Đi ngược lại thời gian Thành Chương khởi dụng Phủ Việt cũng đã non nửa thế kỉ. Ngày khởi đầu ấy, anh nhắn nhe vào chơi, nhưng những năm tám chín mươi đói kém, nhận lời bạn nhưng vẫn cắm đầu vào kiếm tiền, đâu có nghĩ đến thăm thú vui chơi.
Mấy năm trước đây lại om sòm chuyện đất rừng, có tiếng gào đòi xóa sổ Phủ Việt xâm phạm rừng phòng hộ. Trên mạng xã hội, lắm tiếng la lối các kiểu. Có lời bàn, chùa không ra chùa, đền miếu không ra đền miếu, bảo tàng không ra bảo tàng. Bàn thì chẳng tới, chê bai thì a dua bày đàn vừa vô trách nhiệm vừa đầy sự ghen ghét đố kị, rằng cách trưng bày không đầu cuối, rằng hiện vật thành một đống lộn xộn, trong đó có khối người chưa từng vào vẫn cắn hóng nhiệt thành. Tôi nghĩ đấy là do cách tiếp cận chưa đúng mà ra. Đó là chưa kể thói thường tiểu nhân không muốn người khác hơn mình hay thấy ở xứ ta. Lúc ấy tôi chưa tận mắt nên không thể có nhận xét gì, nhưng chỉ nghĩ lần đầu có người tạo dựng lên một không gian văn hóa đồng bằng Bắc bộ thì muốn ý kiến gì cũng phải xem cái đã. Vì chỉ riêng mấy chục năm trước, giữa lúc thiếu đói mà đã nghĩ đến tạo dựng một khu vườn văn hóa…Cách nghĩ đã đáng kính nể rồi.
Phải mãi cách đây ba năm, một người bạn đưa hai người Hàn quốc sang tìm hiểu văn hóa Việt Nam ghé thăm Phủ, anh ấy kéo tôi lên xe đi cùng, thế là tôi đã đến được Việt phủ Thành Chương. Cảm giác đầu tiên là giựt mình. Tôi không thể hiểu trong lúc còn đang công tác ở báo Văn Nghệ, Thành Chương làm thế nào mà nghĩ tạo ra một không gian Việt phủ như vậy.
Việt Phủ Thành Chương là tác phẩm nghệ thuật, là một bức tranh ông “vẽ” bằng cách xếp đặt hiện vât sưu tập ở khắp nơi về, từ viên gạch, hòn ngói, những hiện vật có giá trị trăm năm nghìn năm chứa trong đó. Một sáng tạo bừng cháy tinh thần Việt Nam, mà tôi nghĩ chắc cũng rất bất ngờ với chính ông ấy. Chắc khi làm ông không nghĩ đến điều ấy đâu. Con người khi làm những việc mà lòng đã quyết thì thấy bình thường chứ không rắc rối như người ngoài nhìn vào. Lần đầu đến phủ cách đây 3 năm, tôi đã ngờ ngợ nhưng lần quay lại này, tôi càng chắc chắn điều đó. Tôi chắc chắn đây là bức tranh to nhất, lạ nhất, so với tất cả những tranh mà Thành Chương đã thực hiện được trong đời. Bức tranh với hàng vạn chi tiết, từ nhà tranh vách đất, mái rạ chùa chiền, miếu đình đến thủy đình diễn rối, từ cày cuốc đến cái quạt thóc phất giấy đã nhạt trong kí ức của nhiều người, từ thạp gốm bề thế đến niêu đất hũ mắm chứa đựng cái nghèo đồng quê, chổi cùn rế rách, không còn mấy ai nghĩ tới, cho đến những tượng Hộ pháp, La Hán, nghê sấu bằng gỗ sơn, bằng sành đồ sộ, rồi án thư, lư hương, bát hương, vật tứ linh… Tất tần tật chẳng thiếu thứ gì… Những hiện vật tạo trên bức “tranh” này của Thành Chương có biên độ rất rộng. Khi vào “tranh” thì các chi tiết hiện vật sẽ tì dựa, quấn với nhau truyền cho ta một cảm xúc khác. Một cảm xúc sống động liên kết với nhau làm giàu phẩm chất nghệ thuật của hiện vật. Hiện vật sẽ có tiếng nói lớn hơn, và sâu sắc hơn khi đứng một mình, vì đó là lịch sử kết dính đang chuyển động, có nhịp sống cùng con người. Chiêm ngưỡng nó, người tham quan cũng đương nhiên trở thành nhân vật trong bức tranh của ông. Tôi nghĩ thế có quá lãng mạn không, nhưng rõ ràng khi đi qua những hiện vật đó, người xem cũng hóa thân mình vào một phần lịch sử, thấm dần giá trị văn hóa do từng hiện vật tỏa ra.
Cho đến hôm nay chính những cây cối trong tranh cũng ủng hộ ông, quấn, leo, chằng vào một số hiện vật cùng rêu phong đã làm cho mảnh đất đồi hoang sơ trở nên có thần khí. Từ mảnh đất hoang sơ như muôn trảng đồi trên đời, vì những hiện vật mà ông đem từ mọi nẻo đường về đây biến mảnh đất thành đặc biệt. Không phải đất vàng, đất kim cương của đám tỉ phú địa ốc, mà là đất quê hương, đất trầm hương chứa sinh khí quá khứ hòa vào hiện tại.Tôi cũng không hiểu sao ông làm nổi việc đó. Một công việc nếu là ép buộc thì đúng là trời hành mà chưa chắc thành cái gì. Nhưng ông đơn côi mải miết một mình vun đắp nó từng ngày trong thầm lặng để trở thành một tác phẩm vĩnh cửu!.
Đó là cách tiếp cận của tôi với Phủ Việt Thành Chương. Đây khẳng định đây là bức tranh lớn của đời ông mà ông thể hiện bằng một lối mới chẳng giống ai!
Tôi nhớ có lần ngồi trên vỉa hè Hà Nội cùng ông với Ngô Hương vợ ông, tôi hỏi: Ông có hồ sơ cho từng hiện vật không? Nghĩ ngợi một lúc ông lắc đầu : Không. Tôi bảo ông phải làm hồ sơ cho hiện vật đi. Ngô Hương cũng chen vào: Em cũng nghĩ thế. Nhưng ông không nói. Chắc ông nghĩ khác. Thực ra tôi hiểu nếu lang thang trong phủ với hàng vạn hiện vật, dù khuôn viên 8000 mét đồi rừng Sóc Sơn này thì đặt chân lên từng hiện vật ông sẽ nhớ ra ngay, là đã gọi nó từ đâu về. Ngày tháng có thể không , nhưng áng chừng thời điểm nào chắc ông không thể quên. Nhưng nếu là bảo tàng thì chắc chắn phải làm thế. Đó là lúc tôi nghĩ là ông làm Bảo tàng dân gian về đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng giờ thì tôi nhận ra mình nhầm. Rõ ràng không phải thế. Tinh thần sáng tạo của nghệ sĩ lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống đã cho ông ý tưởng này, mà ban đầu chắc ông còn lơ mơ, nhưng giờ thì rõ nét rồi. “Bức tranh quê hương” của ông hôm nay đã và đang hoàn thiện. Bây giờ thì giá trị của ngôi Việt phủ này sẽ không thể tính được. Nó sẽ lên sắc lên hương theo thời gian và thành một giá trị sáng tạo duy nhất của ông, một họa sĩ đã làm được cái việc mà nhà nước khó có thể làm, không ai dễ làm. Một phút lóe sáng cộng với ý chí nghị lực và cảm xúc mà thành quả là kì diệu. Ông đã thực hiện sứ mạng nghệ thuật mang dấu án cá nhân mạnh mẽ như trời đã giao phó để có sức làm nổi bức tranh quê hương lớn nhất đời ông…
Đi trong phủ Việt cảm nhận được linh khí trời đất quần tụ về đây. Khoảng đất nhỏ bên triền đồi Sóc Sơn nay đã thành vùng đất thiêng. Thế là Hà Nội có một bức tranh thiêng vào năm kỉ niệm 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô!
5/3/2024 – Đỗ Đức