Ở Trung Quốc có năm vùng đất huyền bí vô cùng đáng sợ, gọi là “Cấm địa tử vong”. Tương tự tam giác Bermuda ở Châu Mỹ, khu vực này có nhiều chuyện lạ cho đến nay vẫn chưa thể giải thích được.
Thuận theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người ta đã giải thích được rất nhiều bí ẩn đằng sau những địa điểm cổ đại, huyền bí trên Trái Đất. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những địa điểm huyền bí khác mà ngay cả khoa học kỹ thuật ngày nay cũng chưa có cách nào lý giải được. Nhiều người dám bén mảng đến đây thường một đi không trở về. Những nơi này đều là những cấm địa chết chóc của nhân loại, gọi là “Cấm địa tử vong”.
Nhắc đến “Cấm địa tử vong”, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Tam giác Bermuda, còn gọi là Tam giác Quỷ, ở khu vực Trung Mỹ. Tam giác Bermuda, với những bí ẩn cho đến nay vẫn chưa có lời giải, đã trở thành một nơi vô cùng nổi tiếng trên toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc, một quốc gia có nền lịch sử lâu đời bậc nhất thế giới, và cũng là một nơi đại diện cho vẻ đẹp mỹ lệ của phương Đông, làm sao có thể tránh khỏi việc xuất hiện những câu chuyện kinh dị và đầy bí ẩn?
Dưới đây là danh sách năm “Cấm địa tử vong” huyền bí và đáng sợ nhất Trung Quốc.
Hồ “Mê Hồn” trên núi Ngõa Ốc
Vùng 30° vĩ độ Bắc là vĩ độ bí ẩn nhất trên thế giới. Vùng Tam giác Bermuda ở Trung Mỹ cũng nằm trong vĩ độ này. Điều mọi người có thể không ngờ tới là, ở Trung Quốc cũng có một nơi huyền bí nằm trên phạm vi của vĩ độ này, được gọi là “Tam giác Bermuda” trên đất liền.
Nơi này chính là hồ Mê Hồn trên núi Ngõa Ốc, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, tọa lạc tại vĩ độ vào khoảng 29 ° 32′-29 ° 34 ‘bắc. Khu vực này rộng hơn 1000 mẫu (0,6 km2), khắp nơi đều được bao phủ bởi cây cối rậm rạp chen chúc, nên không có đường đi. Có nhiều gò đất giống hệt nhau, vừa cao vừa rộng, nên rất khó phân biệt được từng địa điểm. Sau khi tiến vào vùng đất này, người ta thường bị mất phương hướng, la bàn không thể hoạt động, đồng hồ không chạy, đầu óc quay cuồng chóng mặt.
Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra xoay quanh các hiện tượng siêu nhiên xuất hiện trên hồ Mê Hồn, núi Ngõa Ốc. Một số người nói rằng đây là “Bát quái mê hồn trận” do Trương Lăng, người sáng lập giáo phái Ngũ Đấu Mễ Đạo trong Đạo giáo Trung Quốc thời Đông Hán, lập ra … Một số khác cho rằng đây là do ảnh hưởng của từ trường tự nhiên dưới lòng đất. Lại có người nói rằng đó là do chướng khí của các loại gỗ bị chôn vùi dưới lòng đất. Do sự huyền bí đáng sợ của Hồ Mê Hồn mà khi khai phá núi Ngõa Ốc, chính quyền địa phương đã phải phong tỏa Hồ Mê Hồ, quy định đây là một khu vực cấm, nhằm tránh trường hợp khách du lịch vô tình đi lạc vào đây.
Hồ Bà Dương, “Tam giác quỷ của phương Đông”
Theo ghi chép lịch sử, hồ Bà Dương là nơi diễn ra cuộc đại chiến giữa Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương (vị hoàng đế khai quốc vương triều nhà Minh) và Trần Hữu Lượng – một thủ lĩnh quân phiệt. Nhưng không nhiều người biết rằng, hồ Bà Dương còn nổi tiếng bởi nơi đây còn có một khu thủy vực “ma quỷ” được mệnh danh là “Bermuda của Trung Quốc”, hay còn gọi là “tam giác quỷ” hồ Bà Dương.
Hồ Bà Dương là hồ lớn thứ hai của Trung Quốc. và là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Ở phía bắc hồ Bà Dương có một ngôi đền, gọi là Đền lão gia.
Vùng nước gần ngôi đền này chính là “tam giác quỷ” của hồ.
Trong hơn nửa thế kỷ, hơn một trăm con tàu đã biến mất ở đây một cách kỳ lạ.
Một trong số đó phải kể đến là vụ đắm tàu Nhật Bản “Kobe Maru”, có sức chứa hơn 2000 tấn vào năm 1945. Không ai trên tàu còn sống sót. Sau đó Nhật Bản đã cử đến một đội trục vớt cứu hộ. Sau khi lặn xuống hồ, gần như tất cả bọn họ đều mất tích, chỉ có duy nhất một người trở lại. Người này đã lâm vào tình trạng khủng hoảng, và không lâu sau thì bị mất trí nhớ.
Thậm chí còn kỳ lạ hơn, khi một số tàu bè lai vãng tại vùng nước đền lão gia có thể lật úp mà không có sóng hoặc gió, như một trường hợp xảy ra vào năm 2010. Hôm đó trời nắng lặng gió, vậy mà một con tàu với tải trọng 1.000 tấn đã lật úp ngay trước mắt vị sư trụ trì đền.
Can Phạn Bồn, tỉnh Cát Lâm
Can Phạn Bồn thuộc tỉnh Cát Lâm, núi Trường Bạch, mạch giang nguyên, huyện Cảnh Nội, là một lưu vực rộng lớn, bao gồm nhiều lưu vực nhỏ liên kết lại với nhau. Can Phạn Bồn có tổng cộng 9.981 lưu vực. Điều huyền bí nằm ở chỗ, khi tiến vào khu vực Can Phạn Bồn, la bàn, kim chỉ nam đều sẽ mất tác dụng, người sử dụng sẽ bị lạc đường, mất phương hướng, vào được nhưng không ra được.
Bí ẩn ở Can Phạn Bồn cho đến ngày nay vẫn chưa có lời giải. Một số giả thuyết cho rằng nguyên nhân có thể do một hố thiên thạch được hình thành từ thời viễn cổ, bởi lẽ hầu hết các thiên thạch đều sinh từ trường. Nếu từ trưởng đủ mạnh, thì sẽ có khả năng vô hiệu hóa la bàn, kim chỉ nam, đồng thời tác động đến đồng hồ sinh học của cơ thể, khiến trí nhớ hỗn loạn, thậm chí lạc đường. Còn có người cho rằng nguyên nhân đằng sau tình trạng mất phương hướng nằm chính ở một thạch trận cổ quái ở Can Phạn Bồn. Tuy nhiên về sau người ta không tìm thấy thạch trận này nữa.
Trên quãng đường cao tốc Lan Tân dài 430 km có một đoạn đường bằng phẳng, rộng lớn. Theo lý thuyết, đoạn đường có địa hình như vậy thì thường sẽ ít xảy ra sự cố, tai nạn, nhưng trên thực tế đoạn đường này lại xảy ra tai nạn liên tục. Lấy ví dụ, một chiếc xe đang chạy bình thường, nhưng khi đến đọan đường này thì đột nhiên mất phanh tắt máy, giống trường hợp máy bay đột nhiên rơi xuống vùng biển tam giác Bermuda.
Những vụ tai nạn xe hủy, người chết huyền bí này mỗi năm phải xảy đến ít nhất mười mấy vụ, và cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân. Đường cao tốc Lan Tân dài 430 km ở Cam Túc đã trở thành một “tam giác quỷ” của Trung Quốc.
Có người cho rằng thiết kế của đọan đường này nhất định có vấn đề, nhưng đã qua mấy lần chỉnh sửa cũng không có tác dụng, tai nạn vẫn xảy ra. Sau đó, có người phát hiện, mỗi lần xảy ra tai nạn, xe đều lật về phía Bắc.
Theo đó, có người cho rằng bởi vì đoạn đường huyền bí này có một từ trường lớn, cho nên người và thiết bị điện tử trên xe đều bị ảnh hưởng. Chịu ảnh hưởng của từ trường, như trong trường hợp Can Phạn Bồn bên trên, tinh thần người lái sẽ trở nên mất cân bằng, đồng thời chiếc xe sẽ bị mất kiểm soát dưới lực hút từ trường, cuối cùng dẫn đến tai nạn xe hơi. Tuy nhiên lý luận này vẫn chưa được kiểm chứng.
Hồ Lop Nur
Hồ Lop Nur (hay còn gọi là La Bố Bạc) là một nhóm các hố, hồ muối nhỏ nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag thuộc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc. Đây từng là hồ nước mặn lớn thứ hai ở Trung Quốc, là một di tích lịch sử đầy huy hoàng bởi nó từng là một bộ phận của con đường tơ lụa và là nơi tọa lạc của thành cổ Lâu Lan, nhưng vì rất nhiều lý do mà ngày nay mà khu vực này chỉ còn là một vùng xác muối. Rất nhiều chuyện kỳ ảo không thể lý giải đã xảy ra ở đây.
La Bố Bạc còn được gọi là “Biển chết”. Khi nhà sư nổi tiếng Phương Đông Tây An đi qua đây, ông đã viết: ” trong Sa Hà có ngọn gió nóng bức của ác qủy, nếu gặp phải sẽ chết, không thể toàn vẹn…”.
Có rất nhiều người chết khi chỉ cách nguồn nước uống vài bước chân, thật sự khiến người khác khó mà hiểu được. La Bố Bạc hiện khô cằn đến nỗi ngay cả phi điểu cũng khó có thể bay. Nhiều năm về trước nhà sinh học nổi tiếng Bành Gia Mộc đã mất tích một cách li kỳ ở đây, càng khiến cho sự huyền bí của La Bố Bạc gia tăng đáng kể.
Một điểm đáng lưu ý là, La Bố Lạc chính là khu vực thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1964.
Ngày nay ba chữ “La Bố Bạc” đã không còn đơn thuần là tên của một vị trí địa lý, mà còn mang theo nó một màu sắc bí ẩn, huyền ảo.
Một nơi huyền bí như vậy luôn thu hút nhiều người đến khám phá nhưng đồng thời cũng khiến họ chùn bước e sợ, như thể nó đã là một vùng đất chết từ thời cổ đại. Bởi tiềm ẩn mối nguy hiểm quá lớn, nên nếu không phải là một đoàn thám hiểm chuyên nghiệp, có vốn hiểu biết kĩ càng thì không nên mạo hiểm tiến vào.
Theo ĐKN