Mặc dù có kết cấu kỳ lạ, nặng mùi hay hương vị khó thưởng thức, những món ăn này vẫn rất phổ biến và được nhiều người yêu thích.
Natto: Natto phổ biến trên khắp Nhật Bản, được tiêu thụ hàng ngày như một món ăn sáng điển hình hay có trong thực đơn bữa trưa. Được làm từ đậu nành lên men, natto có kết cấu nhầy nhụa và mùi nồng đặc trưng. Nhiều người Nhật khi thưởng thức natto, thường thêm mù tạt karashi hoặc nước tương lên trên để làm giảm mùi vị khó chịu. Ảnh: Pinterest.
Trứng bắc thảo: Là đặc sản được ưa chuộng tại Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, món ăn này được gọi với nhiều tên như “trứng thế kỷ”, “trứng trăm năm”, “trứng bắc thảo”… Cách làm là bảo quản trứng gà, chim cút hoặc trứng vịt trong hỗn hợp tro, đất sét, muối, trấu và vôi sống trong một thời gian dài, từ vài tuần đến vài tháng. Sau đó, lòng trắng trứng chuyển thành thạch màu nâu sẫm có vị mặn, lòng đỏ chuyển thành màu xám đen hoặc xanh đậm, vị nồng do có sự sản sinh amoniac và hiđro sunfua. Ảnh: A little Bit Human.
Trứng vịt lộn: Được bán như thức ăn đường phố dọc theo lề đường và tại các quầy hàng trong chợ, trứng vịt lộn là món ăn dân dã quen thuộc của người dân Việt Nam và cũng nổi tiếng với du khách đến Philippines, nơi món ăn được gọi là balut. Tuy nhiên, món ăn vặt giàu protein này mang đến cảm giác e dè cho không ít du khách và không phải ai cũng dám ăn thử. Ảnh: Phnom Penh Life.
Trứng vịt lộn: Được bán như thức ăn đường phố dọc theo lề đường và tại các quầy hàng trong chợ, trứng vịt lộn là món ăn dân dã quen thuộc của người dân Việt Nam và cũng nổi tiếng với du khách đến Philippines, nơi món ăn được gọi là balut. Tuy nhiên, món ăn vặt giàu protein này mang đến cảm giác e dè cho không ít du khách và không phải ai cũng dám ăn thử. Ảnh: Phnom Penh Life.
Rượu ngâm chuột: Một loại đồ uống kỳ lạ được làm bằng cách ngâm rượu gạo với chuột và để lên men trong khoảng một năm. Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, nơi sản xuất thức uống đặc sản này, rượu ngâm chuột được cho là loại thuốc bổ cho sức khỏe. Nhiều người tin rằng đó là một phương thuốc chữa bệnh hen suyễn và một số bệnh về gan, mặc dù chưa có nghiên cứu nào xác nhận những thông tin này. Ảnh: SAPO Viagens.
Boodog Mông Cổ: Do tập quán du mục, người Mông Cổ xưa thường thiếu nhà bếp và đồ dùng nấu ăn. Chính vì thế, họ đã tìm ra những cách sáng tạo để chế biến các món ăn. Trong đó phải kể đến boodog, món ăn được làm bằng cách rút xương con dê và dùng lớp da thịt nguyên vẹn để nhồi đá đã nung nóng, nội tạng và hành, khoai tây vào bên trong. Những viên đá nóng sẽ làm thịt dần chín từ trong ra ngoài. Ảnh: Braciamiancora.
Phô mai Casu Marzu: Đây là một trong những loại phô mai “kinh dị” nhất thế giới với hàng nghìn con giòi lúc nhúc. Là đặc sản của đảo Sardinia, Italy, món phô mai sữa cừu này được người dân địa phương ưa chuộng, nhưng du khách lại “chùn chân” không dám nếm thử. Khi làm món này, người ta dùng một loại ruồi đẻ trứng vào phô mai để giúp quá trình lên men diễn ra tốt hơn. Sau đó, phô mai được bảo quản trong chỗ tối và mát để trứng nở. Khi trứng ruồi nở thành giòi, chúng sẽ ăn chất béo trong phô mai, khiến món ăn mềm mịn, có kết cấu và hương vị đặc trưng. Ảnh: Wikipedia.
Đầu cừu: Đầu cừu từ lâu đã trở thành một món ăn được yêu thích trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Bắc Âu và Địa Trung Hải. Các công thức nấu ăn thông thường có thể khác nhau, bao gồm đầu cừu nướng, hun khói hoặc súp đầu cừu và điểm giống nhau là món ăn được phục vụ với phần đầu nguyên vẹn. Ảnh: Meridian.
Theo Zing