Người Sài Gòn uống trà

8:44 | 10/04/2019

Việt Nam là xứ sở của cây trà, lại có địa hình địa lý trải dài từ Bắc xuống Nam, nên khí hậu mỗi vùng mỗi khác. Miền Bắc có bốn mùa rõ rệt. Xuân uống trà trong mưa phùn mát mẻ. Thu uống trà ngắm lá vàng rơi. Đông uống trà để tận hưởng sự ấm áp trong mưa dầm, gió bấc.


Miền Trung mưa thật ít, nhưng mỗi lần mưa có khi kéo dài cả tháng. Trời hành lụt lội, giá rét thì uống trà tất có cái thú riêng của nó. Một đọi trà xanh ngát long lanh bọt trắng, uống từng hớp lớn khiến ấm cả cõi lòng. Một chén trà nhỏ xíu, mong manh trên ngón tay cũng khiến không gian tĩnh mịch, cổ kính trong ngôi nhà Huế  trở nên thơ mộng êm đềm.

Người Sài Gòn uống trà không cầu kỳ nhưng tinh tế, không bày biện nhưng thật lòng. Uống trà mang lại niềm hạnh phúc đơn sơ, nhưng đầy bình an và tao nhã trong cõi tâm hồn.

Miền Nam bao la trời mây, sông nước, xanh ngát những cánh đồng dài bất tận chân trời, khí hậu ôn hòa, một năm hai mùa mưa nắng, rất ít khi bị thiên tai khắc nghiệt.

Chén trà của phương Nam cũng hào sảng như chính tâm tình những người đi mở cõi, đầu đội trời, chân đạp đất, vượt sông, phá rừng, dựng làng, lập đất… Chén trà ấy rót tràn, uống trong bát lớn, ly to, đựng trong bình tích, ủ trong trái dừa, thời trà lúc nghỉ buổi đồng trưa, khi xong ngày gặt, lúc đàn ca tài tử, hay đập lúa buổi chiều tà…

Khung cảnh một quán trà tại Sài Gòn. 

Sài Gòn vừa phồn hoa đô hội, vừa chân thật hiền hòa. Sài Gòn miệt Chợ Lớn uống trà theo kiểu Tàu. Người Hoa ở đây ngày thường đa phần uống trà Phổ Nhĩ, một loại trà đen truyền thống của Trung Hoa. Trà Phổ Nhĩ  ngâm trong ấm sứ, được phổ ky mang lên sau khi dọn tỉm sấm (điểm tâm) ra.

Các thương nhân người Quảng, người Tiều, người Hẹ… hẹn hò nhau ăn sáng mấy món xíu mại, vằn thắn, hủ tiếu mì… bao giờ cũng ngồi lại uống thêm vài ly trà Phổ Nhĩ rót ra ly thủy tinh – loại ly ngày trước mấy quán cà phê vợt bình dân dùng để bán cà phê đen, hay loại ly thủy tinh nhỏ hơn một chút có in hình con rồng màu đỏ thường dùng trong các bàn chờ ăn tiệc, ăn giỗ ở miền Nam.

Người Hoa thượng lưu và trung lưu ở Sài Gòn vẫn giữ nếp truyền thống uống trà Tàu quý phái, cầu kỳ. Trà phải là trà Thiết Quan Âm Kỳ Chưởng, hay Ô Tòng chánh hiệu Phước Kiến. Trà được pha trong các ấm tử sa quý báu, được cha, ông họ – những người Minh Hương sang Việt Nam từ những thế kỷ trước để lại. Có gia đình còn giữ lại vài cái ấm cực kỳ hiếm như Thái Đức gan gà, Lưu Bội, Mạnh Thần. Ấm của trăm năm trước, trà của trăm năm sau, hình như vẫn vẹn nguyên niềm ngậm ngùi xa xứ!

Nhìn lịch sử uống trà của người Sài Gòn, cứ ngỡ chỉ có miệt Chợ Lớn mới có nhiều người uống trà, nhưng thật ra có những bất ngờ tuyệt diệu. Cách đây hơn chín thập niên, có một gia đình Triều Châu đã thuê căn nhà số 13 Rue Schroeder của chú Hỏa, tức 13 Phan Châu Trinh bây giờ để bán trà, bánh và rượu. Tiệm trà ấy vô cùng nổi tiếng với danh trà Ô Tòng và Thiết Quan Âm Kỳ Chưởng, chỉ dành cho giới thượng lưu, quý tộc Hoa kiều và các điền chủ, quan quyền ở Nam kỳ lục tỉnh.

Cứ ngỡ gần một trăm năm vật đổi sao dời, ruộng dâu hóa biển. Ai ngờ, năm 2018 tiệm trà ấy vẫn còn! Chủ nhân đời thứ ba vẫn ngồi đó tự thân nhâm nhi ly trà Ô Tòng trứ danh do con cháu gửi từ Hồng Công về, bàn ghế xưa vẫn đó, bảng hiệu cũ vẫn còn… nhưng tất cả đều phủ bụi thời gian, cũ kỹ, tàn phai… Người chủ ấy vẫn hàng ngày mở cửa tiệm, bán vài gói trà lài cho đỡ buồn, cũng có vài người khách Việt kiều về lại lần mò tìm ra quán cũ rồi chuyện vãn cùng ông chủ, mua vài lạng trà lài về uống cho đỡ nhớ Sài Gòn. Không biết hồn xưa giữ được đến bao giờ.

Người Sài Gòn xưa uống trà như thế và người Sài Gòn nay hầu như uống trà cũng chẳng khác nhau gì. Vẫn là giao thoa văn hóa giữa phương Đông với phương Tây, giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Sài Gòn tiệm trà xuất hiện nhiều hơn, hầu như chợ nào cũng có các tiệm trà lớn và đầy đủ các loại trà. Trà có đủ loại từ Đông Bắc, Tây Bắc cho đến trà các vùng châu thổ sông Hồng. Trà lài Quảng Nam, trà đen Phú Yên, cho đến trà B’Lao ướp hương, trà Ô Long cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng… và đặc biệt nhất nhưng giờ ít ai biết là người Sài Gòn vẫn còn uống trà trồng và sản xuất ngay sát cạnh Sài Gòn. Đó là Trà Phú Hội ở Nhơn Trạch, Đồng Nai.

“Nước Mạch Bà – Trà Phú Hội” danh tiếng trong ca dao Đồng Nai, hình như chỉ làm đủ cung cấp cho miệt Sài Gòn – Gia Định mà thôi. Sài Gòn quanh năm nắng và gió bụi, vội vã và rộn ràng nên chắc chắn những thời trà lễ, công phu sẽ rất ít khi được thực hiện, họa hoằn trong các buổi quan trọng như: Quan – Hôn – Tang – Tế hay các đám tiệc chạp, giỗ, kỵ hàng năm, hoặc trong các buổi thư nhàn trong một vài gia đình trung lưu còn giữ nguyên nếp cũ, lâu lâu tri âm, tri kỷ lại gặp nhau mời thời trà sáng, hay thưởng buổi trà chiều, hàn huyên tâm sự, nhắn nhủ riêng tư…

Người trẻ Sài Gòn ngày nay đa phần làm việc bên ngoài, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, cộng với người nước ngoài đến làm việc và ở lại Sài Gòn rất nhiều nên có một văn hóa trà hiện nay phát triển rất mạnh. Đó là trà tây hay còn gọi là trà chiều và trà sữa Đài Loan. Cuối ngày, ta đi một vòng quanh quận 1, dọc theo đường Nguyễn Huệ sẽ thấy không ít các quán trà theo kiểu này.

Nhưng Sài Gòn của hội tụ, của vội vã, của năng động không chỉ có từng ấy những kiểu trà xưa lơ xưa lắc, mà Sài Gòn còn có một đặc sản trà rất khác đó là trà đá. Trà đá không có gì là quê mùa hay kém văn minh, mà trà đá rất gần gũi, rất cộng đồng, rất nhân văn, vô cùng phù hợp với tính khẳng khái và hào hiệp của người Sài Gòn. Buổi trưa nắng oi bức, giờ cơm trưa chính là giờ nghỉ ngơi của giới công chức lẫn người lao động chân tay vất vả. Thì ly trà đá mát lạnh, thơm tho và đầy ắp, chính là cứu cánh nhiệm mầu mang lại sự sảng khoái, thoải mái cho những cái đầu và đôi tay mệt mỏi.

Có đôi khi trên đường bộ hành lỡ bước, những phận đời phiêu bạt dừng chân bên thùng trà đá miễn phí, uống một ly mát lạnh đến tâm can, mới thấy hết cái nghĩa tình phương Nam đáng để thương để nhớ trong lòng.

 

Theo SGGP

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình