Mùa Xuân & Lễ Tết, Hội hè của người Việt, sách biên khảo của Phan thanh Đà Hải, do Nxb Đà Nẵng ấn hành (tháng 1/2024). Khổ 16x24cm, dày 500 trang. Bìa : hoạ sĩ Duy Ninh. Lời giới thiệu: Bùi Xuân.
Tập sách chia làm hai phần. Phần một có tên “Lễ Tết, Hội hè”, gồm 14 bài viết cảm nhận về phong vị những ngày Tết truyền thống của dân tộc, và qua các tài liệu lịch sử, tác giả khảo tả lại những cái Tết nguyên đán diễn ra trong cung đình các triều đại phong kiến nước ta. Bên cạnh đó, còn có các bài viết về Tết nguyên tiêu, Tết Hàn thực, Tết thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu… và các trò chơi dân gian độc đáo của người Việt… Phần hai có tên “Tản mạn ngày Xuân”, gồm 16 bài viết, được tác giả miêu tả khá chi tiết, dàn trải trên một không gian rộng lớn, đầy màu sắc của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông với những câu chuyện gần gũi diễn ra trong những mùa Xuân xưa và nay.
Như vậy, có thể nói ở cùng đề tài này, chúng ta đã từng được biết đến qua nhiều tác phẩm của các tác giả tiền bối nổi tiếng trước kia như : Toan Ánh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn văn Xuân, Phan Ngọc, Đinh Gia Khánh và bộ sưu tập tranh mộc bản của Henry Oger ( người Pháp)…Thế nhưng, điều thú vị, giờ đây qua tác giả Phan Thanh Đà Hải, một nhà báo thuộc thế hệ trẻ, có điều kiện thuận lợi trong công tác nghiên cứu điền dã, và mở rộng kiến văn qua phương tiện công nghệ thông tin, ắt hẳn sẽ đem lại nhiều điều mới mẻ, góp phần lưu giữ, bảo tồn kho tàng văn hoá dân gian độc đáo người Việt.
Chỉ riêng chuyện điểm lại phong vị những ngày Tết cổ truyền, tác giả đã hệ thống một cách mạch lạc để xác quyết: “Người Việt dựa vào các tiết trong năm hình thành những cái Tết mang dấu ân riêng của văn hoá Việt: Tết nguyên đán (Tết Cả), Tết nguyên tiêu (Tết thượng nguyên), Tết Đoan Ngọ (Tết mồng Năm), Tết Trung thu (Tết trông trăng, Tết thiếu nhi), Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới)… Ở đây, Tết nguyên đán diễn ra ngày đầu năm là Tết quan trọng nhất, là Tết to nhất, dài ngày nhất, rộn ràng nhất nên được gọi là Tết Cả”. Đồng hành cùng ngày Tết, tác giả cũng dành nhiều trang viết cho thú vui Hội hè như: Đánh đu ngày Tết, Dựng nêu ngày Tết, Hội vật làng Sình, Hội võ dân tộc… Để rồi từ đó, tác giả không quên nhắc đến chuyện Lễ nghênh Xuân dưới các triều đại phong kiến; so sánh nét khác biệt giữa những cái Tết Việt và các nước châu Á; và khẳng định rõ ràng hơn Giỗ tổ Hùng Vương – Di sản văn hoá độc đáo của người Việt: “Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để giáo dục truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giưc nước, cùng nhau hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên; đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng ngàn năm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên quê hương Đất Tổ”.
Trong cái không gian tưng bừng nhộn nhịp của ngày Xuân, tác giả đã có bài viết tản mạn về Ông Địa và Thần Tài đem đến một cái nhìn lạc quan : “ Trong tâm thức của người Việt, Ông Địa và Thần Tài hiện thân của những vị thần phúc hậu hay giúp người. Chính vì yếu tố tâm linh đó mà nhiều người luôn hy vọng những vị gia thần đó sẽ phù trợ giúp họ thực hiện được những ước mơ và hoài bão của gia đình”. Kế đến là những câu chuyện về hoa Mai, hoa Đào,Trà, Rượu, Trầu Cau.., chuyện Áo dài, chuyện Cưới hỏi : “Mùa Xuân là mùa của cây cối đâm chồi, nẩy lộc, mùa của vạn vật sinh sôi… Cũng trong vòng quay của tự nhiên ấy, mùa xuân cũng là mùa của tình yêu đôi lứa, khi đã chín mùi tiến đến đám cưới”.
Kèm theo các bài viết là những bức ảnh màu sắc minh hoạ tư liệu đầy sinh động, khiến người đọc cầm quyển sách đầy đặn, trĩu nặng trên tay, có cảm giác như ta nâng lên cả một trời ấm áp, rộn ràng hương Xuân hạnh phúc. Và như một lời chúc mừng tác giả nhân tác phẩm mới ra đời đúng dịp Xuân về, xin mượn lời nhận định của nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà thơ Bùi Xuân : “ Nhà báo Phan Thanh Đà Hải biết tận dụng các thế mạnh của nghề làm báo vào trong công việc nghiên cứu văn hoá dân gian, mà tập sách “Mùa Xuân & Lễ Tết, Hội hè của người Việt” này là một ví dụ. Tôi nghĩ, không phải là qúa sớm để gọi Phan Thanh Đà Hải là nhà nghiên cứu văn hoá dân gian bên cạnh một Phan Thanh Đà Hải nhà báo, bởi vì, tôi tìm thấy ở anh nhiều tiềm năng và tố chất của một nhà nghiên cứu về chuyên ngành này”.
TRUNG SÁNG