của N.A.T. lần lượt là 0 – 0,25 – 0,2. Tổng điểm ở cả ba môn này đã được sửa nâng lên tới 26,55 điểm.
Điều đáng chú ý, chỉ tính riêng thị trấn Hát Lót, của huyện miền núi Mai Sơn có tới 9 thí sinh nằm trong tốp 100 có điểm cao nhất toàn tỉnh. Đây cũng là các thí sinh trong danh sách nâng điểm kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Các em đều là con một số cán bộ ở Hạt kiểm lâm huyện và Chi cục thuế huyện Mai Sơn, con em một số gia đình kinh doanh tự do ở huyện này. Đây là nơi ông Trần Xuân Yến (đối tượng đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ án nâng điểm, sửa bài thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La) từng công tác. Trước khi chuyển lên Sở GD&ĐT Sơn La và giữ vị trí Phó Giám đốc Sở, ông Yến là Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Sơn.
Nhiều trường đuổi học học sinh gian lận
Đến thời điểm này, nhiều đại học lớn ở Hà Nội đã buộc thôi học các thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La có điểm thi gian lận. Mới đây nhất Đại học Y Hà Nội đã cho thôi học ba sinh viên học Y đa khoa, trong đó có 2 sinh viên đến từ Sơn La và 1 sinh viên đến từ Hòa Bình.
Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đuổi 2 trong tổng 5 học sinh gian lận thi. Còn Đại học Thương mại, có một thí sinh có điểm trúng tuyển vào trường nhưng kết quả thẩm định lại bị hạ điểm. Tuy nhiên trước khi nhà trường nhận danh sách này, thí sinh đã làm đơn xin thôi học.
Hồi đầu tháng này, Bộ bàn giao 28 sinh viên liên quan gian lận thi THPT quốc gia 2018 về các đơn vị sơ tuyển tại Hòa Bình để xử lý theo quy định. Kết quả xác minh cho thấy Học viện Cảnh sát Nhân dân có 17 thí sinh được nâng điểm trúng tuyển vào trường năm 2018. Con số này của Học viện An ninh Nhân dân là 9. Đại học Phòng cháy Chữa cháy có hai thí sinh được nâng điểm trúng tuyển vào trường.
Ba người còn lại là Lò Văn Huynh (Phó trưởng phòng Khảo thí, ủy viên Ban Chỉ đạo, Ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký); Nguyễn Thanh Nhàn (42 tuổi, Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La); ông Định Hải Sơn, ông Đỗ Khắc Hưng (Cán bộ phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lạng Sơn).
Tổng hợp