Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

8:14 | 28/09/2024

Liên quan đến biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ (hay đốc phủ Võ Hà Thanh) đang được dư luận quan tâm, Sở Xây dựng Đồng Nai đã đề xuất 4 phương án bảo tồn căn biệt thự cổ ven sông Đồng Nai.

Nhà lầu ông Phủ

Ngày 27/9, sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo, ý kiến thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của ngôi biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ tại phường Bửu Long, Tp. Biên Hoà.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp triển khai tuyến đường ven sông Đồng Nai theo đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm các quy định của pháp luật.

Từ những cơ sở pháp lý, giá trị lịch sử và thực tiễn phân tích nêu trên, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND tỉnh cần có giải pháp để giữ lại công trình biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’.

Từ việc kiến nghị giữ lại công trình, Sở Xây dựng cũng đề xuất 4 phương án để giữ lại biệt thự cổ Võ Hà Thanh.

Phương án 1 di dời biệt thự cổ:
Với phương án này Nhà nước sẽ bỏ kinh phí thuê các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực để thực hiện di dời (qua tham khảo thành phố Huế năm 2022 đã di dời biệt thự cổ kiểu Pháp hơn 100 năm tuổi có diện tích 200m2, chi phí di dời khoảng 2,4 tỷ đồng).

Tuy nhiên, với phương án này, phần đất phía sau biệt thự cổ chỉ còn chiều sâu 6m. Do đó, phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của hộ dân phía sau (dự kiến phát sinh thêm 300m2 đất cần thu hồi thêm), chưa kể pháp lý để thực hiện giải tỏa diện tích này, còn cần đối chiếu quy hoạch, xác định dự án đầu tư để thu hồi đất.

Do vậy, thời gian sẽ kéo dài theo việc điều chỉnh quy hoạch thu hồi thêm đất. Việc di dời biệt thự cổ cũng ảnh hưởng thời gian di dời tuyến đường ven sông.

Phương án 2 nắn tuyến đường ven sông:
Theo Sở Xây dựng Đồng Nai phạm vi đường ven sông lấn vào biệt thự cổ 12,7m; phạm vi từ kè sông đến vỉa hè tuyến đường là 14,7m.

Như vậy, phạm vi còn lại từ mép kè đến mép hiên biệt thự cổ vẫn có đủ khoảng cách để nắn lại hướng tuyến, tránh được biệt thự cổ, nguyên tắc vẫn giữ lòng đường rộng 24m trên toàn tuyến. Với chiều dài đoạn chưa thi công 650m đủ bảo đảm nắn tuyến cong mềm, tránh được ngôi biệt thự không tạo thành khúc cua gắt, không thắt cổ chai.

Với phương án này sẽ giảm vỉa hè hai bên tuyến đường từ 5m xuống còn 4m, khi đó mép lộ giới đường ven sông sẽ sát tuyến đường đi bộ dọc sông và 2m phát sinh dư ra sẽ là khoảng lùi giữa mái hiên biệt thự cổ và đường ven sông.

Phạm vi chiều dài nắn tuyến khoảng 200m và phạm vi diện tích đất dôi dư do nắn tuyến ra phía ngoài bờ sông sẽ tổ chức làm đất công viên, bãi xe. Cũng theo phương án này không cần thu hồi thêm đất, chỉ cần điều chỉnh phương án thiết kế tuyến đường, lập và hồ sơ thiết kế.

Phương án 3 tạo vòng xuyến quảng trường bao quanh biệt thự cổ:
Dựa trên cơ sở phương án 2 đã nêu trên, quy hoạch lại cảnh quan tôn tạo biệt thự cổ thành quảng trường gốm sứ (với điều kiện nhà nước trưng dụng toàn bộ biệt thự cổ cải tạo thành bảo tàng gốm sứ).

Với phương án này, tuyến đường ven sông qua khu vực này sẽ hướng thành hai nhánh, tạo thành khuôn viên trung tâm làm bảo tàng gốm sứ. Trong đó, một nhánh dịch ra phía bờ sông Đồng Nai một nhánh vòng về phía phải ngôi biệt thự cổ. Sau đó, hai nhánh nhập lại vào vị trí tuyến đường ven sông theo thiết kế đã được duyệt, lộ giới của hai nhánh khoảng 17m cho mỗi nhánh. Chiều dài đoạn rẽ hai nhánh khoảng 220m. Phương án này vẫn còn 16m ven kè sông để tổ chức công viên cây xanh bổ trợ cho khu vực quảng trường.

Tuy nhiên, thực hiện theo phương án này cần thu hồi thêm 3.000m2 đất. Đồng thời, cần điều chỉnh phương án thiết kế tuyến đường, lập và trình duyệt hồ sơ điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh quy hoạch, phát sinh thủ tục thu hồi đất nên thời gian kéo dài hơn phương án 1 và 2.

Phương án 4 giao thông khác cote (độ cao) kết hợp đảo hoa viên bao quanh biệt thự cổ:
Với phương án này đoạn đường ven sông sẽ thiết kế khác cote với chiều dài lớn hơn 600 đến 700m, bề rộng cầu 24m, chiều cao thông thủy 11 đến 12m (chiều cao biệt thự khoảng 11m). Phía bờ sông vẫn bảo đảm bố trí công viên và hai đường dẫn rộng 7m tiếp cận đảo hoa viên. Tại vị trí cote 0.00 tổ chức đảo hoa viên, bố trí xung quanh biệt thự cổ hình thành bảo tàng gốm sứ.

Phương án này phát sinh thêm phần diện tích đất cần thu hồi, đồng thời chi phí phát sinh thêm khoảng 200 tỷ đồng phần cầu vượt và các công trình hạ tầng kỹ thuật (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng bổ sung khi phải thu hồi thêm đất làm đường song hành), cùng với đó cần điều chỉnh phương án thiết kế tuyến đường, lập và trình duyệt hồ sơ điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh quy hoạch, phát sinh thủ tục thu hồi đất nên kéo dài ít nhất 1,5 năm.

Trong 4 phương án trên, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh lựa chọn phương án 2. Bởi, có thể giữ lại ngôi biệt thự cổ và không ảnh hưởng nhiều tiến độ Dự án Đường ven sông Đồng Nai. Đồng thời, đây là phương án có thời gian hoàn thành sớm nhất, kinh phí phát sinh thấp nhất, không thu hồi thêm đất.

Phía sau biệt thự nhà lầu ông Phủ

BOX: Trong những ngày qua, các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương liên tục phản ánh về việc công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ” trăm năm tuổi ở TP Biên Hòa thuộc dự án Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) có nguy cơ bị tháo dỡ.

Đồng thời phản ánh nhiều ý kiến của các chuyên gia, kiến trúc sư, những người nghiên cứu lịch sử và người dân TP Biên Hòa, theo đó kiến nghị chính quyền cần tính toán có phương án bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử này.

Theo công văn, Đảng đoàn HĐND tỉnh đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Thường trực Thành ủy Biên Hòa lãnh đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu vấn đề trên để tính toán có phương án, giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, gắn với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững; xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa (vật thể và phi vật thể), cùng các giá trị văn hóa khác, tái hiện, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc Đồng Nai, phù hợp với xu thế thời đại.

Biệt thự cổ Võ Hà Thanh nằm bên bờ sông Đồng Nai đoạn qua phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. 

Công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ” trước đây của Đốc phủ Võ Hà Thanh được xây dựng năm 1924, ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ngôi biệt thự nằm ven sông Đồng Nai, với kiến trúc kiểu Pháp, có giá trị lịch sử, kiến trúc.

Thời gian qua, việc xây dựng tuyến đường ven sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Hóa An đến huyện Vĩnh Cửu khiến ngôi biệt thự cổ này có nguy cơ bị tháo dỡ. Hiện nay, tuyến đường đã được thi công đến sát ngôi biệt thự. Nếu thi công theo quy hoạch, phạm vi tuyến đường sẽ vào một nửa ngôi biệt thự hiện hữu, khi đó sẽ phải tháo dỡ.

Sống trong ngôi biệt thự cổ, bà Đặng Thị Linh Phương chia sẻ ngôi nhà do ông nội xây dựng vào năm 1924. Bà Phương chuyển vào sinh sống tại ngôi nhà này từ năm 1978 đến nay. Khi nghe thông tin giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường ven sông, gia đình tôi có nguyện vọng được giữ lại ngôi nhà.

Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai Trần Quang Toại đánh giá đây là ngôi biệt thự có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa, được xây dựng cùng thời với Tòa bố hành chính Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20. Toàn bộ vật liệu để xây dựng ngôi biệt thự được nhập từ Pháp. Ngôi biệt thự này từng được thuê làm phim trường để quay những bộ phim liên quan đến thời kỳ phong kiến, trong đó có phim Người đẹp Tây Đô được nhiều người biết đến.

Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong quy hoạch phát triển việc nắn lại tuyến đường hoàn toàn trong khả năng của cơ quan chức năng, không nhất thiết mọi con đường đều phải thẳng. Nếu giữ được ngôi biệt thự cổ này, chúng ta sẽ tạo ra được sự kết nối về văn hóa, lịch sử, du lịch sông Đồng Nai với trên bờ và giữa ngôi biệt thự này với các công trình cổ khác một cách bền chặt hơn.

Theo Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, có nhiều cách để chúng ta giữ lại ngôi biệt thự cổ này. Thứ nhất, có thể nhờ thần đèn di dời vào bên trong và dành quỹ đất biến thành điểm đến về văn hóa, du lịch. Thứ hai là nắn lại tuyến đường lấn ra sông Đồng Nai một chút xíu để giữ lại ngôi biệt thự cổ thì không có sao hết.

Chú thích ảnh: Ngôi biệt thự nằm ven sông Đồng Nai, với kiến trúc kiểu Phương Tây, có giá trị lịch sử, kiến trúc. Để xây dựng ngôi biệt thự này, 100% nguyên vật liệu được nhập từ Pháp vào đầu thế kỷ 20. Ngôi biệt thự này từng được thuê làm phim trường để quay những bộ phim liên quan đến thời kỳ phong kiến, trong đó có phim Người đẹp Tây Đô được nhiều người biết đến. 

Phan Hữu


Cùng chuyên mục

Đền Truông Bát Hà Tĩnh: Đìu hiu chờ ngày xử lý

Đền Truông Bát Hà Tĩnh: Đìu hiu chờ ngày xử lý

Mấy ý kiến về chọn mặt nạ tuồng (hát bội) tiêu biểu phục vụ quảng bá phát triển du lịch Bình Định

Mấy ý kiến về chọn mặt nạ tuồng (hát bội) tiêu biểu phục vụ quảng bá phát triển du lịch Bình Định

HÀ TĨNH: Sai phạm tại Di tích văn hóa Truông Bát – Trách nhiệm thuộc về ai?

HÀ TĨNH: Sai phạm tại Di tích văn hóa Truông Bát – Trách nhiệm thuộc về ai?

Hà Tĩnh: Tổ chức Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”

Hà Tĩnh: Tổ chức Triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát