Hoà chung cùng sự rộn ràng là bao nỗi lo toan của những người con xa xứ. Ai cũng muốn mang về cho gia đình những món quà mang nhiều ý nghĩa vật chất. Vậy nhưng, ít người còn hiểu được giá trị thật sự của ngày Tết truyền thống.
Những ngày tết đến xuân sang, khác với sự háo hức mong chờ của trẻ nhỏ lại là nỗi lo toan của người lớn. Không biết từ bao giờ cái Tết trở thành nỗi sợ thay vì niềm vui với nhiều người.
Ngày nay, mỗi khi tết đến, dân công sở nhiều người không còn lo ăn, lo chơi mà lo biếu xén ai, biếu cái gì, đưa bao nhiêu và đưa như thế nào… Các cặp vợ chồng cùng con cái vội vã trở về quê tha lôi quà cáp, mứt rượu, đồ đoàn hoà vào dòng người đông đúc những ngày cuối năm. Nhìn cả nhà về quê Tết ông bà, bố mẹ mà rũ rượi như đi tản cư, chạy loạn. Chỉ nghĩ thôi cũng khiến nhiều người sợ hãi.
Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, giá trị ngày Tết cũng thay đổi lúc nào không hay. Thật đáng buồn, khi những thế hệ kế cận giờ đây đã không còn biết được ý nghĩa của ngày Tết. Tết truyền thống giàu tình người chứ không phải vật chất, giàu văn hoá chứ không phải chỉ là hình thức.
Vậy Tết truyền thống là như thế nào?
Việc chuẩn bị Tết được bắt đầu ngay hôm sau ngày cúng thần bếp, ngày 23 tháng Chạp.
Hôm đó, Táo quân, thần trông coi đời sống của gia đình mà ngài che chở và giám sát, lên trời để tấu trình với Ngọc Hoàng về lối sống và cách hành xử của mọi người trong gia đình năm qua. Ở con sông gần nhất, người ta thả xuống những con cá chép dùng làm ngựa cho các thần bếp cưỡi trên chặng đường dài từ đất lên trời. Cuộc khởi hành của các thần bếp phát tín hiệu cho mọi người chuẩn bị Tết.
Phố phường trở nên nhộn nhịp và rất đẹp mắt với hình ảnh của những người bán hoa, tranh dân gian,… các ông đồ nghèo trong mười ngày trước Tết bán những câu đố, băng giấy đỏ, đôi khi rắc phấn vàng hay bạc trên một góc phố nhỏ.
Bên cạnh những câu đối, người ta còn dán lên cửa những mảnh giấy điều đơn giản hình chữ nhật và dán lên các cánh cửa hình vẽ các vị thần có bộ mặt hung dữ xua đuổi lũ ma quỷ tai ác hại người, những vị thần vẻ mặt hiền từ cầm hoa quả tượng trưng cho sự giàu có và vinh hiển, những tranh lợn hoặc tranh gà mẹ có vô số gà con xung quanh, mang đến cho gia đình điềm báo trước một sự phồn vinh hiếm có và đông con cháu.
Để chuẩn bị Tết, các gia đình kho mắm hay kho tương những nồi thức ăn truyền thống như cá, thịt bò, thịt lợn béo. Các bà, các mẹ muối hành hay dưa trước một tháng. Người ta gói những chiếc bánh chưng vuông vức theo hình quả đất được quan niệm là vuông, những chiếc bánh dày tượng trưng cho trời được quan niệm là tròn. Hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng ấm cúng luôn in đậm trong ký ức của những đứa trẻ.
Mọi sự chuẩn bị được kết thúc bằng việc dựng cây Nêu. Đây là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng để lại ở ngọn những cụm lá hay buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông nhỏ và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi.
Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đèn còn treo một cái đèn thắp ban đêm, trong nhiều nhà, người ta dùng vôi trắng vạch lên mặt đất, ở cổng vào, trong sân hay trên các mặt tường ngoài, hình những cây cung giương lên, chĩa mũi tên về mọi hướng. Bằng cách đó làm một hàng rào tên bắn thần kỳ ngăn ma quỷ tiến vào nhà.
Bên cạnh những cây cung này, người ta còn vẽ những bàn cờ, để nói với thế giới vô hình rằng đấy là nơi ở linh thiêng của các thần tiên.
Đâu đâu cũng có những người bán tranh dân gian có giá trị giáo dục cao, những bức tranh này diễn tả sinh hoạt thật là bận rộn của đồng ruộng, lớp học sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột, theo sau là phu nhân chuột ngồi trong kiệu, tay cầm quạt… Dù thế nào đi nữa, mỗi đứa trẻ cũng nhận được một bức tranh để dán lên vách nhà tranh bên cạnh giường nó nằm, hay xung quanh căn buồng học của chúng như một lời giáo huấn nhắc nhở đầy ý nghĩa.
Những đứa trẻ háo hức khi bố mẹ mua cho những quần áo đẹp chỉ để mặc trong những ngày Tết. Trẻ con các nhà nghèo chẳng có gì ăn Tết thì đi quyên từ nhà nọ sang nhà kia trong đêm cuối cùng của tháng Chạp trước giờ giao thừa.
Vào đêm cuối năm, mọi người thức sau bữa ăn tối để chờ năm cũ nhường chỗ cho năm mới. Bọn trẻ cũng không ngủ. Chúng chờ năm mới đến chỉ để xem người lớn đón các thần mới như thế nào.
Quá nửa đêm, người ta kê một cái bàn ở giữa sân cúng Thượng đế cùng Táo quân sắp từ trời trở về. Chủ nhà quỳ lạy trước bàn thờ này và cũng lạy cả bốn phương trời, để cầu xin ân huệ của tất cả các thần trên thế giới.
Bàn thờ tổ tiên cũng được thắp đèn sáng và kẹo bánh được dâng cúng giữa khói hương dày đặc.
Khoảnh khắc năm mới bắt đầu cũng là khi tất cả mọi người đến nhà họ hàng, bạn bè để chúc mừng năm mới.
Nhưng trước lúc đi chúc Tết các nơi, người con trưởng có tất cả các em theo sau, chúc Tết ông bà, cha mẹ. Và cha mẹ mừng tuổi cho mỗi con một số tiền nhỏ như lời chúc phúc.
Năm mới, mọi người tránh nói các điều gở và chúc nhau những điều tốt lành với mong ước mang đến những điều may mắn và hạnh phúc.
Tết truyền thống mang ý nghĩa của sự giao thoa giữa đất trời và con người, nơi những giá trị nhân văn, tín ngưỡng vào thần linh được thể hiện trọn vẹn. Tết là một món quà quý giá trong văn hoá Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi vùng miền sẽ có những phong tục khác nhau nhưng cùng hoà chung trong không khí Tết rộn ràng.
Tết đến
Là lúc gia đình sum vầy, quây quần bên nhau.
Là khi những người con xa quê trở về trong tình yêu thương và sự đầm ấm của gia đình.
Là khi các em nhỏ được mặc áo mới, hạnh phúc trong niềm hân hoan.
Là khi chúng ta xét lại bản thân một năm đã qua.
Là dịp để con người thể hiện sự biết ơn với đất trời và các vị Thần, cầu mong một năm mới an lành hạnh phúc.
Theo ĐKN