Xuất thân từ thân phận nô tỳ, sau khi trở thành vương phi, được vua yêu quý, bà Lê Thị Thanh có nhiều đóng góp, được người dân lập miếu thờ.
Theo sách Kể chuyện chốn hậu cung, phụ nữ có số phận đặc biệt này tên Lê Thị Thanh (chưa rõ năm sinh, năm mất, nhiều tài liệu không ghi tên, chỉ ghi bà phi họ Lê), quê ở xã Sa Lung, châu Minh Linh, nay thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Bà hoàng xuất thân từ người hầu
Sách Đại Việt thông sử chép rằng: “Bà phi họ Lê, người xã Sa Lung, châu Minh Linh, vì gia đình mắc tội bị sung làm nô tỳ. Khi vua Uy Mục còn ở nơi dành cho hoàng tử, theo học thầy dạy, bà cũng đến đó. Vua trông thấy, đem lòng yêu. Khi lên ngôi, vua liền đón vào cung. Bà gần như độc chiếm tình yêu của vua, được phong làm vương phi”.
Câu chuyện này cũng được tài liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích – Danh thắng tỉnh Quảng Trị ghi nhận. Theo đó, dù sinh ra, lớn lên ở Quảng Trị, bà phi họ Lê có gốc gác từ huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cha bà di cư vào dải đất miền Trung sinh sống.
Sau khi bố mẹ bà qua đời sớm, để lại ba đứa con thơ dại, người cậu ruột Lê Quang Phú (Lê Đại Lang) đưa ba anh em bà về chăm sóc, dạy dỗ. Lê Đại Lang chính là một trong những người có công lập nên làng Sa Lung vào cuối thế kỷ XV. Tên làng cũng được lấy theo tên quê cũ của ông ở tổng Sa Lung, thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ngày nay.
Dù đồng quan điểm về nguồn gốc xuất thân, tuyền trụng tại địa phương cho rằng trước khi đi khai khẩn vùng đất mới ở Minh Linh (Quảng Trị ngày nay), cậu đã gửi bà vào hoàng cung làm người hầu.
Câu chuyện này cũng được sách Ô Châu cận lục do Thượng thư triều Mạc Dương Văn An chép lại: “Bà phi họ Lê quê ở xã Sa Lung, châu Minh Linh, vốn là con gái hầu hạ trong cung, lúc Mẫn Lệ Vương (Lê Uy Mục) còn ở nơi dành cho hoàng tử, theo học vương phó, bà cũng đến học ở đây. Vương thấy bà làm vừa ý, hai người trở nên quyến luyến nhau”.
Người dân lập đền thờ
Sau khi lên ngôi, Lê Uy Mục đã rước bà vào hậu cung. Vốn là người xinh đẹp, nết na, bà được vua yêu quý hơn cả. Nhờ nhan sắc, đức tính cần mẫn, thông minh, từ thân phận của nô tỳ chuyên làm nhiệm vụ phục dịch, bà được Lê Uy Mục lấy làm vợ, phong vương phi.
Sau khi vào cung, anh và em trai bà cũng được ban tước hiệu, triều đình giao cho nhiệm vụ khai phá thêm những vùng đất hoang, chiêu mộ dân chúng, lập nên nhiều làng xã, kéo dài từ vùng Sen Thủy (Quảng Bình) đến vùng Hạ Bạn (Gio Linh, Quảng Trị ngày nay).
Theo sách Ô Châu cận lục, nhờ gia đình có công lao to lớn trong việc khai khẩn lập ấp, nên sau khi qua đời, người dân nhớ tới công lao của anh em bà, đã lập miếu thờ ở nhiều nơi.
Trải qua hàng thế kỷ, qua bao biến động của lịch sử, tất cả gần như bị tàn phá, chỉ còn lại ngôi miếu chính thờ bà tại làng Sa Trung của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Ngôi miếu tại làng Sa Trung được người dân gọi với nhiều tên khác nhau như miếu bà, miếu bà vương phi họ Lê, miếu bà chúa, miếu bà Mẫn Lệ phi… Thú vị hơn cả là tên gọi miếu bà Râm do người dân đặt, ngụ ý khen bà như một cây đại thụ, tỏa bóng râm mát, che chở cho dân chúng.
Ghi nhớ công ơn của bà, hàng năm, ngày 27.3 Âm lịch, đông đảo người dân lân cận tế lễ để tưởng nhớ bà với những câu ca dao lưu truyền như: “Đi đâu cũng nhớ tháng ba / Hai bảy giỗ bà, tảo mộ vui xuân / Các nơi nô nức xa gần / Vĩnh Trung, Vĩnh Thủy, Quảng Bình về đây”.
Theo Cổng thông tin du lịch tỉnh Quảng Trị, bên cạnh những giá trị của di tích về thời kỳ chiêu dân, lập ấp, miếu bà vương phi họ Lê còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng khác.
Những năm 1942-1943, để nắm bắt tình hình và chỉ đạo phong trào cách mạng ở khu vực Vĩnh Linh, một số nhà cách mạng nước ta từng đi lại hoạt động bí mật tại ngôi miếu này.
Sau này, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là nơi đặt các kho hậu cần, vũ khí, binh trạm… Năm 2009, miếu bà vương phi họ Lê được xếp hạng di tịch văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định Số 652/QĐ – UBND ngày 16.4.2009 của UBND tỉnh Quảng Trị.
Theo Zing