Chính trị gia ngã ngựa, tướng tá sẩy chân, doanh nhân người thì vướng vòng lao lý, người thì tay trắng sau khi lên đỉnh cao, ngôi sao giải trí dính bê bối. Những người này có điểm chung gì? Họ đều là những người quyền lực, thành đạt, có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Và sau khi đạt đỉnh cao trong lĩnh vực của mình, họ đều trượt ngã vì lạm dụng quyền lực nghiêm trọng, dẫn đến kết quả là tự chôn vùi sự nghiệp của mình.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh được dẫn giải đến tòa
Tôi có hai người bạn, một là chính trị gia, một là doanh nhân. Ông anh chính trị gia đầy quyền thế, dưới vài người nhưng trên cả ngàn người. Anh là người rất tài trong công việc. Tôi cũng chưa bao giờ thấy anh kẻ cả với đàn em và bạn bè. Anh luôn sẵn sàng giúp và nâng đỡ họ bằng phong cách rất “đại ca”.
Đùng một cái, anh bị bắt. Anh bị lột hết chức tước và bổng lộc, rồi bị xử tù khá nặng. Lỗi của anh là đã cẩu thả trong một vài quyết định chính trị hồi anh còn đương nhiệm khiến đàn em lợi dụng và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngày anh bị xử tù, tôi không đủ can đảm đến thăm và dự phiên tòa. Tôi không nỡ nhìn thấy anh với chiếc còng số 8.
Anh bạn doanh nhân của tôi là “trùm” chứng khoán và bất động sản. Sau những vụ đánh quả trúng đậm, anh quyết tâm xây một đế chế. Vì có những mối quan hệ lớn nên kiếm dự án và vay tiền với anh rất dễ. Anh trở nên nổi tiếng và được tung hô như là một đại gia thành đạt. Anh như con thiêu thân, vay hàng ngàn tỷ, chi vô tội vạ, say sưa đầu tư bất chấp lời cảnh báo van nài của chúng tôi về sự rủi ro khủng khiếp của thị trường tài chính, bất động sản những năm ấy. Câu của miệng của anh thời đó luôn là: “Bọn mày làm sao biết hơn anh. Anh làm mãi rồi”.
Sản phẩm của công ty anh không được thị trường đón nhận. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 ập đến, ngân hàng xiết nợ công ty anh. Cuối cùng anh đóng cửa công ty, rút số vốn ít ỏi còn lại, sống đời an phận. Thương trường không còn vang danh anh nữa.
Tại sao những người đã leo đến đỉnh cao lại có thể chìm xuống vực sâu? Tại sao quyền lực lại dễ tha hoá?
Thứ nhất, kẻ có quyền dễ coi mình là “bất khả xâm phạm”. Đối với họ, luật lệ ít khi có giá trị, và họ có xu hướng hành động vượt ngoài khuôn khổ pháp luật thông thường. Khi trên đỉnh cao, họ càng dễ chủ quan, coi thường pháp luật. Trong khi đó, công chúng, công luận và đôi khi cả những người thực thi luật pháp nể nang và nương tay với người có quyền. Và do vậy, họ càng dễ lạm dụng quyền lực. Thế cho nên mới có những chính trị gia biết sai mười mươi mà vẫn ra những quyết định vô cùng “bậy”; mới có những ngôi sao giải trí coi mình như một thế lực nên áp đặt đàn em, quấy rối tình dục.
Thứ hai, kẻ trên đỉnh danh vọng thường nhanh chóng đạt được những điều mình muốn, vì thực sự họ cũng rất giỏi. Họ có nguy cơ hình thành ảo tưởng là muốn gì được nấy. Những đàn em xung quanh, vì ngưỡng mộ hay cả vì được lợi, dần dần sẽ mờ mắt và không nhận ra sự lạm quyền của kẻ có quyền. Những người đi theo cũng dần tự lừa dối chính mình, tin rằng người có quyền luôn có lý hay có thể tha thứ. Trong nhiều trường hợp, người hâm mộ, đàn em, nhân viên, lại đánh đồng sự “tha hoá quyền lực” với hành động “quyết đoán”, dám phá bỏ trật tự, chuẩn mực xã hội, và thậm chí tung hô những hành động như những hành động thể hiện bản lĩnh lãnh đạo. Việc tán tỉnh và quấy rối người dưới mình thì được coi là việc ban phát tình cảm. Những quyết định kinh doanh sai lầm cũng được đàn em nhắm mắt vì lợi ích đại ca ban cho lớn quá. Những hành vi nhân nhượng đó dần dần làm quyền lực không được kiểm soát, bị lạm dụng và tha hoá.
Thứ ba, người rất thành công có thể bị sa vào ảo tưởng “không thể sai lầm”. Khi họ quá thành công, họ nghĩ rằng mình luôn đúng. Nhưng thực ra, thành công trong quá khứ chưa bao giờ là tiên đoán tốt cho việc thành công trong tương lai. Thành công trong chính trị trước đây chưa chắc đã bảo đảm tương lai chính trị hiện tại. Điều hành một lĩnh vực kinh doanh giỏi không có nghĩa là cái gì anh cũng làm giỏi hết. Không có ai làm đúng mãi, sẽ có một lúc nào, vì quên trên chiến thắng mà họ mắc những sai lầm do ảo tưởng che mắt.
Kẻ có quyền càng lên cao càng có ít phản biện. Họ được vây quanh bởi đám đàn em luôn gắng làm vừa lòng “đại ca”. Dần dần, xung quanh “đại ca” chỉ còn những kẻ nịnh thần, không còn ai làm tấm gương soi, phản biện cho những quyết định sau này nữa. Vòng luẩn quẩn nguy hiểm sẽ là: Càng lên cao, quanh sếp chỉ toàn bọn nịnh thần, sẵn sàng tung hô và hợp lý hoá bất cứ hành động gì của sếp, kể cả những quyết định sai lầm về kinh doanh hay phạm pháp.
Và cuối cùng, bả quyền lực là thứ thuốc phiện kinh khủng nhất. Được cung phụng nhiều, bạn sẽ nghiện; được xưng tụng nhiều, bạn sẽ say. Cảm giác trở thành “giáo chủ”, “thần tượng” hay “lãnh tụ” là thứ doping tăng liều liên tục. Càng mê mẩn, người ta càng muốn làm những việc khó để thử thách mình, đẩy cấp độ lên cao hơn để thỏa mãn cơn nghiện mới.
Về mặt thể chế, tôi cho rằng cần phải xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực thật chặt chẽ để “quyền lực tuyệt đối” cũng không thể “tha hoá tuyệt đối” được. Trong một thể chế kiểm soát quyền lực tốt, kẻ lạm quyền sẽ bị trừng phạt thích đáng cho dù họ có ở vị trí cao thế nào đi chăng nữa.
Còn với từng cá nhân, để tránh “bả” quyền lực, cách đầu tiên, theo tôi, là phải tập nghe lời nói thẳng, khó nghe. Vua ngày xưa thường có “gián quan” – những người sẵn sàng chết để can vua không làm điều sai. Làm sếp thì cần có cộng sự giỏi, có chính kiến thay vì kẻ chỉ biết nghe lời. Các chính trị gia cần có một đội ngũ cố vấn độc lập với họ về tài chính, quyền lợi để có thể đưa ra những lời khuyên đúng đắn và độc lập nhất.
Nhưng để làm được điều đó, kẻ có quyền cần sự khiêm nhường. Chỉ khi nghĩ rằng năng lực của mình có hạn, mình không thể làm tất cả, và một tay không thể che cả bầu trời, người ta mới biết điểm dừng. Quân vương giỏi ngày xưa thường tự xưng là “cô”, có nghĩa là đứa con côi cút, với ẩn ý vì “côi cút” nên cần phải được dạy bảo. Vua chúa ngày xưa độc tài thế mà vẫn cần phải khiêm nhường cầu hiền sĩ, huống hồ kẻ có chút quyền ngày nay.
Chỉ kẻ khiêm nhường mới hiểu rằng những thành công của họ là kết tinh của rất nhiều may mắn và nỗ lực không chỉ của bản thân mà còn nhờ rất nhiều người. Vì thế, vị trí đỉnh cao là để “phụng sự” nhân dân, cổ đông, nhân viên, hay người hâm mộ. Đó là một trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả chứ không phải “đặc quyền” để tranh thủ kiếm chác và lạm dụng.
Và khiêm nhường còn để hiểu ra rằng, có quyền hay không, ta đều sẽ biến mất trong lẽ vô thường. Người giàu đến mấy cũng sẽ có người giàu hơn, người quyền thế đến mấy cũng tới lúc về hưu, biểu tượng tầm thế giới như Michael Jackson rồi cũng chết một mình. Danh lợi chỉ là phù du. Sự nổi tiếng chỉ là một chớp mắt của thiên hà.
Một chính trị gia lẫy lừng khi sẩy chân đã nói: “Nhà tù lạnh lắm”. Từ đỉnh cao quyền lực đến xà lim lạnh ngắt, thực ra chỉ vài bước chân.
Theo Nguyễn Quốc Toàn