Từ Làng quan họ quê tôi đến Trống hội cổng làng

20:43 | 10/11/2018

“Thật vinh dự khi được tâm sự với công chúng yêu âm nhạc về “con đường âm nhạc” của mình khi mùa xuân đến. Nhân dịp này, một lần nữa tôi muốn gửi tới bạn yêu nhạc đã chia sẻ các tác phẩm của tôi suốt những năm qua, và đặc biệt là đã bàu chọn cho 2 ca khúc của tôi (Làng Quan Họ quê tôi và Khúc hát sông quê) được đứng trong 20 ca khúc hay nhất viết về nông thôn, nông dân và nông nghiệp Việt Nam suốt gần bảy chục năm qua”- Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ


Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo

1. Chả là hồi còn đi học phổ thông, tôi đã thích nghe hát, rồi chép các bài hát vào sổ tay. Nhờ món nhạc lý học được từ thời cấp 2, tôi vót cái bút tre 5 “ngòi” kẻ dòng nhạc vào sổ, và chép các bản nhạc theo lời đọc của người dạy hát qua đài.

Rồi đội văn nghệ xã cần bài hát đi tham gia hội diễn huyện, tôi đánh liều làm luôn một bài về dòng sông quê tôi lấy tên là “Sóng sông Bùng”, còn nhớ đôi câu: “Sóng sông Bùng gầm vang bao thế kỷ/ Lửa Ba mươi Xô-viết vẫn còn đây…”.

Bài hát được bằng khen của huyện. Có lẽ vì thế mà khi vào bộ đội, thủ trưởng đơn vị khích lệ tôi sáng tác tiết mục cho đội văn nghệ tiểu đoàn tham gia hội diễn cấp trung đoàn. Tôi viết cả hoạt cảnh dân ca, cả thơ và tất nhiên có cả ca khúc. Sau hội diễn, trung đoàn không cho tôi vào chiến trường theo nguyện vọng, mà điều về đội Tuyên truyền văn hoá, biên chế vào “tổ sáng tác” để cung cấp tiết mục cho đội biểu diễn. Ở đấy may thay, tôi cùng tổ với nhạc sĩ Ngô Trí Thậm và nhạc sĩ Mạnh Tường – hai người cùng quê. Tôi chuyên sáng tác thơ, dân ca và kịch nhưng cũng thích nghe và sửa lời cho bài hát của 2 ông anh.

Rồi một lần nhạc sĩ Ngô Trí Thậm đi sáng tác nhưng nhà bị bão đổ phải “trốn” về sửa nhà. Sợ anh không có tác phẩm cho đội, tôi lấy mấy bản nhạc của anh ra đặt lời vào giúp anh. Anh Thậm rất ngạc nhiên, và từ đó anh “dụ” tôi vào con đường âm nhạc. Những đêm hành quân, những ngày mắc võng dưới cây rừng… trong câu chuyện sáng tác, anh đều truyền đến tôi những kiến thức mà anh đã học được ở trường Âm nhạc. Thế là tôi viết từ ca khúc đến hợp xướng, rồi nhạc múa nữa.

Khúc hát sông quê gắn liền với tên tuổi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Một số ca khúc và hợp xướng của tôi được giải, được phát trên chương trình phát thanh Văn nghệ Quân đội và có bài được ban ca nhạc đài TNVN thu thanh phát song như Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ, Cái dốc nó cao, Nụ cười Việt Nam (thơ Chính Hữu),v.v…. Nhưng những tác phẩm ấy dù đã “phủ sóng” mà vẫn chưa có bài nào thật sự đi vào lòng công chúng rộng rãi. Cho đến khi Làng Quan Họ quê tôi xuất hiện, người ta mới bắt đầu nhớ đến tên tác giả của nó với tư cách nhạc sĩ.

Tôi còn nhớ một ngày mùa thu 1978, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa tôi bài thơ “Làng quan họ” của anh… Hôm ấy tôi đến làm việc với nhà xuất bản Tác Phẩm Mới và tình cờ gặp lại anh Hách mới chuyển về làm việc ở đấy. Anh rất vui vì đêm qua tình cờ nghe được một bài hát mới của tôi, bài “Nụ cười Việt Nam”, phổ thơ Chính Hữu. Có lẽ vì thế mà anh nảy ra ý định nhờ tôi phổ nhạc cho bài thơ của anh.

Để cho chắc hơn, anh ngồi chép lại bài thơ rồi đưa cho tôi với một lời nhờ như áp đặt: “Bài này phổ nhạc được ông ạ. Ông phổ cho tôi nhé”. Tôi nghe toát mồ hôi và lại hơi buồn cười vì sự hồn nhiên của anh. Thơ thì mênh mông mà mấy bài được phổ nhạc? Nhạc sĩ thì nhiều như lá rừng nhưng có phải ai cũng phổ được bài thơ của anh? Tôi thấy ngại, nhưng cũng vui vẻ hẹn anh: “Vâng, tôi sẽ xem và nếu phổ được, tôi sẽ hát cho ông nghe để xin ý kiến nhà thơ”.Tôi vốn rất mê những điệu hát dân ca quan họ.

Từ thời máy bay Mỹ ném bom xuống những trận địa pháo phòng không đặt ở làng tôi, tôi đã được nghe những anh chị văn công xung kích của quân đội đến làng hát cho bộ đội và dân làng tôi nghe những điệu hát quan họ mượt mà tơ lụa. Một liền chị trẻ đẹp đội nón ba tầm mặc áo tứ thân đẹp mê hồn đã hát “Bèo dạt mây trôi” và “Người ở đừng về”.

Quan họ chinh phục tôi từ đó. Mỗi khi nghĩ đến quan họ, tôi lại thấy hiện lên sông Cầu giống dải bao xanh mà liền chị đã thắt ngang lưng thuở ấy. Và tôi sợ cái làng quê tươi đẹp của chị cũng sẽ bị bom Mỹ dội xuống tan hoang như làng tôi. Và tôi mơ thấy làng quan họ của chị luôn rộn rã hội hè dưới rợp bóng cây xanh cùng những lời hát long lanh cất ra từ đôi môi “lúng liếng” của chị… Tôi cũng bị quan họ chinh phục bởi phim “Đến hẹn lại lên”.

Bộ phim ấy đã dấy lên trong tôi tình yêu thương những con người xứ ấy, những con người suốt đời làm lụng và ca hát, nhưng bao biến động đã vỗ sóng lên số phận không may của họ. Tôi đã mê những câu thơ đẹp và đau đến nao lòng của “ông Hoàng thơ Kinh Bắc” Hoàng Cầm khi được đọc sớm bản thảo “Về Kinh Bắc” của ông: “Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…”. Nhưng tôi đâu biết một ngày mình sẽ viết ra bài hát “Làng quan họ quê tôi”!

2. Lại nói chuyện hôm gặp anh Nguyễn Phan Hách, sau khi chia tay anh, tôi cũng quên mất bài thơ còn cất trong túi áo. Mấy ngày sau, tôi đem áo ra giặt. Bên cái giếng xây gạch sứt mẻ của gia đình bà Tâm mù trong làng Khương Hạ (Hà Nội) nơi các nhà văn quân đội chúng tôi đang ở nhờ, tôi móc túi ra bài thơ anh Hách gửi và đọc lại. Lúc ấy từ cái loa làng phát ra những điệu hát quan họ mê hồn. Tôi bỗng thấy bài thơ đang trở thành bài hát trong đầu tôi. Và câu nhạc mở đầu đã hiện lên.

Tôi bỏ lại chậu áo quần bên giếng, vào nhà lấy giấy bút ngồi phổ nhạc cho thơ. Không có giấy nhạc kẻ sẵn, tôi lấy tờ giấy nâu khổ A4 rồi kẻ khuông “nhạc ba dòng” để viết. (Bản nháp đầu tiên đó tôi vẫn còn giữ được). Viết được nửa bài hát thì kẻng báo giờ ăn cơm tập thể. Nhà thơ Nguyễn Hoa ở cùng nhà với tôi từ đâu về lấy bát đũa định rủ tôi đi ăn cơm, nhưng thấy tôi đang say sáng tác, anh lặng lẽ đi một mình. Phải nói là Nguyễn Hoa rất hiểu tôi, anh sợ tôi sẽ dang dở mạch cảm xúc.

Còn tôi thì hiểu rằng, Nguyễn Hoa sẽ lấy suất cơm lính về cho tôi. Thế là yên tâm tôi ngồi viết một mạch. Khi tôi viết nốt nhạc kết thúc thì Nguyễn Hoa cũng đưa cơm về. Tôi bảo xong rồi, và cám ơn bạn. Anh cười và bảo hát xem nào? Tôi hát cho anh nghe “Làng quan họ quê tôi”. Anh lặng người run rẩy trong xúc động, rồi nói: “Tôi không biết nhạc. Nhìn vào bản nhạc chỉ thấy như giá đỗ. Nhưng bài này hay lắm Tạo ạ”. Lời nhận xét đầu tiên của người bạn khiến tôi rất vui. Lúc đó là một chiều tháng 9 năm 1978.

Ca sĩ đầu tiên hát “Làng quan họ quê tôi” là Kim Phúc, lúc đó mới 18 tuổi đang học năm thứ nhất tại trường Âm nhạc Việt Nam, và được nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đệm đàn trong đêm giao lưu của các nhà thơ quân đội với trường. Tiết mục được hoan nghênh nhiệt liệt, khiến tôi cũng bất ngờ.

Nhưng người thu thanh đầu tiên bài hát này là ca sĩ Thanh Hoa (hát cùng tốp nữ), và được phát sóng trên đài TNVN vào tháng 6.1979. Từ đó nó trở thành bài hát quen thuộc của người yêu nhạc, rồi được dàn nhạc giao hưởng Lepzich trình diễn trong tuần văn hóa VN tại Đức, được hãng JVC đưa vào chương trình karaoke của Nhật cùng với 100 ca khúc Việt Nam chọn lọc. Bài hát này được nhiều ca sĩ thu thanh, thu hình, sản xuất đĩa nhạc. Gần đây nhất là Anh Thơ, Trọng Tấn, Trung Anh… Nhiều biên đạo múa cũng lấy nhạc của ca khúc Làng quan họ quê tôi để dàn dựng múa.

Có người thắc mắc tôi vì sao lời ca trong các bản thu thanh có chỗ khác nhau? Và lời nào là “chuẩn”? Có một thay đổi quan trọng là câu hát gốc “Làng quan họ quê tôi, những năm bom Mỹthả ” được đổi thành “Làng quan họ quê tôi, tiếng ca xanh ước hẹn”.

Đó là do nhà xuất bản Âm Nhạc khi thu đĩa hát (1984) đã yêu cầu tôi sửa lại để phát hành ra quốc tế thuận lợi hơn?!!! Và tôi bất đắc dĩ phải sửa lại. Tuy nhiên, sau đó nhiều ca sĩ vẫn hát theo bản nhạc ban đầu công bố, và tôi thích được hát như bản đầu tiên.

Còn một số từ do ca sĩ nhầm nên đã làm sai lạc đi như “Con sông Cầu làm bao xanh, ngang lưng làng quan họ xanh xanh” bị hát sai thành “Con sông Cầu làng bao quanh, ngang lưng làng quan họ xanh xanh”; câu “Chị cả tựa mạn thuyền, anh hai ngồi bẻ lái ” bị hát sai thành “Chị cả tựa mạn thuyền, anh hai ngồi thổi sáo”… thì cũng là “tam sao thất bản” vậy. Điều quan trọng là bài hát đã đi vào lòng người, nó làm cho tâm hồn người ta đẹp hơn, yêu đời hơn, yêu quê hương đất nước hơn.

3. Sau thành công “Làng Quan Họ quê tôi”, tôi cũng không tập trung nhiều vào sáng tác âm nhạc, vì cái nghiệp tôi dồn tâm huyết theo đuổi là thơ. Nhưng thỉnh thoảng ngẫu hứng, tôi cũng viết ca khúc (cũng như vẽ bìa sách). Có điều lạ là hầu như lần nào tôi dự thi ca khúc cũng đều đoạt giải.

Hơn 20 năm tôi nhận liên tiếp 6 Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các ca khúc: Mặt trời trong thành phố, 1983; Đường về Thạch Nham, 1984; Con dế buồn, 1997; Đồng Lộc Thông ru, 1998; Cánh đồng ở giữa hai làng, 2001; Khúc hát sông quê, 2005. Bài Đôi mắt đò ngang đoạt giải VHNT Hồ Xuân Hương và giải của Uỷ ban LH các hội VHNTVN.

Đôi mắt đò ngang là bài hát tôi rất tâm đắc viết sau một chuyến về thăm Nam Đàn quê Bác (1995). Nó được phổ biến rộng rãi ở Nghệ An, vào cả những đám cưới thường nhật, nhưng mãi đến gần chục năm sau mới lên sóng truyền hình và được nhiều ca sĩ chọn làm bài thi trong các cuộc thi Sao Mai tiếng hát truyền hình.

Điều bất ngờ lớn với tôi là sự ra đời của “Khúc hát sông quê” đã gây nên một chấn động dây chuyền trong sinh hoạt âm nhạc của người Việt trong nước cà cả ở nước ngoài. Nhiều ca sĩ thổ lộ với tôi: “Nhờ Khúc hát sông quê mà bọn em “hái” bộn tiền”. Nhiều người cứ tưởng bài hát được viết ra phải kỳ công lắm, nhưng thực ra là rất đơn giản và rất nhanh…

Đó là lần tôi tham gia trại sáng tác âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ở Vũng Tàu năm 2002. Một ngày tiệc tùng với các văn nghệ sĩ địa phương, Lê Huy Mậu có đưa cho tôi một tập giấy gồm 5 bài thơ nhờ tôi đọc và để đưa ra Hà Nội in báo. Đêm đó tôi uống say quá nên ngủ luôn cho đến sáng hôm sau. Tỉnh dậy, tôi ra biển tắm để “giải rượu”.

Tôi còn nhớ biển Vũng Tàu hôm đó rất đẹp, trong lành và mát rượi, và rất đông người. Người ta vui Tết Độc lập mùng 2 tháng 9. Tắm xong, tôi về phòng, đọc mấy bài thơ của Lê Huy Mậu đưa đêm qua. Đọc đến bài “Khúc hát sông quê” thì bao nhiêu cảm xúc, kí ức về quê hương, về dòng sông, về mẹ… cứ thế ùa về. Tôi mải miết và như trôi đi trong từng câu chữ. Âm nhạc nổi lên theo từng câu thơ.

Tôi nhẩm chủ đề âm nhạc và cấu trúc bản nhạc trong đầu. Và cảm giác là hoàn chỉnh rồi, tôi lấy giấy nhạc ra “chép” lại. Lúc “chép” xong bản nhạc, nhìn đồng hồ thì thấy đã 8h sáng. Gọi cho Huy Mậu đến và tôi hát cho Mậu nghe. Nghe xong, Mậu đờ đẫn nằm vật xuống giường, như bị cảm, mặt mày sưng sỉa…. Tôi ngạc nhiên quá liền hỏi: “Sao vậy?” Bỗng Mậu ngồi bật dậy, nói: “Anh làm tôi sắp nổi tiếng đến nơi rồi”.

Chúng tôi đi ăn sáng, gặp một số người bạn và tôi hát cho họ nghe. Mọi người đều lặng đi và, bữa ăn sáng trở thành một cuộc nhậu kéo dài. Cả ngày hôm đó giống như một ngày ăn mừng “khánh thành” bài hát với nhiều bia rượu cùng lời chúc tụng của bạn bè. Buổi tối, chúng tối ra biển giải khát thì gặp NSND Thu Hiền vừa biểu diễn đâu đó đến cùng bạn bè.

Tôi đưa cho Thu Hiền bản nhạc, và chị hát ngay tại chỗ. Giọng chị thật mượt mà và quyến rũ. Khi tôi về Hà Nội, mời ca sĩ Anh Thơ hát cho chương trình Tác phẩm mới của VTV, và bài hát đã tạo ra một hiệu quả bất ngờ. “Khúc hát sông quê” đã đến với mọi người tạo nên một hiệu ứng hiếm có.

4. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở quê, dù đã sống nhiều năm ở thành phố nhưng đề tài về làng quê luôn ám ảnh tôi. Với tôi, làng quê là cái gốc của thị thành. Người Việt mình lớn lên cùng cây lúa nước nghìn đời, nên tình quê mãi mãi là nguồn cội sâu xa.

Cách đây không lâu, tôi có dịp về quê một người bạn ở Nam Định để dự lễ khánh thành cổng làng, đây là cổng làng bằng đá rất độc đáo, được chạm trổ hoa văn, tranh dân gian, hình ảnh hội hè, câu đối… Chắc chiếc cổng làng này đắt tiền lắm, không bạc tỉ cũng phải tiền trăm. Tôi thích và nhớ lại cổng làng của làng mình ngày xưa, những kỷ niệm một thời thơ ấu cứ ùa về, mang đến cho tôi những cảm xúc kỳ lạ. Và người bạn ấy đã gợi ý tôi nên viết một ca khúc về cổng làng.

Về nhà tôi nghĩ mãi, càng nghĩ càng thấm nhưng vẫn chưa tìm ra được tứ của bài hát, lúc ấy tôi mới gọi điện cho nhà văn Phạm Lưu Vũ và “đặt” anh viết một bài thơ về Cổng làng, và chỉ mấy ngày sau, Vũ có gửi cho tôi một bài thơ mang tên “Cổng làng”, cái hay của bài thơ này là nó phát hiện ra một cặp phạm trù có tĩnh và có động, cái cổng làng là tĩnh và người đi ra, người đi về như dòng nước chảy…Tôi cho rằng, phía sau mỗi cánh cổng làng Việt ấy, xưa nay vẫn là sự kết nối cộng đồng gia tộc, là những nét chung về phong tục, tập quán, những nét văn hoá riêng biệt.

Cánh cổng làng dù hiện hữu hay vô hình vẫn là nỗi nhớ, là hình ảnh quê hương của những người con xa xứ. Cổng làng không chỉ tạo nên hồn quê đất Việt mà qua dáng vẻ kiến trúc còn thể hiện chiều sâu văn hóa mỗi ngôi làng. Chính vì thế, mà tôi đã sáng tác ca khúc “Trống hội Cổng làng”.

Từ Làng quan họ quê tôi đến Trống hội cổng làng

Ở ca khúc này, tôi cố gắng truyền tải hết ý nghĩa của Cổng làng, khẳng định văn minh làng xã trong từng câu hát, bởi trong mỗi người dân Việt, tôi tin ai cũng có một miền ký ức tuyệt vời về chiếc cổng làng và những kỷ niệm quý giá thời thơ ấu, ngay từ việc xây dựng cổng làng, ông cha ta đã có ý nhắn nhủ thế hệ mai sau qua kiến trúc, kiểu dáng, nét chữ, hình ảnh, ý tứ ở mỗi dòng câu đối.

Cổng làng quê ta đó/ thanh bình cùng nước non

Ký ức cha ông trong mạch đất

Những bước ta phương mong đổi đời

Nước chảy thành sông nước chảy thành sông

Nổi chìm trong gân đá

Ghim vào từng kiếp cây…

Đó là hình ảnh cổng làng đứng lặng lẽ mà uy nghi, chứng kiến bao thăng trầm của cuộc đời. Trong ca khúc này có sự cân bằng giữa âm – dương, trong – ngoài, trên- dưới, bên trong cổng làng có cây đa, giếng nước, có hội hè chiêng trống, bên ngoài cánh cổng làng là cả một chân trời mơ ước, là ký ức cha ông trong từng mạch đất, của những bước chân tha phương mong đổi đời nhưng trong tiềm thức luôn nhớ về làng quê của mình.

Viết “Trống hội Cổng làng”, tôi không chỉ viết về cổng làng bằng đá ở Nam Định của bạn tôi, mà viết từ tâm thức cổng làng của làng quê Việt mà tôi đã đi qua…Tôi hy vọng “Trống hội cổng làng” – bài hát mới nhất của mình sẽ sớm đến cũng công chúng yêu nhạc, nhạc làng quê hiện đại với chất liệu của điệu chầu văn lên đồng.

Nguyễn Trọng Tạo

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024