Tối 23-9, tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa – Thể thao, Hội Âm nhạc và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức; Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh thực hiện, đã tổ chức chương trình nghệ thuật Chân dung âm nhạc – Nhạc sĩ Hoàng Việt với chủ đề “Tình ca dâng cả bao người”.
Chức năng chính của văn học nghệ thuật là hướng tới chân thiện mỹ. Đa dạng hóa các loại hình thể hiện mục tiêu ấy là công việc không ngừng nghỉ của các tác giả. Chương trình nghệ thuật đặc biệt khắc họa chân dung Anh hùng liệt sĩ, nhạc sĩ Hoàng Việt là một chương trình như thế.
Một chương trình giàu sức sáng tạo bởi nhiều lẽ.
Trước hết, việc giới thiệu chân dung một tác giả lừng danh như nhạc sĩ Hoàng Việt đã từng được tổ chức. Những chương trình âm nhạc ấy nhằm tôn vinh sự cống hiến cho âm nhạc và cho Tổ quốc của những nhạc sĩ tài hoa và đức độ.
Chân dung nhạc sĩ Hoàng Việt được khắc họa bằng các loại hình nghệ thuật tổng hợp giàu sức gợi. Ảnh: BẢO TRÂN – TRẦN MAI
Vì vậy, lần này, Ban tổ chức và ê kíp đã có cách làm khác hơn, mới lạ, lôi cuốn và thuyết phục. Đó là sự phối hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong một chương trình nghệ thuật: Âm nhạc, kịch, múa, dẫn chuyện, giao lưu, đặc biệt là giao lưu, tương tác với những nghệ sĩ, người cùng thời với Hoàng Việt với lớp người trẻ hôm nay và giao lưu với người con trai út của Hoàng Việt, đứa con mà khi cha hy sinh, vẫn còn nằm trong bụng mẹ…
Để thực hiện được một chương trình nghệ thuật với tầm vóc lớn nhằm tôn vinh một nhân cách sáng tạo lớn, Ban tổ chức đã phải phối hợp nhiều đơn vị, nhiều loại hình nghệ thuật với sức sáng tạo thẩm mỹ và tận dụng tối đa lợi thế kỹ thuật (hình ảnh, âm thanh, ánh sáng)…và với một ê kíp sáng tạo tài năng và tâm huyết: Kịch bản văn học nhà văn Bích Ngân; đạo diễn chương trình Binh Hùng; đạo diễn kịch NSND Trần Minh Ngọc; đạo diễn hình ảnh Lâm Lê Dũng; tổng đạo diễn chương trình NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh với dàn nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Ngọc Trinh, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Hữu Quốc, nghệ sĩ Hòa Hiệp, ca sĩ Võ Hạ Trâm …cùng các nghệ sĩ Nhà hát giao hưởng TP Hồ Chí Minh, đã thổi hồn vào chương trình, chạm tới trái tim người thưởng thức với nhiều chiều cảm xúc.
Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, trong đó có những diễn viên nổi tiếng. Ảnh: BẢO TRÂN – TRẦN MAI
Tác giả kịch bản văn học – nhà văn Bích Ngân được mọi người biết đến không chỉ là cây viết nữ sắc sảo, với nhiều tác phẩm văn chương ấn tượng mà còn là một tác giả sân khấu với nhiều kịch bản đã được trao giải thưởng của Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từ những lần Hội diễn kịch nói và cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
Kịch bản “Những hòa âm dang dở”, mà nhân vật chính là người nhạc sĩ kháng chiến tài hoa, đức độ- Anh hùng liệt sĩ Hoàng Việt đã được nhà văn ấp ủ, thai nghén từ lâu. Làm sao đạt được hai mục tiêu: Khắc họa chân dung người nhạc sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm để đời như: Lên ngàn, Lá xanh, Nhạc rừng, Tình ca…và người Anh hùng liệt sĩ đã bỏ lại Sài Gòn hoa lệ, tìm đường đến với kháng chiến và hy sinh trên chiến trường như một chiến sĩ cầm súng, thực sự là khát vọng của tác giả kịch bản và toàn bộ ê kíp.
Tái hiện ký ức chiến tranh với nhiều câu chuyện xúc động. Ảnh: BẢO TRÂN – TRẦN MAI
Thứ hai, để thực hiện mục tiêu kép ấy, tập thể những người thực hiện chương trình đã dụng công, lao tâm, khổ lực để có một chương trình nghệ thuật chạm tới trái tim người xem.
Ê kíp tổ chức dàn dựng và thực hiện “Tình ca dâng cả bao người” đã sáng tạo với sự thôi thúc của trái tim nên đã tạo được một chương trình nghệ thuật khắc họa nhân vật nhạc sĩ, Anh hùng liệt sĩ Hoàng Việt theo phương pháp tái hiện và đồng hiện.
Sự đan xen xuất hiện giữa nhân vật, người dẫn chuyện, nhân chứng lịch sử và thân nhân của nhạc sĩ Hoàng Việt, cảm nhận của giới chuyên môn cùng việc tận dụng tối đa kỹ thuật công nghệ đã tái hiện một giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng mà nhạc sĩ Hoàng Việt và đồng đội, đồng nghiệp, gia đình của ông đã vượt qua vì sự nghiệp cách mạng cao cả giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Qua nhân vật nhạc sĩ Hoàng Việt, con đường hướng tới chân thiện mỹ của văn học nghệ thuật nói chung, của từng tác giả nói riêng chưa bao giờ bằng phẳng, rực rỡ hào quang. Đúng như nhạc sĩ Hoàng Việt đã trao gửi đồng đội, đồng nghiệp: “Tôi phải ở lại nơi bom rơi, đạn nổ này để sáng tác, để chia sẻ với sự hy sinh cao cả của đồng chí, đồng bào”.
Sắc thái văn hóa Nam Bộ in đậm trong các hoạt cảnh sân khấu. Ảnh: BẢO TRÂN – TRẦN MAI
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch hội Âm nhạc Việt Nam cũng tâm sự như thế sau khi xem chương trình này: “Chương trình thật giàu sức sáng tạo. Qua chương trình, chúng ta càng tự hào về nhạc sĩ Anh hùng liệt sĩ Hoàng Việt, tự hào về một thế hệ nghệ sĩ đã không ngừng sáng tạo, cống hiến, hy sinh vì đất nước”.
Thứ ba, vẫn còn một vài điều tiếc mà người thưởng thức mong muốn chương trình có thể làm tốt hơn. Ví dụ: Ý tưởng, thông điệp rõ, nhưng tổng thể chương trình hơi nặng. Việc để nhân chứng lịch sử (một trong hai nghệ sĩ cùng thời với nhạc sĩ Hoàng Việt) giao lưu còn khá hồn nhiên ở tuổi đã rời xa sự hồn nhiên và thời lượng hơi dài.
Mặc dù vậy, chương trình nghệ thuật: Chân dung âm nhạc – nhạc sĩ Hoàng Việt “Tình ca dâng cả bao người” là một chương trình giàu sức sáng tạo, lay động được trái tim người thưởng thức.
Thứ tư, từ chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tình ca dâng cả bao người” đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ về cách lan tỏa những tấm gương hy sinh cao cả vì đất nước. Khắc họa chân dung một nhạc sĩ tài hoa, Anh hùng liệt sĩ như Hoàng Việt với những tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng, có cách nào đó để khắc họa các nhân vật khác mà bằng tài năng, đức độ, họ đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho đất nước, cho cuộc sống bình yên của mọi gia đình như: Anh hùng liệt sĩ- nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn ); Anh hùng liệt sĩ nhà thơ Lê Anh Xuân…
Thứ năm, một chương trình nghệ thuật tầm cỡ được đầu tư về tâm sức, tài năng và sức lay động của nó, nên được tiếp tục tổ chức biểu diễn để lan tỏa không chỉ giá trị nghệ thuật, giá trị chân thiện mỹ mà còn lan tỏa giá trị của biết bao máu xương đã đổ xuống cho chúng ta có được cuộc sống thanh bình hôm nay.
Đó là món nợ của chúng ta, trước hết của các nhà quản lý văn hóa và của văn nghệ sĩ.
Đại tá, nhà thơ TRẦN THẾ TUYỂN
Nguồn: qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/lang-dong-vang-xa-tinh-ca-dang-ca-bao-nguoi-744141