Người thầy giáo mang quân hàm xanh “thắp sáng” vùng biên giới Gia Lai

19:20 | 20/09/2023

Lớp học xóa mù chữ ở vùng biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) khá đặc biệt bởi già trẻ, lớn bé đều có đủ. Và điều đặc biệt hơn cả là những giáo viên đứng lớp, họ không phải là các thầy giáo tay chuyên cầm phấn mà là những người lính mang quân hàm xanh.


Thầy giáo áo xanh

Cách trung tâm UBND xã Ia Mơr chừng 20km là khu dân cư suối Khôn. Đây là khu vực giáp ranh với xã Ia Lốp, huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Khu dân cư suối Khôn có 103 hộ với 561 khẩu, thuộc 7 anh em dân tộc sinh sống. Điểm đặc biệt của khu dân cư này là địa giới hành chính thuộc xã Ia Mơr, nhưng dân số lại là xã Ia Piơr quản lý.

Vì nhiều lý do khác nhau đặc biệt là cuộc sống kinh tế còn khó khăn cùng với gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến nhiều người dân ở đây vẫn chưa được biết cái chữ.

Lớp học xóa mù chữ cho người dân khu dân cư suối Khôn được đảm nhận bởi các cán bộ thuộc Đồn Biên phòng Ia Hlốp

Thấy được niềm khao khát biết chữ, học chữ của bà con tại khu dân cư suối Khôn, Đồn Biên phòng Ia Hlốp thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch chi tiết, báo cáo cấp trên xin được mở lớp học xóa mù chữ.

Ông Nguyễn Văn Thành – Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp chia sẻ: “Khu dân cư suối Khôn có 71 người hiện đang mù chữ. Anh em vận động thấy nhiều người mong muốn được học chữ nên Đồn đã báo cáo xin được mở lớp học xóa mù chữ”.

Theo đó, đứng lớp dạy xóa mù chữ chính là những người lính mang quân hàm xanh thuộc Đồn Biên phòng Ia Hlốp. Hai bộ môn chủ chốt là Toán và Tiếng Việt được sự đảm nhận của Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Hoằng và Đại úy Nguyễn Văn Luân-Đội trưởng Đội vận động quần chúng.

Đại úy Nguyễn Văn Luân- Đội trưởng Đội vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Ia Hlốp đảm nhận môn Tiếng Việt

Kết thúc một ngày dài vất vả trên nương rẫy, chiều muộn chị Kpuih Lép (27 tuổi, trú tại khu dân cư suối Khôn) tranh thủ về nhà cơm nước để có thể cắp sách đến lớp học chữ. Ngày trước cũng vì nhà nghèo nên Kpuih Lép chỉ được học hết lớp 4 rồi theo cha mẹ đi làm. Hằng ngày phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nên dần Lép cũng quên hết cái chữ.

Chia sẻ với chúng tôi, Lép bộc bạch: “Nhiều năm nay em luôn khao khát được đến trường, tuy nhiên vì hoàn cảnh khó khăn nên cũng chỉ đành gác lại. Mới đây khi hay tin các chú bộ đội mở lớp học em đã đăng ký tham gia. Em rất thích đi học, thích được ngửi mùi sách vở mới. Phải biết chữ để tính toán rồi sau này lấy chồng mới được tôn trọng và đẻ con ra còn dạy học cho con nữa”.

“Thắp sáng” vùng biên giới

Tương tự Lép, chị Siu Nghinh nay đã 20 tuổi nhưng chỉ mới đọc được hết quyển sách lớp 1 vì bỏ học sớm. “Vì không biết chữ nên khi đi mua bán hàng em chỉ biết điểm chỉ vào tờ giấy họ đưa vì thế nhiều lần bị lừa khiến bố mẹ phải buồn. Trước đây, em lo đi học sẽ mất tiền học phí, tiền sách vở nên còn ngần ngại nhưng khi đến lớp được các thầy cho toàn bộ đồ dùng học tập… thi thoảng không có xe được các thầy đến đón em rất vui. Em sẽ chăm chỉ học tập để biết cái chữ, biết được kinh nghiệm trồng mì, trồng bắp năng suất hơn”, Siu Nghinh trải lòng.

Bà con vui mừng vì được đi học, được biết mặt chữ

Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Hlốp – Nguyễn Văn Thành cho biết: “Hiện lớp học có 15 học sinh, độ tuổi từ 15-50. Mỗi tuần lớp sẽ học ba buổi với hai môn chính là Toán và Tiếng Việt. Với mong muốn được học chữ của bà con nhân dân suối Khôn, hiện chúng tôi cũng đang chuẩn bị mọi điều kiện để khai giảng lớp thứ 2”.

Để bà con đến lớp đầy đủ và đều đặn, các cán bộ Đồn Biên phòng Ia Hlốp đã đến từng nhà động viên, trò chuyện, nói rõ lợi ích của việc biết chữ. Đi học do bộ đội Biên phòng dạy không mất tiền, lại được cấp sách vở. Lúc đầu, nhiều người còn e ngại, nhưng dần dần bà con cũng hiểu ra và chăm chỉ đến lớp học.

Người lính mang quân hàm xanh tận tình dạy chữ cho bà con dân tộc thiểu số

Theo Đại úy Nguyễn Văn Luân – Đội trưởng Đội vận động quần chúng, độ tuổi tham gia lớp học khác nhau, người nhiều nhất là gần 50 tuổi, người ít nhất là 15 tuổi vì thế cách dạy cũng khác nhau. Ở trường học có thể la mắng, nhưng ở lớp học này tuyệt đối không được nóng giận. Phải từ từ động viên bà con, vừa nói chuyện vừa dạy học và phải nắm bắt tâm lý thì bà con mới chịu học, chịu lắng nghe.

“Phần lớn những ngày vào mùa, từ chiều chúng tôi phải đã gọi điện nhắc nhở vì sợ bà con quên đến lớp. Nhiều buổi học, gần đến giờ vào lớp điểm danh sĩ số mà thấy thiếu vắng học viên nào là các cán bộ đồn phải chạy đến nhà gọi ngay. Lắm lúc bà con báo bận việc nên cán bộ phải ở lại làm giúp bà con, để họ đến lớp. Rồi những lúc trời mưa, chúng tôi phải chia nhau chạy xe máy đến nhà để đón”, Đại úy Luân tâm sự.

Dưới sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, người dân nghèo vùng biên viễn đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học chữ, biết chữ

Để có thể động viên những học viên đặc biệt ở suối Khôn đến lớp đầy đủ, những người thầy áo xanh không quên chuẩn bị những đĩa bánh kẹo để đón những vị khách đặc biệt. Đó là những em nhỏ được mẹ địu trên lưng đến lớp.

Chị Siu H’ Nghen nghẹn ngào nói: “Con mình vừa tròn 4 tuổi, khi được Bộ đội Biên phòng vận động đi học chữ, lúc đầu chồng không muốn cho đi vì phải ở nhà trông con. Nhưng mình nói sẽ đưa con đi học theo, chồng mới đồng ý. Đến lớp vừa biết chữ, vừa biết làm toán, con lại được các chú biên phòng cho bánh kẹo. Nhiều lúc trong giờ học con quấy khóc, các anh lại thay mình dỗ dành con để mình yên tâm học tập”.

Cứ như vậy, bằng tình thương và trách nhiệm, những người thầy giáo mang quân hàm xanh đã để lại dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Những người thầy giáo đặc biệt này đã và đang mang đến “ánh sáng” cho vùng biên giới Gia Lai.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nguoi-thay-giao-mang-quan-ham-xanh-thap-sang-vung-bien-gioi-gia-lai-post265235.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam